Nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật, 05:07, Thứ Sáu, 08/11/2019 (GMT+7)

Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà khoa học đề nghị cần bổ sung những đặc trưng về nhân khẩu học trong khái niệm chất lượng dân số. 

Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu quan trọng cho phát triển bền vững. Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)
Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu quan trọng cho phát triển bền vững. Ảnh: THANH BÌNH (TP Vĩnh Long)

Chất lượng dân số là tập hợp những đặc điểm về năng lực của một quần cư, một cộng đồng, một đất nước được thực hiện qua hệ thống các chỉ báo: cơ cấu tuổi, thể lực, trí lực, mức sống và ý thức xã hội… trong việc thực hiện những chức năng xã hội nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của toàn bộ dân số nói chung và sự phát triển của chính bản thân mỗi gia đình, mỗi người dân nói riêng.

Theo các nhà dân số học trên thế giới, chất lượng dân số bao gồm trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp- xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe.

Chất lượng dân số thay đổi theo thời gian, có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.

Có sự liên quan chặt chẽ giữa chất lượng dân số và phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, chất lượng giống nòi và chất lượng cuộc sống. Việc cải thiện, nâng cao chất lượng dân số sẽ góp phần cải thiện các vấn đề đó.

Nâng cao chính chất lượng dân số cho thấy sự cải thiện chất lượng cuộc sống và là cách nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn nữa.

Trong thực tế, nhiều chỉ tiêu để đo lường sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng giáo dục có thể được sử dụng để đo lường phát triển tiêu chuẩn chất lượng dân số.

Mặc dù được cải thiện đáng kể, song chất lượng dân số ở nước ta vẫn còn ở mức thấp. Tài liệu báo cáo “Các chỉ số Phát triển con người:

Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam” do UNDP thực hiện và công bố ngày 17/10/2018 cho thấy: Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua nhưng đang có chiều hướng chững lại.

Về chỉ số HDI, Việt Nam hiện đang thuộc nhóm “trung bình cao”, với chỉ số 0,694 trong năm 2017, đứng thứ 116 trên tổng số 189 quốc gia (tương tự với thứ bậc của năm 2016). Tuy nhiên, quá trình cải thiện HDI trong 3 thập kỷ qua lại diễn ra không đồng đều.

Từ 1980 đến 1990, chỉ số HDI tăng trung bình ở mức thấp 0,26%/năm, từ 1990 đến năm 2000 tăng tốc lên 2%/năm.

Nhưng đến giai đoạn 2000- 2008, HDI lại giảm xuống khoảng 1,35%/năm và giai đoạn sau đó tiếp tục xuống còn trung bình 0,94%/năm.

Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ vẫn còn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số (khoảng 1,5%), trong đó số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm tới 1,5- 3% và có xu hướng gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán còn lạc hậu.

Nếu không tích cực dự phòng và điều trị sớm thì tỷ lệ dị dạng, dị tật bẩm sinh có khả năng tiếp tục tăng cao và để lại hậu quả nặng nề cho từng gia đình và cộng đồng, xã hội.

Có thể thấy rằng, để nâng cao chất lượng dân số, cần có sự nỗ lực, sự phối kết hợp của nhiều phía: từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình đến cộng đồng và Nhà nước.

Nhiều năm qua, Bộ Y tế nói chung và Tổng cục Dân số- Kế hóa gia đình nói riêng đã triển khai một số mô hình, hoạt động về nâng cao chất lượng dân số tiếp cận theo hướng vòng đời như: tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

THÁI SƠN