Hãy dành một phút nói lời cảm ơn điều dưỡng và hộ sinh!

Cập nhật, 21:21, Thứ Tư, 08/04/2020 (GMT+7)

Điều dưỡng và hộ sinh giúp chúng ta sống trong một thế giới khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn, hãy dành một phút nói lời cảm ơn gửi đến họ. Đó là thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhân ngày Sức khỏe thế giới (7/4).

Bác sĩ Trần Thị Hằng và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kim Tuyến (Khoa Sản- BVĐK Vĩnh Long) có mặt để kiểm tra sức khỏe cho 5 sản phụ về từ Hàn Quốc đang được cách ly.
Bác sĩ Trần Thị Hằng và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kim Tuyến (Khoa Sản- BVĐK Vĩnh Long) có mặt để kiểm tra sức khỏe cho 5 sản phụ về từ Hàn Quốc đang được cách ly.

Ở nơi đón “thiên thần nhỏ” chào đời

Không riêng gì bác sĩ, niềm hạnh phúc của đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh ở khoa sản tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chính là chào đón những trẻ sơ sinh đến với cuộc đời. Mỗi ngày làm việc vất vả của họ là những ngày tràn đầy niềm vui khi chứng kiến những “thiên thần nhỏ” cất tiếng khóc chào đời.

Cuối tháng 3 này, chị Nguyễn Thị Hồng Nhiên (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) chào đón con gái đầu lòng bằng phương pháp mổ tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long.

Chị Hồng Nhiên chia sẻ: “Ngay khi bác sĩ vừa mổ đưa con ra khỏi bụng mẹ thì con được chuyển cho nữ hộ sinh đứng cạnh để lau sạch và áp ngay lên ngực người mẹ trong vòng 30 giây. Đứa trẻ vừa chào đời, với sự hỗ trợ của nữ hộ sinh, nhanh chóng tìm bầu ngực của người mẹ để bú sữa. Suốt hơn tiếng đồng hồ, nữ hộ sinh luôn bên cạnh 2 mẹ con để giúp sức, giúp tôi vượt qua nỗi đau đớn sinh con...”

Theo nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kim Tuyến (Khoa Sản, BVĐK tỉnh), thì nghề hộ sinh mà chị chọn là nghề chuyên về sản khoa đồng hành cùng những người mẹ từ khi mang thai đến khi được nhìn thấy “những thiên thần nhỏ” chào đời. Những ngày đầu sau sinh, người mẹ thường cảm thấy mệt mỏi do cơ thể suy yếu, áp lực về tâm lý sau sinh.

Ở những bà mẹ sinh mổ lại càng gặp khó khăn hơn do đau vết mổ, di chuyển khó, chưa biết cách chăm sóc bé. Đặc biệt, những sản phụ sinh con lần đầu có những yếu tố về tâm lý như lo lắng, stress, trầm cảm, đôi khi có những sản phụ bị ảnh hưởng về tình cảm gia đình...

“Chúng tôi hiểu từng cơn đau quặn thắt, cùng rơi nước mắt khi một đứa trẻ vừa chào đời không may mắn và nở nụ cười hân hoan cùng gia đình sản phụ khi mẹ tròn con vuông. Để sau đó, tiếp tục thầm lặng với công việc của mình đón trẻ đến với cuộc đời một cách bình an giúp các bà mẹ yên tâm phục hồi sức khỏe.”- chị Kim Tuyến chia sẻ.

Khoa Nhi- BVĐK tỉnh nhiều lần tiếp nhận những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Các bé chưa cảm nhận được rằng đã bị mẹ từ bỏ vì bé đang được các cô điều dưỡng chăm sóc rất chu đáo từ ẵm bồng, dỗ dành giấc ngủ, cho bú sữa, vệ sinh,.... Điều dưỡng Mai Hồng Hợp (Phòng Dưỡng nhi) cho biết: Cách đây vài năm, Phòng Dưỡng nhi chăm cùng lúc 6 trẻ bị bỏ rơi.

Các bé rất dễ thương, cân nặng tốt, sức khỏe bình thường vẫn bị bỏ. Qua tìm hiểu, đa phần mẹ bé có thai không được thừa nhận, gia cảnh khó khăn, chưa đến tuổi thành niên,…

Dường như trời cũng thương và bản thân các bé cũng biết “tự vươn lên”. “Chúng tôi chăm sóc cho bé được cứng cáp rồi đưa các bé về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để nuôi dưỡng- điều dưỡng Hợp cho biết thêm”.

Điều dưỡng Mai Hồng Hợp (phòng Dưỡng nhi) chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Điều dưỡng Mai Hồng Hợp (phòng Dưỡng nhi) chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Hãy nói lời cảm ơn điều dưỡng và hộ sinh!

Điều dưỡng là người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc sức khỏe, lắng nghe những vấn đề, nhu cầu của bệnh nhân để lên kế hoạch chăm sóc hiệu quả nhất, giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục.

Khoa Hồi sức tích cực và chống độc BVĐK tỉnh Vĩnh Long là khoa bệnh nặng, bệnh đông. Điều dưỡng trưởng Trần Chí Thoảng đã có 11 năm công tác nên tích lũy khá nhiều kinh nghiệm.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn điều dưỡng như nhau, đặc thù ở khoa bệnh nặng còn là việc chăm sóc người bệnh như người nhà của mình. Vì khoa nhiều bệnh nặng, người già, nên ngoài việc thay băng, truyền dịch, chích thuốc... điều dưỡng ở đây còn kiêm cả chăm sóc vệ sinh, ăn uống cho người bệnh.

Với anh, niềm vui của nghề điều dưỡng là khi ê kíp bác sĩ và điều dưỡng phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ đưa ra phương án xử trí phù hợp nhất và cứu sống bệnh nhân lúc thập tử nhất sinh. Khi cứu sống và đem về sức khỏe cho người bệnh, họ đem cả tấm lòng gửi lại cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng.

Hàng ngày, ngoài chăm sóc bệnh nhân về da liễu, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Ngân (Khoa Da liễu- BVĐK tỉnh) còn chăm sóc cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Khó có thể kể hết những khó khăn của công việc này, đặc biệt là đối với bệnh nhân AIDS ở giai đoạn cuối, không có người thân, mọi việc phải nhờ “một tay điều dưỡng”.

Trang bị bảo hộ bao tay, khẩu trang y tế, mắt kính chuẩn bị cho công việc, chị Ngân chia sẻ: “Một số bệnh nhân bị lở loét toàn thân, phải nhờ bàn tay điều dưỡng lau rửa, xoa thuốc”.

Trong những ngày cả nước căng mình chống đại dịch COVID-19, tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ Trần Thị Hằng và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kim Tuyến (Khoa Sản- BVĐK Vĩnh Long) có mặt để kiểm tra sức khỏe cho 5 sản phụ về từ Hàn Quốc đang được cách ly.

Chị N.T.Q. (quê Bạc Liêu, mang thai tuần thứ 37) cho biết: “Huyết áp tôi 14, các y- bác sĩ khuyên tôi nằm nghỉ một hồi đo lại thì cũng vẫn còn cao. Kiểm tra thấy chân tôi hơi phù, có biểu hiện huyết áp thai kỳ nên dặn dò rất kỹ khi về quê nên vô bệnh viện khám theo dõi sức khỏe, nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên ăn quá mặn, không làm việc nặng nhọc, quá sức”.

Trong Năm quốc tế về điều dưỡng và nữ hộ sinh, Ngày Sức khỏe Thế giới 2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của điều dưỡng và các nữ hộ sinh trong chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới và kêu gọi tăng cường nhân lực lĩnh vực này.

Vì điều dưỡng và hộ sinh giúp chúng ta sống trong một thế giới khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. “Hãy dành một phút nói lời cảm ơn điều dưỡng và hộ sinh”- đây là thông điệp được WHO chọn nhân ngày Sức khỏe thế giới (7/4/2020).

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN