Cần đổi mới công tác dự phòng nghiện

Cập nhật, 14:33, Thứ Năm, 23/08/2018 (GMT+7)

Trong công tác phòng, chống ma túy, dự phòng nghiện là hoạt động phòng ngừa, còn cai nghiện là hoạt động khắc phục hậu quả nghiện ma túy. Cũng như “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “Phòng cháy hơn chữa cháy”, dự phòng nghiện có vai trò và giá trị không thua kém điều trị, cai nghiện ma túy.

Cai nghiện là hoạt động khắc phục hậu quả nghiện ma túy.
Cai nghiện là hoạt động khắc phục hậu quả nghiện ma túy.

Những năm qua, Việt Nam đã thực hiện công tác phòng ngừa với rất nhiều hoạt động mang tính chất “dự phòng nghiện” như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, với nhiều hình thức đa dạng khác (pano, áp phích, tờ rơi, sách mỏng, triển lãm, chiếu phim, mít tinh, thi tìm hiểu chính sách, pháp luật…).

Đặc biệt, có sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội truyền thông cho đoàn viên,  thanh niên, học sinh, sinh viên (HSSV), người lao động, nhân dân vùng biên giới,...

Đồng thời, để hỗ trợ, giúp đỡ những người có nguy cơ cao, gặp các khủng hoảng trong cuộc sống không mắc nghiện ma túy, nhiều địa phương đã lồng ghép với các chương trình kinh tế- xã hội, phân công đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên đội công tác xã hội tình nguyện, dựa vào những người có uy tín trong cộng đồng như cựu chiến binh, già làng, trưởng ban, trưởng tộc để khuyên nhủ, động viên.

Các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ trên đã góp phần giảm nguy cơ nghiện ma túy, giảm áp lực cho công tác điều trị, cai nghiện.

Tuy nhiên, nước ta chưa có một chương trình tổng thể, một chiến lược dự phòng nghiện. Công tác phòng ngừa mới thiên về truyền thông và tư vấn. So với nhiều nước, cách tiếp cận, các nội dung về dự phòng còn chưa có chiều sâu với nhiều hoạt động đa dạng về một loạt hoạt động can thiệp: giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, biện pháp can thiệp tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc, hệ thống dịch vụ dự phòng,…

Chương trình dự phòng nghiện xuất phát từ việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở Hoa Kỳ, Canada và trên toàn cầu.

Trong nhiều thập kỷ, đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu về dịch tễ học và nguyên nhân của việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện. Kiến thức thu được từ công việc này rất quan trọng trong việc xác định và phát triển các phương pháp phòng ngừa vì đa phần người lớn bị các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện trong thời kỳ thanh- thiếu niên của họ.

Các sáng kiến phòng ngừa dành cho thanh- thiếu niên bao gồm các chương trình giáo dục và đào tạo kỹ năng cho thanh- thiếu niên ở nhà trường.

Các chương trình hướng dẫn cho phụ huynh một cách hiệu quả để theo dõi và giao tiếp với con cái, thiết lập và thực thi các quy tắc gia đình về việc ngăn chặn sử dụng chất gây nghiện.

Ngăn ngừa việc sử dụng chất gây nghiện giai đoạn đầu hoặc trì hoãn việc bắt đầu sử dụng là một mục tiêu của nhiều sáng kiến phòng ngừa. Rất nhiều nghiên cứu đã kiểm chứng hiệu quả của các chương trình phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện từ tuổi vị thành niên.

Các kết quả cho thấy các chương trình hiệu quả nhất nhằm vào những rủi ro và các yếu tố bảo vệ nổi bật ở cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng, phát huy các yếu tố tích cực, thực hiện theo các thuyết tâm lý xã hội học liên quan đến nguyên nhân sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện.

Theo TS. John Hamilton- Giám đốc Mạng lưới các Chương trình hồi phục Hoa Kỳ: Trong vòng 50 năm qua, Mỹ đã thay đổi dự phòng nghiện từ đơn thuần là các chiến thuật răn đe, giáo dục và thông tin về ma túy tới cách tiếp cận dựa theo khoa học bằng giáo dục cảm xúc, đào tạo kỹ năng xử lý tình huống.

Mỹ đã tốn khoảng 600 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy tới thanh- thiếu niên nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy việc tuyên truyền này không những không có tác dụng mà còn làm tăng sự tò mò, quan tâm về ma túy của thanh- thiếu niên.

Dựa vào các bằng chứng khoa học và các nghiên cứu về chi phí, nước Mỹ đã chuyển sang các tiếp cận mới dựa vào bằng chứng khoa học bao gồm: giáo dục xúc cảm, hợp tác, nhân rộng các mô hình và tiếp cận dựa vào nghiên cứu.

Kết quả là: Nếu chi phí cho dự phòng 1 thì giảm được từ 2 đến 20 lần so với chi phí cho điều trị, cai nghiện và các vấn đề xã hội khác.

Ở Việt Nam, nếu làm tốt công tác phòng ngừa nghiện ma túy thì giá trị, hiệu quả không hề thấp hơn ở Mỹ khi thực tế một người mắc nghiện gây ra biết bao hậu quả cho gia đình và xã hội; việc điều trị, cai nghiện cũng hết sức tốn kém, lâu dài và sự thành công còn nhiều khó khăn.

Theo ông John Hamilton, can thiệp dự phòng được phân chia thành 3 cấp độ:

1. Dự phòng phổ cập: là cách tiếp cận rộng, hướng tới “công chúng nói chung hoặc một nhóm dân số chưa được xác định trên cơ sở mức độ nguy cơ cá nhân”.

2. Dự phòng chọn lọc: hướng tới “các cá nhân hoặc một nhóm dân cư có nguy cơ phát sinh các rối loạn thần kinh (hay các rối loạn lạm dụng chất) cao hơn nhiều so với trung bình”, trước khi chẩn đoán rối loạn.

3. Dự phòng chỉ định: Hướng tới “các cá nhân có nguy cơ cao được xác định là có các dấu hiệu hoặc triệu chứng tối thiểu nhưng có thể nhận thấy báo hiệu rối loạn thần kinh, cảm xúc, hoặc hành vi” trước khi chẩn đoán rối loạn.

Dự phòng nghiện là chương trình lớn của công tác phòng chống ma túy, là công việc khoa học, cần có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, người làm chính sách và người làm thực tiễn phòng chống ma túy, đồng thời, việc triển khai phải tiến hành từng bước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trực tiếp tác động hàng triệu người, đến từng gia đình, học sinh và phụ huynh, thanh- thiếu niên, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,…với nhiều hoạt động rất đa dạng, đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và vào cuộc của cả xã hội, có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực quốc gia cần thiết để thực hiện.

Trong thời gian tới, cần phải tích cực đổi mới công tác dự phòng nghiện để góp phần kéo giảm số người nghiện, giảm gánh nặng cho công tác cai nghiện hiện nay.

Ở Việt Nam, một dạng mô hình “Dự phòng chọn lọc” đang được triển khai tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và phường Hòa Minh (quận Linh Chiểu- TP Đà Nẵng) với tên gọi CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”. Phường Thọ Quang đã vận động 50 thanh- thiếu niên mới sử dụng ma túy, thanh thiếu niên có nguy cơ cao tham gia CLB. Giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt nhóm, tư vấn, xây dựng mối quan hệ với gia đình, giao lưu tham quan, tặng quà, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế… là những hoạt động chính của CLB. Sau một thời gian, nhiều em đã từ bỏ sử dụng ma túy, thay đổi lối sống, có việc làm, thu nhập. Chính CLB cũng gắn kết sự nhiệt huyết và trách nhiệm của ban ngành, đoàn thể và lãnh đạo phường, nâng cao nhận thức xã hội. Để “dự phòng chọn lọc” có kết quả đòi hỏi sự tập trung đầu tư công sức và lâu dài.

Bài, ảnh: HẠNH PHAN