Tam Bình thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn"

Cập nhật, 12:07, Thứ Tư, 24/07/2019 (GMT+7)

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng,… luôn được lãnh đạo huyện Tam Bình quan tâm, đặc biệt là gia đình có công còn khó khăn về nhà ở, đời sống, neo đơn.

Huyện Tam Bình thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng…
Huyện Tam Bình thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng…

Quan tâm đời sống tinh thần

Hoàn thành hồ sơ, đủ đúng và ghi nhận công lao của liệt sĩ là niềm vui khôn tả của gia đình. Cô Thái Thị Lê- con gái liệt sĩ Thái Văn Mai- vừa được nhận “Bằng Tổ quốc ghi công trong tháng 7/2019 không kìm được xúc động khi kể về cha của mình.

Cô Lê rưng rưng nói: “Do mất một số giấy tờ, rồi việc tách xã Mỹ Lộc- Phú Lộc nên hồ sơ công nhận liệt sĩ của ba tui chững lại nhiều năm. Nay được công nhận tui mừng dữ lắm”.

Trong căn nhà khá tươm tất nằm cặp bên đường huyện Phú Lộc- Bàu Gốc, cô Lê có thể yên tâm về cuộc sống gia đình hiện tại. Nhưng mỗi lần nghĩ đến cha, cô lại bùi ngùi vì “cha mình là liệt sĩ mà chưa được công nhận”.

Cô Lê chia sẻ: “Ngày ba hy sinh, tui chỉ nhớ là xóm này cứ 2- 3 nhà là chết một người, chứ không còn nhớ rõ ngày nào”. Là con lớn nhất trong gia đình nhưng cô Lê lúc đó chưa được 10 tuổi.

Hình ảnh của ba trong trí nhớ của cô Lê thì ông là người chồng, người cha mẫu mực, hiền lành. Lớn lên nghe kể, cô Lê mới biết ba làm giao liên, bị lính bố và bắn chết cũng ở khu vực Ấp 3B này.

Ngày hay tin cha được công nhận liệt sĩ, cô Lê mừng rơi nước mắt vì bản thân cô cũng không nhớ nổi ai làm hồ sơ và nộp tự bao giờ.

Cầm quyển lịch và thư chúc tết của tỉnh năm 2019, cô Lê run run: “Tui tự hào về cha mình nhiều lắm, vui vì được Đảng, Nhà nước công nhận, quan tâm như vậy là hạnh phúc lắm rồi”.

Trong căn nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, cô Đặng Phương Tâm- con gái liệt sĩ Đặng Minh Trạc- ở ấp Mỹ Phú 1 (xã Tường Lộc- Tam Bình) chia sẻ những kỷ niệm vui buồn về gia đình mình.

Căn nhà cấp 3 mới tinh, một phần do Nhà nước hỗ trợ, như thế đối với cô Tâm là cả sự chăm lo của các cấp chính quyền dành cho gia đình mình. Căn nhà trước “không tô nổi cái tường”, do lâu ngày nên nhiều mối đến độ mối ăn bằng Tổ quốc ghi công, nay đã được thay thế tinh tươm.

Năm 1969, cha cô hy sinh để lại mình mẹ cô nuôi ba con gái nhỏ. Cô Tâm là chị Hai, năm đó mới lên 7 tuổi, em Út chưa tròn 3 tuổi. “Cực khổ không sao kể cho hết, nghe lời cha, ba chị em cũng lặn lội đi học”- cô Tâm nói thêm- “Các cô tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của ba”.

Vượt qua những khó khăn, thiếu đói ba chị em cô đều là bác sĩ, nối tiếp truyền thống của ba- liệt sĩ Đặng Minh Trạc là một quân y”.

Số tiền thờ cúng liệt sĩ không là bao nhưng đối với cô Tâm đó là cả tấm lòng, sự trân trọng, là động lực tinh thần cho cô và gia đình “năm nào cũng được chúc tết, họp mặt…”- cô Tâm cười tươi.

“Uống nước nhớ nguồn”

Độc lập dân tộc được đổi lấy nhờ xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, do đó việc chăm sóc đời sống tinh thần, nâng cao mức sống người có công là hộ nghèo không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội.

Trong năm 2019, UBND huyện Tam Bình đã xây dựng kế hoạch nâng cao mức sống hộ nghèo, cận nghèo thuộc chính sách người có công trên địa bàn huyện. Toàn huyện còn 75 hộ nghèo, 115 hộ cận nghèo thuộc chính sách người có công.

Ông Trần Văn Phong- Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Tam Bình cho biết: “Đa số những hộ này đã lớn tuổi, sức khỏe kém thường xuyên bệnh, không có lao động, không có vốn, không có tư liệu sản xuất nên kinh tế gặp khó khăn.

Một bộ phận nhỏ chưa chí thú làm ăn, tự lực vươn lên phát triển kinh tế”. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch, huyện đã chỉ đạo triển khai khảo sát, phân loại nguyên nhân nghèo, cận nghèo để có hướng hỗ trợ thích hợp.

Chúng tôi đến xã Phú Lộc (Tam Bình) gặp chị Phan Thị Mỹ Dạ- cán bộ thương binh xã hội xã- vì đây là một trong số nhiều địa phương của huyện làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách. Chị Mỹ Dạ nhớ rõ hoàn cảnh, số liệu từng hộ gia đình chính sách trong xã.

Xã Phú Lộc có 200 người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, 37 người trên mình mang nhiều thương tích, 13 người bị nhiễm chất độc hóa học, 24 người bị địch bắt tù đày,…

Xã Phú Lộc có 56 mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay chỉ còn sống 3 mẹ. Có 140 đối tượng được chi trả hàng tháng với tổng số tiền chi trả trong năm hơn 2,63 tỷ đồng.

Chị Dạ cho biết: “Trong năm, đã xây mới 2 nhà tình nghĩa, sửa chữa 2 căn với tổng số tiền là 150 triệu đồng. Trăn trở của xã là còn 1 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo thuộc chính sách người có công”.

Bằng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong huyện, tin rằng công tác đền ơn đáp nghĩa ở Tam Bình tiếp tục được thực hiện tốt hơn. Đặc biệt, đối với những gia đình còn khó khăn về nhà ở, đời sống, neo đơn… tiếp tục nhận được quan tâm nhiều hơn để họ có cuộc sống đầy đủ hơn.

Toàn huyện Tam Bình có 3.386 liệt sĩ, 654 thương binh bệnh binh, 202 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 238 người kháng chiến bị bắt tù đày, 652 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 41 mẹ còn sống. Trong dịp 27/7/2019, huyện vận động xây mới 25 căn, sửa chữa 28 căn nhà tình nghĩa.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN