Quà của đất

Nấm mối

Cập nhật, 04:51, Thứ Ba, 17/07/2018 (GMT+7)

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, những ngày đầu tháng 5 âm lịch không khí trở nên nóng ẩm do trời cứ chợt mưa chợt nắng, là thời tiết báo hiệu nấm mối đang vào mùa đông ken…

Nấm mối khủng nặng tới 3,5kg. Ảnh: Internet
Nấm mối khủng nặng tới 3,5kg. Ảnh: Internet

Nấm mối có tên khoa học là termitomyces albuminosa, được tạo thành do nước bọt của mối và các vi sinh vật trong đất. Người ta xem loại nấm này là quà của đất.

Tuy nhiên, trong sinh hoạt hằng ngày hiện nay con mối đang bị mọi người xem là loại côn trùng gây hại luôn muốn tận diệt, nên mối dần dần ít đi trong thiên nhiên kéo theo nấm mối trở thành của hiếm có giá bán rất cao.

Tháng 5 âm lịch năm nay, dịp Tết Đoan ngọ ở các chợ lớn của TP Vĩnh Long không thấy bán nấm mối. Nghe đâu tại một vài chợ xã ở vùng có nhiều vườn cây ăn trái thỉnh thoảng có thấy bán loại nấm này nhưng giá mỗi ký gần cả triệu đồng.

Đối với nhiều người, đó là cái giá có thể chấp nhận của những người xa quê muốn tìm lại một hương vị độc đáo của quê nhà….

Người sành ăn nấm mối chia chúng làm 2 loại: phổ biến nhất là “nấm đất” có mủ nấm màu xám của đất và thân trắng ngà, loại còn lại rất hiếm là “nấm nếp” toàn thân có màu trắng nền nã của nếp, cũng chưa thấy tài liệu phân tích loại nấm nào có chất lượng tốt hơn.

Thông thường trung bình một cây nấm mối cao khoảng 3- 5cm, chu vi mũ nấm từ 6- 8cm, ở nấm búp là 3cm.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta vẫn phát hiện những tai nấm to bất thường. Ngày 6/6/2011, một người dân ở phường Lái Thiêu (TX Thuận An- Bình Dương) đã phát hiện một cây nấm mối thuộc hạng “khủng” ở vườn nhà nặng đến 3,5kg.

Cây nấm này có chiều cao 50cm, đường kính gốc 40cm và ở phần ngọn sát mũ là 35cm, riêng phần mũ rộng đến 45cm.

Trong một trường hợp tương tự, ngày 12/8/2016 ông Nguyễn Văn Tư (xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên- Bình Dương) tìm được một cây nấm mối khác còn khủng hơn với trọng lượng lên đến 7kg.

Do 2 cây nấm có trọng lượng không bình thường nên cả hai trường hợp người tìm được không dám chế biến thành thức ăn, chỉ để trưng bày cho mọi người xem.

Trong mùa nấm mối, đi tìm nấm là một việc rất thú vị. Người tìm được rất thích thú nên trong dân gian có câu “Ham như ham nấm mối!”.

Nấm mối thường mọc ở những nơi có nhiều mối, nhất là quanh các gò mối và nơi nào nấm đã mọc thì y như năm sau nấm cũng sẽ mọc lại, chính vì thế các chủ vườn cây đều biết những nơi nấm thường mọc hàng năm nên dễ phát hiện nấm hơn những người lạ.

Điều thú vị là tại một địa phương có thời điểm nấm mối bỗng mọc rộ lên, một nhà phát hiện liền “báo động” cho nhà bên cạnh kéo nhau ra vườn tìm nấm.

Có trường hợp cùng đi trên đường qua một nơi có nấm mối mọc nhưng có người phát hiện người thì không, nên ai đó nói đùa rằng người “nặng bóng vía” thì đừng tìm nấm mối (?).

Mới đây có một bài báo nói rằng thu hoạch nấm mối tốt nhất là lúc 4- 5 giờ sáng vì lúc đó nấm còn búp là lúc chất lượng tốt nhất.

Điều này theo người viết là chưa chính xác, do nấm mối tại chỗ mọc còn búp hay đã nở xòe đều có ở tại nhiều thời điểm trong ngày, thu hoạch nấm cỡ nào và lúc nào là do người thu hái chọn.

Ở quê tôi ngày trước thì quy ước nấm mọc ở vườn nhà ai là của nhà đó, nhưng cũng có người coi nấm là “của trời cho” nên lúc trời chưa sáng đã đốt đuốc vào vườn người khác tranh tìm nấm, vì nếu để đến sáng thì chủ vườn thu hoạch rồi…

Nấm mối có thể dùng để chế biến nhiều loại thức ăn rất ngon do có hương vị đậm đà rất đặc trưng khó có loại nấm nào sánh bằng, đặc biệt là khi dùng chế biến những món chay. Nấm mối dùng để chưng xào hay kho, dùng độc lập hoặc phối hợp đều tốt…

Bánh xèo nấm mối hay cháo nấm mối chẳng cần thêm chút tôm hay thịt nào cũng ngọt “lủng nồi”, đủ làm nhiều người xa quê nhớ mãi…

Nấm mối là một trong những loại nấm quý hiếm do có hàm lượng dinh dưỡng cao và ngoài việc dùng chế biến nhiều món ăn đặc sản, nấm mối còn có tác dụng chống lão hóa và trị được một số bệnh, kể cả bệnh ung thư.

Theo một số thầy thuốc, cây nấm mối được xem là cây thuốc của phái nữ. Bác sĩ Christine Dzerko- chuyên gia nghiên cứu bệnh phụ nữ ở ĐH Austin Texas (Mỹ) từ các nghiên cứu đã kết luận: nấm mối có thể điều trị một số bệnh như ung thư tế bào máu, phổi, gan, đặc biệt là ung thư vú.

Còn các nhà chế tạo mỹ phẩm Nhật Bản tại Osaka đã tạo ra được các sản phẩm từ nấm mối kết hợp với nha đam, bù ngót, bí đỏ trị được da bị dị ứng, chống nám da và ung thư da.

Theo lương y Dương Tấn Hưng, trong y học cổ truyền của nước ta cũng có nhiều bài thuốc có nấm mối dùng để bồi bổ cơ thể, tăng tuyến sữa, trị hạ huyết áp, tiểu đường, đánh tan sỏi mật và sỏi thận…

HỒNG VÂN