Hàng xóm bất hòa chỉ vì ranh đất

Cập nhật, 13:08, Thứ Sáu, 09/08/2019 (GMT+7)

 

Sau thời gian dài, mương ranh đã thay đổi so với hiện trạng ban đầu, cây cỏ mọc um tùm. Trong ảnh: Hiện trạng mương ranh giữa phần đất của bà Tuyến và ông Niêm.
Sau thời gian dài, mương ranh đã thay đổi so với hiện trạng ban đầu, cây cỏ mọc um tùm. Trong ảnh: Hiện trạng mương ranh giữa phần đất của bà Tuyến và ông Niêm.

Cho rằng bản thân bị mất quyền lợi vì hàng xóm lấn ranh đất, bà Lê Thị Tuyến (ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) gửi đơn phản ánh đến Báo Vĩnh Long yêu cầu được giải quyết vụ việc như thỏa thuận ban đầu.

Trong đơn, bà Lê Thị Tuyến trình bày: “Trước đây, bà Ngô Thị Y sở hữu phần đất giáp ranh với thửa đất của tôi, ranh giới xác định ở giữa mương. Năm 1996, bà Y chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất trên cho ông Nguyễn Thanh Niêm thì sau đó phát sinh tranh chấp.

Cụ thể, sau khi mua đất xây nhà ở, ông Niêm nhiều lần lấy đất dưới mương để be bờ, đắp lên phần đất của mình làm cho mương hẹp lại. Sau đó, tôi làm đơn trình báo sự việc đến chính quyền địa phương. Ngày 14/7/2005, UBND xã Nguyễn Văn Thảnh tiến hành hòa giải và 2 bên thống nhất ranh giới đất tại vị trí giữa mương.

Sau khi hòa giải thành, tôi có cắm 4 trụ bê tông ở giữa mương để cố định ranh đất. Nhưng khoảng 1 tháng sau, cán bộ địa chính xã vào đo đạc lại phần đất của ông Niêm, sau đó ông ấy tự ý di dời các trụ bê tông sang cắm sát mé bờ phần đất của tôi. Từ đó đến nay, ông Niêm vẫn thường xuyên lấy đất dưới mương ranh để be bờ.

Mới đây, UBND xã Nguyễn Văn Thảnh tiếp tục mời 2 bên hòa giải nhưng cũng không thành. Sau đó, họ đề nghị tôi làm hồ sơ khởi kiện ra tòa nhưng tôi không đồng ý vì trước đó đã hòa giải thành nhưng ông Niêm không làm theo những gì đã thỏa thuận”.

“Trước đây, đôi bên thỏa thuận ranh giới là ở giữa mương, giờ thửa đất của tôi bị mất một phần diện tích là nửa mương ranh do bị lấn chiếm. Tôi yêu cầu phải xác định lại ranh đất ngay giữa mương như thỏa thuận ban đầu”- bà Lê Thị Tuyến cho biết.

Theo lãnh đạo UBND xã Nguyễn Văn Thảnh, vụ tranh chấp ranh đất giữa bà Tuyến và ông Niêm đã được chính quyền địa phương tiến hành hòa giải vào năm 2005. Lúc đầu, các bên thống nhất ranh đất ở giữa mương theo hiện trạng (về phần thiếu hay đủ đất khi đo đạc lại thì ông Niêm thỏa thuận với bà Y).

Tuy nhiên, sau đó 2 bên lại không thống nhất như thỏa thuận và phát sinh tranh chấp nên UBND xã đã chuyển hồ sơ đến tòa án giải quyết. Nhưng phía nguyên đơn là bà Tuyến không tiếp tục khởi kiện nên tòa không có cơ sở để xem xét giải quyết. Vụ việc tranh chấp cứ thế kéo dài cho đến nay, dù chính quyền địa phương tiếp tục hòa giải nhưng vẫn không thành.

Bà Thân Thị Tâm (vợ ông Niêm) trình bày: “Phần đất của gia đình tôi nhận chuyển nhượng từ bà Y có diện tích 2.400m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi thống nhất với phương án hòa giải của xã là cứ đo đủ phần diện tích đất này để xác định ranh, phần diện tích còn lại thuộc về bà Tuyến”.

“Nếu bà Tuyến không chấp nhận phương án hòa giải của chính quyền địa phương thì có thể gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Bình Tân, vì vụ việc đã vượt thẩm quyền giải quyết của xã”- ông Nguyễn Văn Thắng- cán bộ tư pháp UBND xã Nguyễn Văn Thảnh- cho biết thêm.

Qua vụ việc cho thấy, một phần cũng do hiện trạng mương ranh thay đổi kéo theo sự nhùng nhằng trong việc xác định ranh đất. Thiết nghĩ, người dân cần tìm hiểu pháp luật về đất đai để hiểu rõ và thực hiện đúng, hạn chế những tranh chấp tương tự xảy ra ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.

Bài, ảnh: PHẠM TẤN

 

Các tin khác: