Tam Bình chủ động ứng phó thiên tai

Cập nhật, 16:14, Thứ Tư, 18/10/2017 (GMT+7)

Những trận mưa liên tiếp kéo dài cộng với triều cường khiến nước lên nhanh. Tại huyện Tam Bình, nhiều khu vực bị sạt lở, nước tràn bờ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó kịp thời, nhiều điểm sạt lở đã được khắc phục, thiệt hại không đáng kể.

Con nước lên cao hơn mọi năm, nhiều chuồng trại gia súc bị ngập.
Con nước lên cao hơn mọi năm, nhiều chuồng trại gia súc bị ngập.

Mỗi năm mỗi sạt lở

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, hiện có 35 đoạn bờ bị sạt lở. Trong đó, đoạn qua xã Hòa Hiệp quan trọng vì ven tuyến sông Măng. Chị Huỳnh Ngọc Chi- cán bộ nông nghiệp xã- cho biết “có 2 tuyến sạt lở”.

Dẫn chúng tôi ra đoạn đê vừa được khắc phục, chị Chi cho biết thêm: “Ở đây năm nào cũng bị lở nên bà con cũng quen, địa phương thì hễ nghe sạt lở là ứng phó ngay”. Tuyến sông Măng chảy qua địa bàn xã Hòa Hiệp dài 11km thì đã có nhiều điểm sạt lở ở các ấp: 6, 7, 8 và 10 với chiều dài tổng cộng 180m.

Nhà nằm cạnh điểm sạt lở, anh Lê Hoàng Minh Tuấn ở Ấp 10 cho biết: “Tôi ở đây khoảng 10 năm rồi, năm nào cũng thấy lở khúc này”.

Đê bao trước nhà anh Tuấn có trồng cây tra để giữ mé, riêng đoạn gần phía ủy ban xã thì không có cây chắn sóng nên đê bao thấy mong manh hơn. Anh Tuấn nói thêm: “Hồi tôi về đây tới giờ, lở vô cỡ 3m đất chứ không ít”. Anh nói, những hộ kế bên bị lở đã phải dời nhà vô đến mấy lần “có những nhà mất đất bộn à nghe”.

Chú Trương Văn Trung có nhà cạnh đó, nói: “Tui năm nay 66 tuổi, ở đây từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ”.

Nhưng khoảng 30 năm nay, chú Trung đã phải dời nhà xích vô 3 lần. Chú chỉ tay về phía sông: “Hồi đó, nhà tui mút mù khơi ngoài kia, trước cái miếng đất mà bây giờ là con đê này đây”.

Nay thì chú Trung nói “đã dời tới hết đất rồi, không dời được nữa” bởi bao nhiêu lần sạt lở đã lấy đi cả công đất của gia đình chú. Nhưng gần đây thì đỡ hơn rồi, vì hễ sạt lở thì xã khắc phục sớm liền.

Theo chú Trung, sạt lở thường xuyên một phần do con nước lớn từ lối tháng 7 âm lịch hàng năm ảnh hưởng, một phần vì khu vực này nằm cặp vàm Ông Đệ (thuộc sông Măng) ghe lớn qua lại nhiều, sóng gây xói mòn lâu ngày lở đất.

Đó là còn chưa tính những khúc voi quá gắt, dòng nước chảy mạnh lâu ngày ảnh hưởng, nên lở đất là chuyện thường niên.

Chủ động khắc phục

Ngoài sạt lở, Tam Bình còn bị ảnh hưởng bởi việc nước tràn bờ bao khoảng 34 đoạn, lở và tràn 20 đập theo con nước tháng 8 âm lịch vừa qua. Hiện, các địa phương đã triển khai khắc phục chống tràn và sạt lở đập từ nguồn vốn của xã và nhân dân.

Xã Phú Lộc cũng có 4 bờ bao bị tràn trong con nước vừa qua, cán bộ nông nghiệp xã Nguyễn Thanh Hiệp cho biết: “Ngay từ đầu mùa mưa, chúng tôi đã nhắc nhở bà con chủ động gia cố đê bao ở gia đình, công trình đê bao chung thì chúng tôi thường xuyên kiểm tra, gia cố, nhưng con nước năm nay cao quá nên bị ngập cục bộ một số nơi. Tuy nhiên, chưa có thiệt hại tài sản”.

Tại xã Hòa Thạnh, tuyến bờ bao Ấp 3 bị sạt lở nhẹ và tuyến bờ bao Ông Nam bị nước tràn bờ. Chị Phạm Thị Tố Quyên- cán bộ nông nghiệp xã- nói “chưa có năm nào nước tràn bờ bao như năm nay. Sau sự cố, xã đã chủ động cho đắp thêm bờ bao”.

Một đoạn đê bao tuyến sông Măng bị sạt lở đã được gia cố.
Một đoạn đê bao tuyến sông Măng bị sạt lở đã được gia cố.

Triều cường dâng cao đã khiến nước tràn vào nhiều nhà dân ở xã Phú Thịnh, gây ngập trong nhiều ngày. Tại xã Hậu Lộc, nước tràn bờ làm 14 nhà dân bị ngập, 3 ao cá và 0,2ha trồng thanh long bị ngập nước. Bên cạnh đó, QL1 đoạn qua các xã Tân Phú, Song Phú của huyện cũng ngập sâu hơn 0,5m, khiến cho việc lưu thông gặp khó khăn.

Tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, con nước tháng 9 âm lịch dự kiến sẽ dâng cao hơn. Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp- PTNT đề xuất Huyện ủy, UBND huyện Tam Bình cho xã thực hiện chống tràn và sạt lở đập từ nguồn vốn kết dư của từng xã, nguồn dự phòng của huyện. Ngoài ra, địa phương cũng tự phòng chống, gia cố các công trình từ nguồn vốn vận động tại chỗ.

Con nước tháng 8 âm lịch đã làm cho 16 xã của huyện Tam Bình bị ảnh hưởng. Trong đó, có 91 đoạn bị sạt lở và nước tràn bờ, tổng chiều dài các đoạn hơn 23km. Ước vốn thực hiện các công trình hơn 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều công trình đã được các xã cùng người dân chủ động khắc phục.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN