Cần quản lý chặt chẽ trường mầm non tư thục

Cập nhật, 18:13, Thứ Ba, 23/01/2018 (GMT+7)

 

Việc quản lý giám sát cơ sở mầm non tư thục và các nhóm trẻ nhỏ mới phát sinh cần được đặc biệt quan tâm.
Việc quản lý giám sát cơ sở mầm non tư thục và các nhóm trẻ nhỏ mới phát sinh cần được đặc biệt quan tâm.

Báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non tư thục năm 2017 của UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy, trong năm 2017, Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đoàn giám sát trực tiếp tại huyện Mang Thít, Long Hồ, TP Vĩnh Long và phát hiện một số sai phạm tại các trường mầm non tư thục.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 10 trường và 37 nhóm trẻ mầm non tư thục với gần 3.500 trẻ. Bên cạnh những cơ sở giữ trẻ chấp hành theo đúng quy định thì còn không ít nhóm trẻ vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có giấy phép hoạt động, không có người chịu trách nhiệm, cơ sở vật chất không đảm bảo, nhất là bảo mẫu không được đào tạo theo quy định.

Còn riêng đối với những nhóm trẻ gia đình thì công tác kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn do chúng mang tính tự phát, không được cấp phép, số lượng trẻ ở các điểm này dao động thường xuyên, trong khi những người tham gia trông trẻ chỉ nhằm giải quyết việc làm nhất thời và chưa hề qua đào tạo chuyên môn.

 Có những trẻ mới 15, 16 tháng cũng có những trẻ lớn 4, 5 tuổi. Các phụ huynh gởi trẻ ở đây phần lớn là công nhân. Linh hoạt về giờ giấc gởi trẻ và độ tuổi nhận trẻ là những ưu điểm của các nhóm trẻ tư thục.

Tiện và lợi cho phụ huynh nhưng việc gởi trẻ ở những điểm như thế này có thể trẻ sẽ không có được điều kiện nuôi dạy tốt và nhất là tiềm ẩn nguy cơ cao về tính an toàn cho trẻ.

Công tác quản lý nhà nước đối với một số trường mầm non tư thục còn hạn chế, cụ thể Trường Mầm non tư thục Họa Mi (xã Phú Quới- Long Hồ) hoạt động 1 năm nhưng chưa có giấy phép xây dựng, chưa được kiểm định chất lượng xây dựng.

Lớp mẫu giáo nhà thờ Mỹ An (Mang Thít) vi phạm quy định về tổ chức và hoạt động như không có giấy phép hoạt động, không có người quản lý chịu trách nhiệm, giáo viên, bảo mẫu không được đào tạo theo quy định.

Dù chưa có giấy phép, song cơ sở nuôi giữ trẻ Cái Lóc (xã Mỹ An-Mang Thít) vẫn hoạt động hơn 10 năm nay.

Theo qui định đối với những cơ sở giữ trẻ có số lượng từ 50 em phải thành lập trường, thế nhưng cơ sở này hiện có đến 75 trẻ. Số lượng trẻ đông trong khi diện tích không đảm bảo theo quy định. Đáng chú ý hơn là trong số 3 cô đứng lớp, chưa có cô nào được đào tạo về giáo dục mầm non.

Bảo mẫu trẻ H.T.M.T cho biết: “Em học tới lớp 9, mới đầu chưa có việc gì làm, em thấy trên đây thiếu người em xin lên đây làm.” Còn em L.T.T.M nói:  “Ở đây tụi em giữ trẻ, đối tượng là con công nhân may, công nhân lò gạch, thợ hồ lúc trước số lượng khoảng ba mươi mấy, giờ tăng lên hơn 70 bé”.

Theo bà Trương Thanh Nhuận- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các phòng giáo dục phối hợp với UBND cấp xã để kiểm tra giám sát cũng như hỗ trợ các cơ sở mầm non tư thục đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động đúng về chuyên môn.

Còn đối với điều kiện cơ sở vật chất hay là về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ phối hợp với ngành có liên quan cấp huyện để hỗ trợ cho các cơ sở  tuân thủ đúng, đầy đủ quy định.

Giáo dục mầm non là cấp học quan trọng đối với trẻ những năm đầu đời giúp trẻ phát triển và hình thành nhân cách.

Ngoài việc tiếp tục huy động từ xã hội đầu tư cho giáo dục mầm non thì việc quản lý giám sát cơ sở mầm non tư thục và các nhóm trẻ nhỏ mới phát sinh cần được các ngành chức năng và UBND các cấp đặc biệt quan tâm. Qua đó giúp các em có được môi trường sống, học tập tốt để phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần

Ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQVN tỉnh Vĩnh Long cho biết: Sau đợt giám sát, Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã có gửi kiến nghị, đề xuất đối với UBND tỉnh, các huyện- thị- thành và các ngành có liên quan để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non tư thục trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MAI ANH