An toàn thực phẩm- còn nhiều nỗi lo

Cập nhật, 13:54, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiếu vệ sinh, không an toàn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng đã trở thành vấn đề nóng và cấp thiết của xã hội.

Theo kết quả của đoàn giám sát UBMTTQ Việt Nam tỉnh, việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn, tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh, sản xuất thực hiện đầy đủ quy định pháp luật. Trong ảnh: Đoàn giám sát tại cơ sở sản xuất và mua bán hủ tiếu Kim Thoa.
Cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn, tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh, sản xuất thực hiện đầy đủ quy định pháp luật. Trong ảnh: Đoàn giám sát tại cơ sở sản xuất và mua bán hủ tiếu Kim Thoa.

Nhiều cơ sở sản xuất chưa đủ điều kiện

Đoàn giám sát nhận định trong thời gian qua, các huyện đã có sự đánh giá và nhận thức tốt trong chỉ đạo- điều hành công tác quản lý nhà nước về ATTP.

Nhiều hoạt động được triển khai thực hiện, mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn ở cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Đến nay, tỷ lệ cơ sở kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tại các huyện còn thấp, đặc biệt là các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tại huyện Vũng Liêm, có 236 cơ sở cần được cấp giấy chứng nhận trong tổng số 1.098 cơ sở (bao gồm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố) do ngành y tế quản lý. Chỉ có 22 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, chiếm 9,32%.

Tương tự, huyện Long Hồ hiện mới cấp 42 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong tổng số 710 cơ sở. Hầu hết các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chưa xem trọng việc làm hồ sơ đăng ký chứng nhận, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra.

Bên cạnh đó, một bộ phận cơ sở kinh doanh chưa thực sự nhận thức đầy đủ việc đảm bảo ATTP trong chính sách pháp luật.

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa- chủ cơ sở sản xuất, mua bán hủ tiếu Kim Thoa (xã Nhơn Phú- Mang Thít) cho biết: “Về giấy tờ chứng nhận vệ sinh ATTP, tôi cũng làm đầy đủ theo quy định. Nhưng thật ra cũng còn bối rối nhiều vấn đề về chất lượng sản phẩm”.

Tương tự, anh Hà Phước Tới- chủ cơ sở sản xuất cà phê Thành Được (xã Phú Quới- Long Hồ)- nói: “Khi được đoàn giám sát cũng như ngành chức năng góp ý những cái được và chưa được cần khắc phục, tôi rất mừng.

Tuy nhiên, hiện tại bao bì đóng gói tại cơ sở mỗi lần in có số lượng rất lớn. Sau 3 năm không sử dụng hết thì sẽ tiêu hủy toàn bộ. Việc này gây khó khăn rất nhiều”.

“Mỏng manh” lực lượng cán bộ phụ trách ATTP

Làm việc với đoàn giám sát, các huyện đã trình bày nhiều kiến nghị, đề xuất để thực hiện quản lý ATTP quyết liệt, có hiệu quả. Trong đó, các huyện đều gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thiếu nhân lực.

Bà Võ Thị Xuân Mỹ- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- trình bày: “Hiện nhân lực trong công tác kiểm tra ATTP của huyện đều là cán bộ kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra thường xuyên”.

Do đó, đoàn giám sát yêu cầu các đoàn thể chính trị- xã hội cần tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên, nhằm khắc phục tình trạng nguồn nhân lực còn thiếu.

Song song đó, thực tế vấn đề phát sinh trong công tác thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về ATTP tại mỗi địa phương cũng không giống nhau.

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh phối hợp toàn diện, các địa phương cần nắm rõ đối tượng quản lý để thực hiện quyết liệt hơn. Như huyện Long Hồ có Khu công nghiệp Hòa Phú và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên tập trung đông công nhân, người lao động.

Năm 2017, huyện xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm làm 198 người ngộ độc, trong đó có 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn với 193 người mắc trong tổng số 1.213 người ăn.

Do đó, đoàn giám sát yêu cầu huyện tập trung triển khai quyết liệt vào kiểm tra ATTP khu- tuyến công nghiệp và thức ăn đường phố. Vì đây là nơi có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự phát, không cố định và chưa được kiểm tra.

Đại diện đoàn giám sát, bà Lê Hồng Đào- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- cho rằng, để tăng cường hiệu quả trong công tác thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý nhà nước cần chú trọng phối hợp toàn diện. Các địa phương cần thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, có sự kết hợp nhịp nhàng. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của các đoàn thể trong công tác tuyên truyền sâu rộng.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA