"Hô biến" những ý tưởng từ khoai lang

Cập nhật, 14:33, Thứ Năm, 20/12/2018 (GMT+7)

Trăn trở với nỗi lo của nông dân vì thị trường khoai lang bấp bênh, anh Nguyễn Thanh Việt- Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thực phẩm và nông nghiệp Mekong thuộc Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long- đã chế biến khoai lang thành những dòng sản phẩm đặc sắc “made in Vĩnh Long”. Đây là ý tưởng đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2018.

Anh Nguyễn Thanh Việt và những sản phẩm của mình tại hội thi.
Anh Nguyễn Thanh Việt và những sản phẩm của mình tại hội thi.

Những sản phẩm từ khoai lang

Học ngành quản trị kinh doanh nhưng lại bén duyên với những ý tưởng từ nông nghiệp, anh Việt nói về ý tưởng làm những sản phẩm từ khoai lang: “Trong một lần đi công tác ở huyện Bình Tân, tôi thấy khoai lang chỉ còn 1.000 đ/kg, bèn nghĩ sao mình không làm ra những sản phẩm từ khoai lang, tạo những đầu ra khác để nông dân không chỉ lệ thuộc vào một thị trường?

Tại sao không làm gì đó từ tài nguyên bản địa?” Nói là làm, anh Việt khảo sát các chợ lớn nhỏ ở Vĩnh Long về nhu cầu sử dụng khoai lang của người dân trong tỉnh. Anh cho biết: “Chủ yếu người dùng thích khoai lang Đà Lạt, khoai mật, khoai bí còn khoai lang trắng cũng có tiêu thụ nhưng ít hơn, chậm nhất là khoai lang tím Nhật”.

Anh Việt say sưa nói về đặc điểm từng loại khoai, độ đường, nước… rồi từ đó anh đưa bột khoai lang với tỷ lệ thích hợp vào những sản phẩm của mình. Đó là bánh canh khoai lang, chè ỉ khoai lang, bánh hộp khoai lang và bánh tai heo khoai lang.

Từ những ý tưởng mới, anh Việt biến bột khoai lang thành những sản phẩm với tỷ lệ khoai lang từ 40- 60%. Mỗi loại được anh Việt nhào trộn kỹ và cắt thành từng sợi bột với nhiều màu sắc khác nhau: tím, cam… Ngoài ra, các sản phẩm còn được anh chế biến đa dạng với màu sắc đa dạng từ rau, củ, quả như bí đỏ, củ dền, hoa đậu biếc, cải
bó xôi.

Các sản phẩm này đều có 2 dạng: khô đóng gói và tươi. Anh Việt cười: “Nhờ vào những máy móc ở Khoa Công nghệ thực phẩm của trường (do dự án VSEP- Canada tài trợ) đã kiểm tra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh và thời hạn bảo hành 6 tháng, không sử dụng chất bảo quản”.

Những chiếc bánh hộp khoai lang được anh Việt lấy ý tưởng từ chiếc bánh phu thê. Mong ước của anh là có thể đem chiếc bánh hộp được làm từ bột khoai lang vào mâm quả ngày cưới. Xa hơn nữa, những sản phẩm từ khoai lang sẽ trở thành đặc sản của Vĩnh Long.

ThS. Nguyễn Quang Sang- Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long- cho biết: Đảng ủy, Ban giám hiệu luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho anh Nguyễn Thanh Việt phát triển những ý tưởng của mình. Ngoài động viên khích lệ tinh thần để dự thi, nhà trường hỗ trợ kinh phí, thời gian khi có tập huấn, báo cáo dự thi… hỗ trợ kiểm tra sản phẩm bánh canh, bánh hộp... tiếp tục hỗ trợ để phát huy hiệu quả và phát triển sản phẩm

 

Và một cửa hàng “ăn- học- chơi”

Với tư duy của một thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, anh Việt còn thiết kế một cửa hàng dựa trên những sản phẩm từ khoai lang của mình.

Dịch vụ ăn uống kết hợp với sản xuất thủ công. “Đó là nơi cả gia đình có thể đến để làm bánh và thưởng thức những sản phẩm do mình làm ra. Nơi để các thành viên cùng làm việc, giảm thời gian tiếp xúc với thế giới ảo”- anh Việt nêu ý tưởng, vừa nói anh vừa khoe thiết kế của cửa hàng.

Bánh canh khoai lang.
Bánh canh khoai lang.

Việc buôn bán của cửa hàng không chỉ dừng lại riêng lẻ từng sản phẩm mà còn có giá “combo” ưu đãi cho gia đình “cùng làm”. “Ý tưởng này được tôi học hỏi từ chuyến đi công tác ở Canada. Ở đó có những cửa hàng combo dành cho gia đình, giúp mọi thành viên gắn kết cùng trải nghiệm làm một việc gì đó với giá tốt”.

Đối với anh Việt, mỗi ý tưởng đưa ra đều được thực hiện ngay và “không ít lần chưa thành công”. Những đêm không ngủ được, anh chợt nghĩ ra một ý tưởng mới gì đều ghi chú lại, hay trong quá trình lên mạng xã hội, tiếp xúc xã hội anh đều ghi chú những thứ mình mới học hỏi được. Và bây giờ anh đang làm trà sữa trân châu đường đen từ khoai lang.

Thành công bước đầu của anh Việt bắt đầu từ những ngày tháng miệt mài, không biết mệt mỏi. Ban ngày, anh Việt làm việc tại Trung tâm Công nghệ thực phẩm và nông nghiệp Mekong, thời gian còn lại anh dành cho cửa hàng hải sản ở Phường 8 “lo sinh kế cho gia đình nhỏ”. Tối đến, anh Việt bắt đầu thực hiện những ý tưởng của mình.

Anh cười: “Nghe thì đơn giản vậy nhưng mỗi sản phẩm làm ít nhất 2 lần mới thành công”. Xong mỗi sản phẩm, anh Việt lại mang cho bạn bè, đồng nghiệp ăn thử và được nhiều lời khen ngon, đẹp mắt. Rồi 3- 4 giờ khuya, anh lại ra xe đón hải sản mang về bán.

Nói về cách có được ý tưởng, anh Việt cho rằng “ý tưởng khởi nghiệp là mới nên không ai học ai được, chủ yếu là phải biết quan sát, đặt câu hỏi và tự trả lời”.

Bánh hộp khoai lang.
Bánh hộp khoai lang.

Về tương lai sản phẩm của mình, anh Việt muốn sản xuất đại trà và rất mong muốn nhận được sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp. Rồi cửa hàng sẽ là nơi thực tập, tuyển dụng và tạo việc làm cho sinh viên.

Bên cạnh, anh còn những băn khoăn về ý thức khởi nghiệp của sinh viên hiện nay về những đam mê chưa được thắp lên hoặc các bạn chưa được học đúng ngành nghề mình yêu thích “chưa có định hướng thực hiện ý tưởng”.

Tin rằng, với niềm say mê, ý thức ham học hỏi, sáng tạo không ngừng, anh Nguyễn Thanh Việt sẽ thành công hơn với những sản phẩm từ khoai lang. Góp phần đưa khoai lang Vĩnh Long trở thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, đời sống người dân trồng khoai ổn định hơn.

Ngày 14/12/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2018. Sau hơn 2 tháng triển khai (từ tháng 6- 8/2018), BTC đã nhận được 210 hồ sơ (gồm 124 ý tưởng và 86 dự án) của hơn 550 thí sinh từ các tỉnh- thành khu vực ĐBSCL tham dự.

Kết quả ở nhóm ý tưởng, BTC trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho ý tưởng Dịch vụ ăn, nước uống kết hợp hướng dẫn làm sản phẩm thủ công- của anh Nguyễn Thanh Việt (Vĩnh Long).

 

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC