Ấm áp những giọt máu hồng

Cập nhật, 05:19, Thứ Sáu, 14/06/2019 (GMT+7)

Xem hiến máu là trách nhiệm của công dân sẻ chia với cộng đồng, những người hiến máu tình nguyện đã góp phần chữa trị, hồi sinh cho hàng triệu bệnh nhân. Những giọt máu hồng không chỉ an toàn mà còn ấm áp bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Anh Hồ Hoàng Minh (giữa) tại lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2019.
Anh Hồ Hoàng Minh (giữa) tại lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2019.

Tuổi 34 hơn 40 lần hiến máu

Anh Hồ Hoàng Minh- Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Long Hồ- vừa được tôn vinh là người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại Hà Nội. Ở tuổi 34, anh Minh đã hiến máu 42 lần.

Khi anh Minh 18 tuổi, cha anh- chú Hồ Văn Tấn- lúc đó là Chủ tịch UBND thị trấn Long Hồ đã tham gia hiến máu và anh cũng mon men theo hiến máu cùng cha.

“Lần đầu đi hiến máu sợ lắm chứ nhưng luôn giữ suy nghĩ là hiến máu cứu người nên đỡ lo lắng. Hồi xưa ốm nhom có 60kg, sau khi hiến máu thì luôn giữ đều đặn 80kg, sức khỏe tốt lên, ăn uống ngon miệng, ngủ được nên giờ “ghiền” hiến máu luôn, cứ 3 tháng là đi một lần”- anh Minh chia sẻ.

Không chỉ với ý nghĩa nhân văn là cứu người, anh Minh cho biết, mỗi lần hiến máu cũng là một lần quan tâm đến sức khỏe chính mình, được kiểm tra kỹ càng xem có bệnh không, nên bản thân luôn phải ý thức giữ gìn sức khỏe.

Ở Long Hồ chỉ tổ chức hiến máu khoảng 2 lần/năm nên những đợt hiến máu ở TP Vĩnh Long, Mang Thít và các huyện lân cận thì anh Minh cũng không vắng mặt.

Anh vừa là người trực tiếp hiến máu vừa là người tích cực cổ vũ tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hưởng ứng, nhất là khi anh từng đảm nhiệm vai trò là công an ở thị trấn và Bí thư Đoàn, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ.

Anh Hồ Hoàng Minh được nhận bằng khen của Bộ Y tế.
Anh Hồ Hoàng Minh được nhận bằng khen của Bộ Y tế.

Anh Minh cho biết: Lúc công tác Đoàn, tôi vận động 20 bạn trẻ tham gia hiến máu và bây giờ các bạn vẫn còn gắn bó, luôn có mặt trong những kỳ hiến máu. Ngân hàng máu sống ở thị trấn Long Hồ với 15 thành viên được thành lập, khi bệnh viện có trường hợp khẩn cấp cần máu là chúng tôi có mặt ngay.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh là lần truyền máu trực tiếp cho một em bé 12 tuổi bị tai nạn giao thông. “Cứu được một người và mình nằm cạnh truyền máu cho người đó, thật sự rất ý nghĩa, rất hạnh phúc”- anh Minh tâm sự.

Kinh nghiệm 16 năm, giờ đây trước mỗi lần hiến máu, anh Minh nhắc nhở mình không nên thức khuya, uống rượu và nếu đang uống thuốc chữa bệnh thì cũng không nên hiến vì đảm bảo để máu “sạch” nhất. Anh Minh khuyên: “Các bạn trẻ nên xây dựng cho mình lối sống thật lành mạnh, để nguồn máu an toàn được trao đi”.

Sống là cho...

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (59 tuổi, ngụ Phường 5- TP Vĩnh Long) cười thật tươi mà tay vẫn bóp đều đặn trái banh để lấy máu, chia sẻ: “Đây là lần thứ 40 cô hiến máu”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy trong lần hiến máu thứ 40.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy trong lần hiến máu thứ 40.

Cô Thủy hiến máu lần đầu tiên năm 2006 khi đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, cô Thủy cũng tự tìm hiểu thông tin trên báo, đài nên khá yên tâm khi tham gia hiến máu.

Và sau lần hiến máu đầu tiên đó, cô Thủy biết được mình thuộc nhóm máu hiếm O Rh-. Đây là nhóm máu chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong số những người mang nhóm máu O.

Đặc điểm của nhóm máu này là có thể hiến cho những người mang những nhóm máu còn lại. Tuy nhiên, nhóm O Rh- chỉ có thể tiếp nhận nhóm máu giống nó.

Nghĩa là những người mang nhóm máu O Rh- chỉ có thể tiếp nhận máu của những người mang nhóm máu O Rh-. Điều này đã khiến nhóm O Rh- trở thành nhóm máu toàn cầu và luôn cần thiết trong những trường hợp cần truyền máu gấp, đặc biệt là khi chưa xác định được nhóm máu người bệnh.

Đây cũng là nhóm máu an toàn nhất để truyền cho trẻ sơ sinh vốn có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Ấn tượng nhất với cô Thủy là năm 2008, cô nhận được điện thoại của bệnh viện tỉnh vì cần truyền máu gấp cho một bé sơ sinh bị sốt xuất huyết nặng.

Cô nhanh chóng chạy vào bệnh viện, trực tiếp hiến máu sống cứu bệnh nhi. Cô Thủy mỉm cười: “Những giọt máu tôi cho đi đã cứu được cháu bé đó, tôi rất vui, rất hạnh phúc vì thấy rõ ý nghĩa việc làm của mình”.

Vậy là mười mấy năm nay, cô Thủy gắn bó với những đợt tiếp nhận máu của TP Vĩnh Long và tự tin “còn hiến được chứng tỏ mình còn khỏe mạnh và chỉ dừng hiến máu khi nào bệnh viện hết chịu lấy thôi”. Nói rồi, cô Thủy cười thật tươi, làn da trắng hồng trẻ trung so với tuổi gần 60.

Cô khoe: “Tôi về hưu, vui khỏe, huyết áp không lên và nhận đồ về may ở nhà bình thường”. Cô Thủy mong muốn mọi người cùng tham gia hiến máu để “cứu người, giúp mình”, đặc biệt là những người nhóm máu hiếm.

Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Hiến máu dần trở thành nét đẹp đầy tính nhân văn và tinh thần nhân ái, thể hiện sâu sắc đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc.

Năm 2019, BCĐ quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức các hoạt động cấp quốc gia tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XII, với thông điệp “Máu an toàn cho mọi người”. Anh Hồ Hoàng Minh- Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Long Hồ- là đại diện duy nhất của Vĩnh Long được tuyên dương trong đợt này.

Năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Long có trên 1.150 lượt tập thể, gia đình và cá nhân được tôn vinh ở các cấp. Trong đó, có 142 đại biểu đại diện cho tập thể, gia đình và cá nhân được tôn vinh ở cấp tỉnh.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY