Vừa học nghề, vừa điều trị nghiện ma túy

Cập nhật, 13:43, Thứ Năm, 12/04/2018 (GMT+7)

Tổ chức lại hoạt động, công tác quản lý, liên kết đào tạo nghề cho học viên (HV),... là những giải pháp đang được Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) áp dụng.

Người nghiện tự nguyện tìm đến cơ sở với hy vọng đoạn tuyệt được ma túy. Đây là tín hiệu khả quan trong công tác cai nghiện được xem là “khó trăm bề” như hiện nay.

Học viên lớp kỹ thuật hàn rành nghề được thi công các công trình ngay tại cơ sở.
Học viên lớp kỹ thuật hàn rành nghề được thi công các công trình ngay tại cơ sở.

“Trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”

Cơ sở vật chất khang trang, không khí trật tự, hòa đồng, thân thiện giữa HV và cán bộ, nhân viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy khác hẳn thời điểm giữa năm 2017, khi xảy ra liên tiếp các vụ HV chống đối, không chấp hành nội quy, thậm chí đập phá tài sản tìm cách bỏ trốn.

Lý do các HV đưa ra là vì bức xúc với các quy định về cai nghiện, điều kiện sinh hoạt. Có trường hợp sau khi bỏ trốn khỏi cơ sở đã tìm ngay đến ma túy, bị “ngáo đá” và gây ra các vụ gây rối trật tự khiến người dân vô cùng lo lắng.

Như trường hợp đối tượng Thạch Ngọc Bảo (SN 1997, thường trú xã An Phước- Mang Thít) sau khi trốn trại cai nghiện và có biểu hiện “ngáo đá”, đã mang dao đến khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long la hét, gây mất trật tự.

Mặc dù được công an vận động, thuyết phục nhưng Bảo vẫn ngoan cố chống cự và chạy vào nhà dân cố thủ, dùng dao tự đâm vào người tử vong.

Theo ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy, ngay sau khi xảy ra những sự việc đáng tiếc trên, cơ sở đã tiến hành sửa chữa, bổ sung và ban hành hàng loạt quy chế, quy định chấn chỉnh bộ máy tổ chức, quản lý HV theo khẩu hiệu “Trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”.

Cơ sở tổ chức thăm gặp định kỳ thứ 5 hàng tuần để “3 bên”: cơ sở, gia đình và HV có dịp ngồi lại nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ bất cập, tổ chức việc cai nghiện vào nề nếp.

Ngoài ra, ban giám đốc cơ sở cũng tổ chức gặp gỡ đại diện HV tại các phòng, khu và họp mặt tất cả cán bộ, nhân viên, HV tại cơ sở vào ngày 29 hàng tháng.

Những HV có quá trình cai nghiện tốt sẽ được xem xét miễn giảm trước thời hạn hoặc được bố trí vào các tổ, đội tự quản, hậu cần, chăn nuôi, trồng trọt,...

Đây xem như một hình thức khen thưởng, khích lệ tinh thần HV quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên được sắp xếp lại theo hướng tăng cường kỷ luật, kể cả quy định về đồng phục, chế độ trực nhằm xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện, gần gũi giữa người quản lý và HV như người thân trong gia đình.

Vừa lao động, vừa trị liệu

Việc tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại Cơ sở Cai nghiện ma túy giúp học viên vừa lao động vừa trị liệu hiệu quả.
Việc tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại Cơ sở Cai nghiện ma túy giúp học viên vừa lao động vừa trị liệu hiệu quả.

Cơ sở Cai nghiện ma túy hiện có 148 HV, trong đó có 13 HV cai nghiện theo hình thức tự nguyện. Theo ông Trần Ngọc Chi, đây là tín hiệu đáng mừng vì cơ sở đã nhận được sự tin tưởng của gia đình các HV khi gửi con em mình vào đây.

“Hầu hết HV đang cai nghiện tại cơ sở theo hình thức bắt buộc, theo quyết định của tòa án nhưng chúng tôi không xem họ là những người có tội mà là những người bệnh, cần được chăm sóc, yêu thương trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, giúp họ sớm đoạn tuyệt với ma túy”- ông Trần Ngọc Chi cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng- Phòng Giáo dục và Dạy nghề- cho biết đến nay cơ sở đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) khai giảng 3 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp và kỹ thuật hàn, thu hút trên 40 HV tham gia.

Dựa trên nhu cầu của HV, cơ sở sẽ liên kết với các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. HV được hưởng 50% trên lợi nhuận mỗi sản phẩm, 25% sử dụng để tổ chức các hoạt động cho HV, phần còn lại đóng góp vào quỹ phúc lợi của đơn vị.

Theo ông Trần Ngọc Chi, nhờ kết hợp quy trình lao động và trị liệu nên hầu hết HV đều phấn khởi, thoải mái, sớm cắt được cơn nghiện.

Mục tiêu trước mắt là tiếp tục duy trì thường xuyên các khóa đào tạo nghề và mở rộng ngành nghề theo nhu cầu của HV, nhằm giúp họ tìm được việc làm ổn định sau khi tái hòa nhập
cộng đồng.

HV L.V.S. (ở Bình Tân) vừa vào cơ sở cai nghiện khoảng 4 tháng nay. Khi cơ sở tổ chức dạy nghề đan ghế, anh đã tự nguyện đăng ký tham gia với ý định “kiếm cái nghề nuôi thân sau cai nghiện”.

Anh S. cho biết, được lao động nên giảm bớt cảm giác tù túng, tinh thần thoải mái, đôi khi quên luôn cơn thèm ma túy. “Tôi sẽ cố gắng cai nghiện thành công, học nghề thật giỏi để có cơ hội làm lại cuộc đời”- anh S. chia sẻ.

Theo ông Trần Ngọc Chi, cơ sở đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô cơ sở, đầu tư trang thiết bị và áp dụng các chế độ ưu đãi đối với các cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực nhiều áp lực, rủi ro này nhằm giúp việc cai nghiện đạt hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TUYẾT NGA