Tiểu Ban Giáo dục Vĩnh Long

Nơi xây nền móng giáo dục tỉnh nhà

Cập nhật, 05:37, Thứ Tư, 27/11/2019 (GMT+7)

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019, tôi may mắn được tham gia cùng các thành viên của Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long họp mặt. Các thầy cô cùng ôn lại những kỷ niệm vui có, buồn có nhưng đều rất đỗi tự hào. Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long- tiền thân của Ty Giáo dục Vĩnh Long (nay là Sở GD- ĐT Vĩnh Long), là nơi xây nền móng cho giáo dục tỉnh nhà từ những năm tháng chiến tranh gian khó.

Lễ khai giảng lớp Hiệu trưởng cấp I và II tỉnh Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ.
Lễ khai giảng lớp Hiệu trưởng cấp I và II tỉnh Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ.

Giải phóng đến đâu, mở lớp đến đó

Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long là một bộ phận của Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long. Ban Tuyên huấn được thành lập năm 1961. Năm 1963, Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long chính thức được thành lập với 5 thành viên, do đồng chí Ngô Văn Đông (Bảy Thiện) làm Trưởng Tiểu ban.

Nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của tiểu ban là xây dựng và phát triển giáo dục ở vùng giải phóng. “Có nghĩa là, khi vùng giải phóng phát triển đến đâu là phải tổ chức nhóm, lớp học đến đó, cho dù là một đứa trẻ thì cũng phải có người dạy các em”- thầy Phạm Đình Lộc- nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho biết.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Tiểu ban Giáo dục vừa làm nhiệm vụ tham mưu trong chỉ đạo của Đảng, vừa quản lý tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước. 2 nhiệm vụ chính của tiểu ban: tổ chức giáo dục vùng giải phóng, vùng tranh chấp và nắm tình hình tham mưu, lãnh- chỉ đạo phong trào giáo dục, phong trào học sinh, sinh viên vùng đô thị.

Lễ bế giảng Trường Nội trú Lưu Văn Liệt. Ảnh chụp từ ảnh tư liệu
Lễ bế giảng Trường Nội trú Lưu Văn Liệt. Ảnh chụp từ ảnh tư liệu

Muốn có giáo viên kháng chiến cũng không dễ dàng, cán bộ tiểu ban phải đi tìm kiếm, vận động và đào tạo họ. Phương châm là người biết chữ dạy người chưa biết chữ, đôi lúc còn sử dụng học sinh của trường nội trú kháng chiến nữa. Buổi sáng học gì, buổi chiều dạy lại đúng như thế cho con em bà con nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh các lớp học trong dân, cán bộ tiểu ban giáo dục cấp huyện chịu trách nhiệm mở trường nội trú tiểu học, Tiểu ban Giáo dục tỉnh mở trường nội trú cấp II để đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau như Di chúc Bác đã dặn.

Qua đó, nhiều trường nội trú được thành lập: Trường cấp I Lưu Văn Liệt, Trường Nguyễn Thị Thu, Trường Cấp II Lê Văn Tám, Phân hiệu Sư phạm T3- Trường Sư phạm Vĩnh Long, Trường Nội trú kháng chiến Lưu Văn Liệt, Trường Bổ túc văn hóa thanh niên công nông, Trường Thiếu Sinh quân…

Gian khổ, hy sinh

Trong cuộc họp mặt nói trên, tôi được gặp thầy Trần Sâm Quế- nguyên Hiệu trưởng Trường Nội trú Lê Văn Tám- từ TP Hồ Chí Minh về tham gia buổi họp mặt.

Tháng 9/1965, thầy Trần Sâm Quế tình nguyện cùng đoàn cán bộ giáo dục, giáo viên miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam. Sau gần 1 năm vượt Trường Sơn, thầy được tăng cường về Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long. “Tôi còn nhớ hôm về tới ấp Tầm Vu (xã Mỹ Thuận) đúng ngày 2/9/1966”- thầy Quế nói.

Thầy Trần Sâm Quế không thể nào quên cuộc tấn công cướp chính quyền thị trấn Tam Bình mà thầy tham gia năm 1968 và bị bắt giữ. Bà con đã quyên góp bán trâu, bán lúa rồi cử người hợp pháp đến thăm và chuộc thầy ra.

“Nhớ đợt tấn công Mậu Thân đợt 2, thầy trò tổ chức lễ bế giảng vào sáng hôm đó thì địch càn vào tận lớp học. Thầy trò tản ra, người vào công sự, người đến nhà dân,… bám theo du kích chống càn. Khi địch rút hết, các em tề tựu về trường và tiếp tục tổ chức bế giảng”- thầy Trần Sâm Quế kể.

Niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy cô là những học trò trưởng thành… Em Tiến, được phân công công tác Tỉnh Đoàn, Thuận trở thành chiến sĩ thông tin trẻ tuổi. Xúc động mà tự hào khi nghe tin Dũng, Thái, Khởi, Xuân Bình, Thương, Thuận vào bộ đội và anh dũng hy sinh,…

Trong ký ức của thầy Mười Đệ- Cán bộ Tiểu ban Giáo dục thì Trường Sư phạm cấp 2, 3 đầu tiên của Vĩnh Long đặt tại Tầm Vu. Đó là những chòi lá thấp dưới lùm cây, có nhà bếp và nhà học.

Họp mặt Tiểu ban Giáo dục năm 2019.
Họp mặt Tiểu ban Giáo dục năm 2019.

Những ngày không có bom đạn, chúng tôi học 3 buổi, còn những hôm khác thì tranh thủ lúc im tiếng súng là phải học ngay và học hát rất nhiều. “Bởi vì, thời điểm đó mà không biết nhiều bài hát cũng sẽ khó thuyết phục học sinh”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, Nhà giáo nhân dân. TS. Đặng Huỳnh Mai không quên những kỷ niệm khi dạy học ở Trường Nội trú Lê Văn Tám. Một mình cô dạy 3 lớp học ở 3 xóm chòi đồng, rồi lớp học có 4 học sinh mà có tới 3 trình độ.

Cô Đặng Huỳnh Mai nói thêm: “Để đi từ căn cứ đến điểm dạy phải dùng bè chuối để qua một con rạch nhỏ, băng qua một cánh đồng khá rộng, khả năng bị trực thăng hoặc máy bay cán gáo phát hiện rất cao”.

Tinh thần cách mạng, tình thương của bà con và đồng đội, sự ham học của học trò đã níu chân thầy cô bám trường, bám lớp dù vất vả và có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Thầy Năm Hoàng không quên Tám Trọng đã anh dũng hy sinh cho đoàn người chạy thoát.

Thầy nói: “Đó là cuối năm 1972, đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh qua lộ 7 bị giặc phục kích. Nếu không có tiếng súng bắn lại, địch sẽ tràn lên. Hiểu điều này, đồng chí Tám Trọng lấy súng của anh bảo vệ bắn về phía quân địch. Nhờ có người bắn lại chúng không dám tiến lên. Anh Tám Trọng đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”.

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho rằng: Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Tỉnh ủy và nhân dân giao phó, đã đào tạo được một lực lượng cán bộ đủ sức giữ vai trò chủ chốt trong công tác tiếp quản ngành giáo dục của chế độ cũ ở tỉnh Vĩnh Long khi sự nghiệp Cách mạng giải phóng miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn.

Nhiệm vụ chính trị của Tiểu ban Giáo dục là tổ chức lớp học và phải giữ được lớp học vì giữ được lớp học thì bà con nhân dân mới ở lại vùng cách mạng. Dân ở lại mới có vùng giải phóng và như thế mới có phong trào cách mạng.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN