Trang bị "vắc xin" cho trẻ em trong môi trường mạng

Cập nhật, 14:43, Thứ Bảy, 14/07/2018 (GMT+7)

Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, 100 trẻ em tỉnh Vĩnh Long sôi nổi, hào hứng tham gia Diễn đàn Trẻ em năm 2018 do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức vào ngày 13/7.

8 tiểu phẩm được các em tái hiện thật sống động về trẻ em nghiện game, Facebook và các trang mạng xã hội khác; phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng…

”Hãy suy nghĩ trước khi truy cập và chia sẻ” khi sử dụng mạng xã hội là thông điệp mà các em đội Trà Ôn đem đến diễn đàn.
”Hãy suy nghĩ trước khi truy cập và chia sẻ” khi sử dụng mạng xã hội là thông điệp mà các em đội Trà Ôn đem đến diễn đàn.

Thế giới ảo- hậu quả thật

“Con nghiện game là do ba mẹ đó. Mẹ thì suốt ngày “lướt phây”, chát chít với bạn bè. Ba thì đi làm miết nói kiếm tiền lo cho con. Ba mẹ đưa điện thoại cho con chơi.

Con chơi game rồi nghiện vì con buồn, con cô đơn. Con muốn nói chuyện với ba mẹ. Con muốn ba mẹ chơi, yêu thương con, chứ con không muốn chơi với điện thoại”- “Con trai” Nguyễn Sỹ Phú xúc động khi nói được tiếng nói của mình trong vòng tay ba mẹ.

2 người trong vai “ba, mẹ” thì ân hận vì mải miết trong “thế giới riêng” của mình mà thiếu sự quan tâm con, cứ nghĩ cho con tiền, cho con học là đủ.

Đến khi con kiệt sức, ngất xỉu vì chơi game, được nhà trường đưa đi bệnh viện khám và đưa về nhà “ba mẹ” còn đổ lỗi “tại ông, tại bà cưng chiều con”.

Nhờ “con” lên tiếng, “ba mẹ” mới giật mình nhận ra rằng mình cần phải làm bạn thực sự của con bằng cách trò chuyện thân thiết cùng con; lắng nghe con mình; giúp con cai bỏ game online để học tập, vui chơi thật lành mạnh, trong tình yêu thương gia đình.

Đó là thông điệp của tiểu phẩm “Bản lĩnh vững vàng để tránh xa cạm bẫy, đẩy lùi tệ nạn, vươn tới tương lai”- do nhóm học sinh lớp 9/2 Trường THCS thị trấn Vũng Liêm, thuộc đơn vị huyện Vũng Liêm đem đến tại diễn đàn.

“Người ba”- Nguyễn Trí Tâm chia sẻ: “Trong lớp có vài bạn chơi game online, học hành sa sút, bị cận thị nữa. Với lại tiểu phẩm này gần gũi với tuổi học trò, là thực trạng hiện nay nên tụi em như bắt gặp chính bản thân mình (cũng khoái chơi game- cười) hay của bạn nên diễn nhập tâm lắm”.

Tiểu phẩm “Bài học nhớ đời” của đơn vị Trà Ôn cũng nêu thực trạng “nghiện mạng xã hội” của giới trẻ.

“Con gái” cứ hở ra là lên Facebook, mỗi lần đi học về “chưa kịp buông cặp ra là đã sà vào điện thoại”, nói chuyện với mẹ mà mắt không rời màn hình điện thoại, nhiều khi quên cả học, nhắc nhở, thậm chí bị la mắng mà vẫn không có chuyển biến.

Và “con gái” đã làm quen bạn trai trên Facebook, suýt gặp nguy hiểm là lời cảnh báo mà tiểu phẩm mang tới cho giới trẻ hiện nay.

Những vấn nạn về trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành nhẫn tâm đến chết do chính cha ruột của mình qua tiểu phẩm “Quyển nhật ký cuối cùng” được đội Tam Bình gửi đến tại diễn đàn đã nhắc nhở tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phổ biến, và việc trang bị những kỹ năng tự bảo vệ cho các em là vô cùng bức thiết hiện nay.

Giúp trẻ em thoát “ảo” an toàn

“Làm thế nào để trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn?- em Trần Thanh Hà- Lớp 6, Trường THCS Thị trấn Cái Nhum-quan tâm.
“Làm thế nào để trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn?- em Trần Thanh Hà- Lớp 6, Trường THCS Thị trấn Cái Nhum-quan tâm.

Lắng nghe và xem chăm chú các anh chị trình diễn các tiểu phẩm trên sân khấu, bé Trần Phương Quyên- Lớp 5, Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Vĩnh Long) quay sang bé Nguyễn Võ Ngọc Hân- Lớp 3 Trường Tiểu học Hùng Vương- nói: “Cô chị nói, có anh chơi game bị nghiện đã giết cô bé lấy bông tai để có tiền chơi game tiếp đó.

Nó rất nguy hiểm cho trẻ em, nên chơi cần phải tỉnh táo, và chơi xíu xiu để giải trí thôi”. Bé Quyên chững chạc:

“Chơi game cần phải tỉnh táo, đừng biến mình làm nô lệ cho nó, chơi nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng việc học. Và phải dùng mạng xã hội để giúp mình tìm hiểu thông tin, học tốt hơn”.

Khi được hỏi, sao con biết được thông tin này, cô bé cười tươi: “Dạ, con xem trên mạng đó. 1 ngày con được ba mẹ cho vô mạng nửa tiếng để xem ca nhạc thiếu nhi, clip dạy kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em nữa”.

Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng xã hội? Và sử dụng mạng xã hội như thế nào là an toàn?- Đó là câu hỏi được em Trần Thanh Hà- Lớp 6, Trường THCS Thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) quan tâm, đặt ra tại diễn đàn.

Xã hội càng hiện đại, trẻ em cũng có quyền thụ hưởng những thành tựu của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kết nối bè bạn, khai thác tài liệu phục vụ học tập hay trong các nhu cầu của đời sống là chuyện bình thường.

Song, việc sử dụng không đúng mục đích khi truy cập Internet, mạng xã hội hoặc lạm dụng nó sẽ dẫn đến hiện tượng sống ảo ở trẻ và có thể gây ra những tác hại không mong muốn.

Những rủi ro thường gặp nhất với trẻ em trong môi trường mạng là xâm hại, nội dung, ứng xử, tiếp xúc không phù hợp và các nguy cơ như nghiện game online; nghiện mạng xã hội…

Thầy Lâm Đặng Hồng Sơn- Trưởng Phòng Chính trị thuộc Sở GD- ĐT- chia sẻ: “Cha mẹ, thầy cô cần làm bạn thực sự với con, giúp các con tự trang bị kỹ năng, bản lĩnh đối diện với mạng xã hội, cùng con tìm hiểu về các thông tin, tình huống thường gặp trên mạng xã hội và hãy lắng nghe ý kiến, cách giải quyết của con”.

“Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, trẻ em có thể dễ dàng tiếp xúc và làm quen với mạng xã hội ngày càng nhiều hơn. Nhiều bạn trẻ hiện nay thường lên mạng bày tỏ suy nghĩ, tâm tư tình cảm, thậm chí chuyện yêu- ghét hay các mâu thuẫn dù nhỏ trong cuộc sống. Vì vậy, các em cần hiểu rõ nguy cơ mất an toàn trên mạng để có kỹ năng tự bảo vệ mình. Biết tận dụng tối đa thế mạnh của thế giới số, hạn chế tối đa tổn hại có thể gây ra cho mình”- Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Huỳnh Thu chia sẻ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN