Lan tỏa thông điệp gia đình bình đẳng và không bạo lực

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 16/11/2018 (GMT+7)

Thông qua các tiểu phẩm gần gũi với cuộc sống, hội thi “Tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ)” do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức là cầu nối để làm chuyển biến tốt hơn công tác BĐG và phòng chống BLGĐ trên cơ sở giới tại địa phương.

Mỗi câu chuyện giúp mọi người hiểu sâu hơn về các văn bản pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.
Mỗi câu chuyện giúp mọi người hiểu sâu hơn về các văn bản pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Để ai cũng hiểu và làm đúng luật

8 tiểu phẩm đến từ các huyện- thị- thành trong tỉnh đều xuất phát từ câu chuyện thực tế ở địa phương và gửi gắm thông điệp khiến mọi người cùng
suy ngẫm.

Với câu chuyện về người phụ nữ trong gia đình chỉ việc quây quần nơi bếp núc, chăm sóc nhà cửa, con cái mà không cần bận tâm hay mất nhiều thời gian cho mấy “chuyện vặt vãnh” ở địa phương, huyện Tam Bình mang đến tiết mục khiến ai ngồi xem cũng “bức xúc” trước những suy nghĩ của ông chồng cổ hủ.

Vào vai người “phân xử” trong câu chuyện trên, chị Lê Thị Thu Thanh- giáo viên Trường Tiểu học Hòa Lộc B (Tam Bình)- cho biết, tiểu phẩm được viết nên từ câu chuyện có thật từ xóm mình. Chị Thanh chia sẻ: “Thời nay thì không nên phân biệt là nam hay nữ nữa rồi.

Với sự chuẩn bị công phu, các đội đem đến cho người xem những nội dung và sắc thái riêng. Các đội thể hiện các tiểu phẩm với nội dung tuyên truyền về Luật BĐG và Luật Phòng chống BLGĐ bằng hình thức sân khấu hóa.

 Bản thân tôi và các chị em đều phải làm việc bên ngoài nên người chồng có trách nhiệm phụ giúp vợ, chăm sóc con cái, cùng là chỗ dựa động viên vợ làm tốt việc ngoài xã hội. Đồng vợ đồng chồng mới là xuất phát cho một gia đình hạnh phúc lâu bền”.

Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mọi người về giới và BĐG, những giải pháp góp phần làm thay đổi hành vi, thái độ định kiến giới, đặc biệt là trong gia đình.

Chập cải lương “Hối hận chưa muộn” của đơn vị huyện Trà Ôn để lại nhiều ấn tượng. Không chỉ nói suông, mà với ý tưởng sáng tạo, mỗi câu vọng cổ nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người…

Người chồng tên Minh là một “bợm rượu”, thường xuyên say xỉn và đánh đập, chửi mắng vợ con. Nhà thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ vốn vay ưu đãi của địa phương, chị vợ định mở quán nước nhỏ buôn bán. Song, chồng say xỉn đánh đập buộc chị phải đưa hết tiền để mua rượu.

Con gái đang tuổi đi học thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành xảy ra trong gia đình nên cũng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, chán nản định nghỉ học đi làm phụ mẹ.

Bi kịch gia đình xảy ra, trong lúc giằng co tiền vốn làm ăn để mua rượu và bực tức vợ con “lải nhải” hoài, người chồng trong cơn say cầm ghế “phang” vô đầu khiến người vợ bị chấn thương chảy nhiều máu.

Lúc đó, người chồng mới thức tỉnh, cảm thấy hối hận khi “thượng cẳng, vung tay” đánh đập những người thương yêu của mình, phá tan hạnh phúc gia đình.

Giọng hát vọng cổ ngọt ngào của người vợ, người con để lại cảm xúc thật sự với người xem, khi chuyển tải nỗi đau của phụ nữ, con cái trong gia đình chất chứa lắm bất công.

Rồi giọng ca thật êm, thật ngọt của người chồng trong niềm hối hận cất lên làm nhẹ lòng khán giả bởi anh đã nhận thức được hành vi bạo hành vợ con là không đúng và tin vào sự thay đổi, hy vọng cuộc sống êm ấm, hạnh phúc của gia đình anh.

Mỗi câu chuyện là một nút thắt, một tình huống cần được tháo gỡ, xử lý. Ở từng câu chuyện, các tuyên truyền viên luôn xuất hiện kịp thời, cùng nhân vật tháo gỡ các nút thắt ấy và mang đến những kết thúc đầy nhân văn trong tiếng vỗ tay cổ vũ sôi nổi của các cổ động viên.

Nâng cao nhận thức của mọi người dân

Thể hiện xuất sắc vai người chồng “vũ phu”, thầy giáo Nguyễn Văn Sự- Trường THCS Vĩnh Xuân (Trà Ôn) cho biết:

“Trước đây tôi từng chứng kiến và can ngăn vài trường hợp thường xuyên đánh chửi vợ con, nên tôi có cảm xúc nhập vai tốt. Cũng hết 99% do rượu mà ra cả, không rượu thì họ hiền lành, lo làm ăn, thương vợ con lắm.

Vậy mà có rượu vào, rồi về nhà nghe vợ cằn nhằn nên họ nổi nóng không kiềm chế được”. Rồi thầy Sự chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm, không thể mãi đọc luật, nghị định với rất nhiều chương, nhiều điều, rất khó nhớ tuyên truyền trên loa hay trong hội họp nữa.

Để người dân hiểu và thực hiện đúng, cần phải hướng đến phương châm “mưa dầm thấm lâu”, phải dùng nhiều hình thức tuyên truyền thật sinh động, gần gũi, từ những câu chuyện thực tế ở địa phương, từ chính những tấm gương hạnh phúc gia đình ngay trong cộng đồng dân cư”.

Anh Huỳnh Thanh Tường (xã Thuận An- TX Bình Minh) là công an xã hơn 8 năm. Anh kể, không nhớ nổi ngần ấy thời gian công tác đã giải quyết bao nhiêu việc vợ kiện chồng bạo lực, “cứ 10 bữa, nửa tháng là có chuyện vì người dân quê chưa có nhận thức tốt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lấn cấn tiền chợ, tiền cho con đi học,… Ông chồng chán nên nhậu nhẹt rồi đánh vợ, đánh con.

Tụi tui khuyên can trước, rồi nhiều khi không có tác dụng, phạt cảnh cáo vài lần họ mới thôi. Cần nhất vẫn là ý thức của mỗi người”.

Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, BĐG không chỉ đơn thuần là quyền lợi của phụ nữ, mà còn là mục tiêu của một đất nước muốn phát triển bền vững.

Thực hiện tốt Luật BĐG cũng đồng nghĩa với việc phát huy được tối đa nội lực của một công dân bất kể là nam hay nữ.

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, qua 10 năm thực hiện Luật BĐG cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được tháo gỡ.

Điều đó cần sự chung tay của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức và xã hội để thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được trong công tác BĐG, khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, cùng hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hội thi là dịp để cán bộ và nhân dân trong tỉnh hiểu sâu hơn về các văn bản pháp luật có liên quan đến BĐG; đồng thời chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm trong việc thực hiện BĐG và phòng, chống BLGĐ tại địa phương và gia đình.

Ngoài phần tiểu phẩm, các đội còn thi kiến thức về pháp luật BĐG, phòng chống BLGĐ. Kết quả hội thi: Giải nhất: huyện Tam Bình; giải nhì: huyện Long Hồ; 2 giải 3: huyện Trà Ôn và TX Bình Minh; 3 giải khuyến khích: TP Vĩnh Long, huyện Mang Thít và Bình Tân.

Bài, ảnh: QUYÊN THÚY