Đột phá tạo diện mạo mới

Cập nhật, 01:03, Thứ Hai, 18/05/2020 (GMT+7)

“Một trong những thành tựu to lớn của Đảng bộ xã Phước Hậu (Long Hồ) là xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sớm hơn so nghị quyết nhiệm kỳ 2015- 2020 với chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao”- Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu Trần Văn Út nhận định như thế khi nói về những thay đổi của xã trong nhiệm kỳ qua. Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, bức tranh xã NTM Phước Hậu đã hướng đến đời sống người dân nông thôn, đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Bộ mặt nông thôn xã Phước Hậu đang ngày càng khởi sắc.
Bộ mặt nông thôn xã Phước Hậu đang ngày càng khởi sắc.

Diện mạo mới từ con đường mới

Về xã Phước Hậu, chúng tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn đang đổi thay từng ngày khi đi trên những tuyến đường mới với những căn nhà, hàng rào vừa được xây mới, cùng những khóm hoa ven đường đua nhau khoe sắc thắm tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho quê hương.

Trên tuyến đường láng nhựa từ cầu Tỉnh Đoàn đến cầu Út Tu dài hơn 1.400m, chúng tôi ghé thăm nhà bà Phạm Thị Mười Một (bà Hồng) ở ấp Phước Hanh A. Trong căn nhà rộng thoáng bao quanh bởi hàng rào song sắt, cột cổng ốp gạch và tạo kiểu mái che, bà Hồng mời chúng tôi thưởng thức ly trà đậu đen rang thơm mát làm xua tan cái nóng giữa ban trưa.

“Từ hôm 30 tháng Chạp, tuyến đường này được hoàn thành, bà con vui không thể tả vì được đón tết trên con đường mới và đẹp nhất xã”- bà Hồng cười tươi.

Bà Hồng kể, con đường này trước đây là đường đan đã xuống cấp, bị bể và sụp lún. “Năm rồi nước nổi dâng cao đi lại rất khó khăn, tui phải mua 500 bao cát, tận dụng mặt bàn ăn, mặt ghế bằng inox và bạt nhựa để tấn lại không cho nước tràn vô vườn sầu riêng vì chỉ cần ngập 1 đêm là hoa, trái đều rụng hết, kể như thất thu. Cả đêm hôm đó, tui phải huy động cả nhà và thuê thêm chục người phụ, tiền công trả 300.000 đ/người”- bà Hồng
nhớ lại.

Trước khi có con đường, bà Hồng bán sầu riêng rẻ hơn những nơi khác do phải vận chuyển bằng xe máy ra tới đầu lộ lớn. Năm rồi bà thu hoạch 6 tấn sầu riêng, bán giá 58.000 đ/kg thay vì 60.000 đ/kg. Tính ra bà phải chịu thiệt 12 triệu đồng/vụ chỉ vì đường đi khó.

Gia đình bà Hồng còn mở dịch vụ nấu ăn, bà phải đắp đường đi riêng dài cả trăm mét rồi thuê người vận chuyển đồ đạc ra đầu lộ vừa tốn công, vừa mất thời gian và phải “trừ hao trước cả tiếng đồng hồ so dự kiến để kịp giao thức ăn cho khách đãi tiệc”- bà Hồng kể.

Với những khó khăn tương tự như trên nên khi nghe nói làm đường người dân trong ấp ai cũng mừng rơn. Khi Nhà nước vô vận động thì ai cũng gật đầu “cái rụp” và nói “cần bao nhiêu cứ lấy”, riêng gia đình bà Hồng hiến khoảng 200m2 đất.

“Giờ có đường đi lại ngon lành, xe lớn cỡ nào chạy cũng tới nhà, không phải mất công vận chuyển đồ đạc, nông sản bằng xe nhỏ ra đầu lộ như trước nữa. Vụ sầu riêng tới, tui sẽ bán bằng giá với những chỗ khác”- bà Hồng phấn khởi nói.

Chất lượng cuộc sống

Trong căn nhà rợp bóng mát được bao quanh bởi tường rào bê tông cốt thép chạy dọc theo con đường, mặt ngoài tường rào và cột cổng được ốp gạch trang trí và gắn đèn trụ cổng khá đẹp mắt, bà Trần Thị Lệ cho biết: “Khi Nhà nước đầu tư con đường này, gia đình tui hiến khoảng 170m2 đất, di dời và đốn bỏ một số cây kiểng cùng hàng dừa, đồng thời dỡ bỏ hàng rào cũ để làm hàng rào mới này, trị giá ngót nghét 200 triệu đồng”.

Hỏi về giá trị của các cây trồng đã đốn, bà Lệ nói: “Có được con đường là mừng lắm rồi, không ai tính toán đến giá trị hay mất mát gì đâu vì mình cũng được lợi nhiều lắm.

24 năm về trước, khi tui mới mua đất về đây ở, thấy buồn dữ lắm luôn vì đường sá ọp ẹp khó đi, nhất là vào mùa mưa lầy lội dữ lắm luôn, có bữa đang ngủ trưa phải bật dậy chạy xe ra đầu đường gửi vì trời chuyển mưa. Khi làm được đường đan là người dân nơi đây đã mừng rồi, giờ lên lộ nhựa thiệt vui không kể xiết”.

Tuyến đường hoàn thành, con trai bà Lệ liền chạy xe hơi về nhà đậu, không còn phải đi đậu nhờ hay gửi ở đầu lộ lớn như trước nữa. Với 4,5 công đất trồng dừa hơn chục năm, khi giá bán 50.000 đ/chục thì bà Lệ chỉ bán 40.000 đ/chục vì “thấy người ta chuyên chở khó khăn quá, mình bán thấp cho người ta có lời, nhưng giờ thì đường sá đi lại thuận tiện rồi, tui sẽ bán bằng giá với người ta”-bà Lệ nói.

Sau khi tuyến đường hoàn thành, nhiều hộ dân bắt đầu xây nhà, làm hàng rào, chăm chút trồng hoa, tạo nên diện mạo mới cho xã.
Sau khi tuyến đường hoàn thành, nhiều hộ dân bắt đầu xây nhà, làm hàng rào, chăm chút trồng hoa, tạo nên diện mạo mới cho xã.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu Trần Văn Út với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đã tạo nên bước đột phá trong xây dựng NTM, nhất là trong xây dựng giao thông nông thôn, người dân sẵn sàng hiến đất, tiền của và góp sức để xây, sửa cầu đường và cái lợi đem lại cho người dân không nhỏ. Giao thông thông suốt đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, việc đi lại, vận chuyển hàng nông sản dễ dàng và bán có giá hơn…

Nhiệm kỳ 2015- 2020, xã đã huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, trong đó có sự ưu tiên đối với các công trình trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng NTM.

Từ năm 2016- 2019, đã xây mới và sửa chữa 6 tuyến đường liên ấp, 11 tuyến đường liên xóm và 9 cây cầu với tổng chiều dài trên 23,6km, kinh phí gần 52 tỷ đồng, trong đó huy động sức dân gần 3,7 tỷ đồng (chưa kể hiến đất) và doanh nghiệp hỗ trợ gần 200 triệu đồng.

Bên cạnh, xã còn vận động nhân dân làm đèn đường chiếu sáng dài 8,4km, trị giá gần 305 triệu đồng; lắp đặt 10 camera an ninh với khoảng 80 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

“Nhờ huy động có hiệu quả nguồn lực trong dân, đã góp phần tích cực vào công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ”- Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu Trần Văn Út nhận định và cho rằng: Cuộc vận động xây dựng NTM của xã đã thực sự đi vào chiều sâu, không chỉ bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, mà đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện và nâng lên với thu nhập bình quân đầu người đạt 45,21 triệu đồng/năm, vượt 210.000đ so quy định xã đạt chuẩn NTM về thu nhập năm 2019.

Phong trào xây dựng NTM ở xã Phước Hậu đã tạo nên cuộc cách mạng sâu rộng, được toàn dân tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng, góp sức xây dựng quê hương “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và khang trang hơn, như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Đồng chí Trần Văn Út- Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu

Nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã Phước Hậu đề ra 14 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng đạt 15/19 tiêu chí NTM kiểu mẫu và xây dựng 2 khu dân cư (ấp) NTM kiểu mẫu.

Bà Võ Kim Nhuận- Phó Bí thư chi bộ ấp Phước Hanh A

Khi tuyến đường từ cầu Tỉnh Đoàn đến cầu Út Tu chưa xây, mùa lũ đi đâu cũng như “chạy giặc” để về trước khi nước lên, còn nếu về không kịp thì phải tìm đường khác mà về. Giờ có đường đi ngon lành, địa phương đã có kế hoạch vận động người dân nhân rộng trồng hoa và làm đèn thắp sáng.

Bà Trần Thị Lệ (ấp Phước Hanh A) 

Thấy có đường sá đi lại thuận tiện nên từ hôm mùng 9 tết đến nay, bà con xung quanh khởi công cất nhà, làm hàng rào, trồng bông hoa trước nhà, giờ nhìn đường sá sáng sủa, sạch đẹp quá chừng. Nếu đi đâu một thời gian mà quay lại là không biết nhà của ai để ghé vào luôn vì đổi thay nhiều quá.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI