Nhân ngày công tác xã hội Việt Nam (25/3)

"Gia đình" của những mảnh đời không may

Cập nhật, 04:52, Thứ Bảy, 23/03/2019 (GMT+7)

Trong cuộc đời này luôn có những số phận không may, những mảnh đời cơ nhỡ không nơi nương tựa khi tuổi xế chiều, có những đứa bé sớm bị bỏ rơi nơi góc đường nào đó hay những người mắc bệnh tâm thần lang thang khắp chốn… Họ được đưa về đây, được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng bao dung, yêu thương như những người thân của mình vậy.

Vận động các nhà hảo tâm về thăm và tặng quà cho Trung tâm công tác xã hội.
Vận động các nhà hảo tâm về thăm và tặng quà cho Trung tâm công tác xã hội.

Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Vĩnh Long luôn được xem là mái nhà ấm áp yêu thương của những mảnh đời gặp nhiều nghịch cảnh.

Thuở đầu gầy dựng

Đã trở thành quen thuộc, bao giờ về thăm Trung tâm CTXH thì “chào đón” chúng tôi là những nụ cười ngây ngô mà thân thiện của các anh chị tại khu nuôi dưỡng người tâm thần, những cái vẫy tay, những lời trêu ghẹo không đâu.

Vào khu chăm sóc người già và trẻ em, cảm thấy ấm lòng với cảnh các cụ xúm xít trò chuyện, các em vui đùa cùng nhau, có bé giơ tay kêu ba, kêu má.

Chúng tôi cảm nhận được một không gian ấm áp, tràn ngập tình cảm yêu thương như phần nào dịu nhẹ những điều không may đối với những cuộc đời khác nào những “mảnh vỡ” bị chối bỏ từ chính gia đình, người thân của mình.

Chỉ cách mấy năm thôi, chúng tôi thấy rõ sự thay đổi nhanh chóng và bất ngờ. Nhìn những gương mặt còn vương đầy giọt mồ hôi của các chị hộ lý, chúng tôi biết, ngoài trách nhiệm, mỗi một cán bộ nơi đây còn giữ tròn đầy cho mình một chữ “tâm” để gắn bó, chung tay đưa trung tâm có được thành quả của ngày hôm nay.

Chúng tôi tìm gặp lại người giám đốc cũ năm xưa để nghe ông kể về những nhọc nhằn khi Trung tâm Bảo trợ xã hội mới hình thành.

Thoáng chút trầm tư, ông Nguyễn Hòa Bình- nguyên là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Bảo trợ xã hội thời ấy- chia sẻ: “Cách nay 22 năm, giữa vùng đất hoang vu, ảm đạm của miền đất rộng vắng ở xã Phú Quới (Long Hồ), Trung tâm Bảo trợ xã hội được hình thành với chức năng nuôi dưỡng và chăm sóc cho các đối tượng lang thang, già yếu, những đứa trẻ bỏ rơi không nơi nương tựa”.

Theo ông, trước đây Trung tâm Bảo trợ xã hội chỉ thực hiện chức năng nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội, kể từ khi chuyển đổi sang mô hình Trung tâm CTXH từ năm 2014 thì chức năng và nhiệm vụ của trung tâm ngày càng được mở rộng, từ đó nâng cao chất lượng các hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng bảo trợ xã hội tại đây ngày một tốt hơn.

Đồng thời, thông qua các chương trình dự án phát triển cộng đồng đã kịp thời hỗ trợ cho đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương đang sinh sống tại cộng đồng.

Gắn bó cùng trung tâm đã hơn 10 năm, từ lúc là một bác sĩ điều trị của phòng y tế, rồi nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm CTXH, ông Võ Văn Tấn Hùng đã tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của trung tâm qua sự gắn bó và chung tay của cán bộ, từ lãnh đạo tới hộ lý.

Ông Võ Văn Tấn Hùng tâm sự: “Sau gần 5 năm chuyển đổi, đảm trách vai trò mới, Trung tâm CTXH thực sự khẳng định vị thế của mình và là địa chỉ tin cậy cho người yếu thế, là nơi được các trường ĐH trong và ngoài tỉnh chọn làm nơi giao lưu, thực tập cho học sinh, sinh viên chuyên ngành công tác xã hội, là điểm dừng chân của các đoàn khách lữ hành khi đến tham quan du lịch tại Vĩnh Long”.

Hơn ai hết, ông hiểu, để có được thành tựu ngày hôm nay, là cả một quá trình cống hiến, phấn đấu và nỗ lực hết mình của cả tập thể.

Cần sự chung tay của xã hội

Ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm CTXH- tặng quà cho các học sinh vượt khó.
Ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm CTXH- tặng quà cho các học sinh vượt khó.

Trước đây, để đáp ứng yêu cầu của công việc, ngoài một số cán bộ nòng cốt là các cán bộ được chia tách từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, còn lại nhân viên, hộ lý chỉ cần sức khỏe tốt, tận tụy công việc là được nhận vào để thực hiện chăm sóc.

Còn hiện nay, công tác chuẩn hóa cán bộ đã được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi hết mức có thể. Cán bộ được đào tạo từ chuyên môn đến nâng cao, về nghiệp vụ lẫn chính trị.

Số lượt người được nuôi dưỡng tại Trung tâm CTXH lên đến hàng ngàn lượt người, số người đến trong những ca bảo vệ khẩn cấp hay được nuôi dưỡng tập trung, sau thời gian tìm lại gia đình, hay những ca sau khi điều trị và chăm sóc được phục hồi cũng được gia đình đón về để hòa nhập cộng đồng, như một cuộc tái sinh cho sự sống mới.

Có những trẻ em được cha mẹ là người nước ngoài nhận nuôi, sau bao năm đã trưởng thành và thành đạt nơi xứ người cũng về thăm lại nơi mình từng được cưu mang, có em hiểu được phận mình mà phấn đấu để được bước chân vào giảng đường ĐH…

Cũng có em chọn trung tâm làm nơi ở lại gắn bó như gia đình, tiếp tục công việc chăm sóc như ngày xưa mình được nhận, như một sự tri ân…

Rất và rất nhiều hoàn cảnh và mỗi hoàn cảnh ấy như một ánh lửa nhỏ góp phần làm nên ngọn đuốc cho trung tâm tỏa sáng trong nhiệm vụ của mình.

Trong thời gian qua, trung tâm đã và đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp sức từ các quý Mạnh thường quân. Tất cả đến với trung tâm đều mang những ý nghĩa rất nhân văn.

Có những Mạnh thường quân đến hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng như tặng nhu yếu phẩm, thức ăn và cũng có nhiều tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ cho trung tâm theo hướng lâu dài, tạo điều kiện để trung tâm phát triển bền vững như đào tạo nâng cao năng lực hay các chương trình hỗ trợ học bổng, hỗ trợ sinh kế…

Trong tương lai, nơi đây rất mong đợi nhận được nhiều và nhiều hơn nữa sự chia sẻ, hỗ trợ và chung tay từ quý mạnh thường quân để trung tâm có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trung tâm CTXH phấn đấu là một điểm đến tin cậy mang đến cho bao du khách, nhà hảo tâm đong đầy cảm xúc mỗi khi đến thăm và làm việc. Và sau mỗi chuyến thăm là những lần trở lại thân quen hơn, thường xuyên hơn và ấm áp hơn.

Ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Vĩnh Long: “Vai trò, chức năng cũng như nhiệm vụ Trung tâm CTXH ngày càng nhiều, đòi hỏi người lãnh đạo cũng phải có tầm nhìn xa, tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc đạo đức trong thực hành CTXH, năng động, sáng tạo, chủ động trong việc kết nối các nguồn lực thì mới có thể duy trì và phát triển trung tâm một cách bền vững”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- KIM YẾN