Lao động bỏ trốn chặn đứng "giấc mơ" làm việc tại Hàn Quốc

Cập nhật, 18:54, Thứ Bảy, 23/06/2018 (GMT+7)

Ngày 23/6, hàng chục nghìn lao động cả nước tham dự kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS năm 2018 tại các điểm thi thuộc 2 tỉnh thành gồm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. So với mọi năm, số lượng thí sinh đăng kí dự thi và tỉ lệ chọi năm nay thấp hơn.

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH (trái) và ông Kim Do - Hyon - Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam (giữa) kiểm tra kì thi tiếng Hàn tại Hà Nội.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH (trái) và ông Kim Do - Hyon - Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam (giữa) kiểm tra kì thi tiếng Hàn tại Hà Nội.

Tỉ lệ chọi khoảng 1/2

Kỳ thi tiếng Hàn năm 2018 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sẽ tuyển chọn 6.300 lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.600 lao động lĩnh vực ngư nghiệp. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các địa phương để tổ chức thi cho người lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo ngày 23 và 24/6/2018.

Tuy nhiên, người lao động cư trú dài hạn tại 49 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không được tuyển chọn theo Chương trình EPS năm 2018. Các địa phương này có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% và có số lượng người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

Tham dự kì thi tiếng Hàn trong ngành chế tạo sản xuất tại Hà Nội, thí sinh Vũ Văn Công (26 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết: “Trước khi thi chúng tôi đã phải bỏ việc, tập trung toàn bộ thời gian ôn luyện rất nhiều tiếng Hàn tại trung tâm. Tuy số lượng thí sinh tham gia dự thi năm nay thấp hơn nhưng vẫn rất lo lắng có thi đỗ hay không. Hơn nữa, những người lao động bỏ trốn càng nhiều ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội đi Hàn làm việc của chúng tôi”.

Đánh giá về kì thi tiếng Hàn năm nay, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết: “Kì thi năm nay có nhiều điểm khác so với mọi năm. Số lượng thí sinh đăng kí dự thi giảm đi. Ngành chế tạo xây dựng lấy 3.500 thí sinh nhưng chỉ có 11.600 thí sinh đi thi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thí sinh không đi Hàn Quốc nhiều nữa mà chứng tỏ kì thi trước tổ chức nghiêm túc nên các thí sinh không đạt yêu cầu sẽ ở lại ôn luyện thêm”.

Năm nay, tỉ lệ chọi thấp chỉ 1/2, trong khi đó có những năm  tỉ lệ chọi rất cao 1/20. Tuy nhiên, năm ngoái tổ chức đợt thi, bản thân thí sinh năm ngoái đỗ rồi cũng chưa có cơ hội để đi. Nguyên nhân do lao động chúng ta bỏ trốn, chấp hành thời giờ chưa được ảnh hưởng rất nhiều đến việc tuyển dụng lao động Việt Nam, ông Tùng nhấn mạnh.

Rào cản từ lao động cư trú bất hợp pháp

Nói về lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, ông Kim  Do – Hyon – Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá lao động Việt Nam về tay nghề và sự cần cù, chăm chỉ khi làm việc. Vì vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất ưa thích tuyển dụng lao động ở Việt Nam.

Nếu người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc nhiều hơn giúp họ học hỏi tay nghề. Từ đó, khi về nước họ sẽ đem kỹ năng tích lũy được, công nghệ phục vụ phát triển sự nghiệp. Chúng tôi sẽ nỗ lực đưa thêm nhiều người Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc hơn, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Mỗi năm, Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận khoảng 60.000-70.000 lao động nước ngoài đến làm việc. Phía Hàn Quốc sẽ phân bổ số lượng căn cứ vào tỉ lệ lao động tuân thủ pháp luật, cam kết hợp đồng. Tỉ lệ lao động chấp hành pháp luật và cam kết hết hạn hợp đồng về nước càng cao thì số lượng lao động được Hàn Quốc tiếp nhận càng lớn.

Đối với lao động Việt Nam, do có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp lớn nên ảnh hưởng đến việc tuyển chọn lao động tiếp tục sang đây làm việc.

Muốn mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc Hàn Quốc tăng số lượng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, phía Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp hạn chế tình trạng trên. Tuy nhiên, ở đây cần hợp tác chủ sử dụng lao động Hàn Quốc không sử dụng lao động bất hợp pháp để giảm số lượng lao động này xuống. Từ đó, mở ra cơ hội làm việc tại Hàn Quốc cho những người lao động khác.

Theo LĐO