Vĩnh Long online luôn đồng hành cùng người dân

Cập nhật, 07:50, Thứ Năm, 22/06/2017 (GMT+7)

 

Hình ảnh trước và sau khi có cầu bắc qua sông Cái Tàu- Sóc Tro.
Hình ảnh trước và sau khi có cầu bắc qua sông Cái Tàu- Sóc Tro.

Hơn 8 năm đi vào hoạt động chính thức, trang Thông tin điện tử Báo Vĩnh Long (Vĩnh Long online) không chỉ là tiếng nói của Đảng và nhân dân, mà còn là chiếc cầu nối giữa dân với các đơn vị sở, ngành và là “địa chỉ” tin cậy để bà con gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.

Qua đường dây nóng, chúng tôi tiếp cận với những phản ánh cũng cực kỳ “nóng”. Lần theo thông tin ấy để có hình ảnh và bài viết là cả quá trình, với bao vất vả, trăn trở và cả những giọt nước mắt vui mừng…

Chuyện “giải cứu” người phụ nữ tâm thần

Tháng 7/2016, qua đường dây nóng, chúng tôi nhận được thông tin về người phụ nữ tâm thần bị “biệt giam” hơn 20 năm trong căn nhà hoang.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi bán tín bán nghi với suy nghĩ thời buổi này thì làm gì có cảnh “giam cầm” như phản ảnh? Nghĩ vậy nhưng chúng tôi cũng nhanh chóng xin ý kiến Ban Biên tập và… vào cuộc.

Qua khảo sát, nắm thông tin thực tế, chuyện “tưởng như đùa” nhưng lại là sự thật. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Bé Sáu (ấp Vĩnh Tắc, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn). Hình ảnh người phụ nữ gầy trơ xương, không mảnh vải che thân, cùng những tiếng kêu không rõ lời khiến chúng tôi day dứt trong suốt hành trình “giải cứu” bà.

Sau khi những bài viết, hình ảnh về bà Sáu được đăng tải trên mặt báo, địa phương, ban ngành liên quan đã tiến hành xác minh, rồi đưa bà Sáu đến Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long để chăm sóc sức khỏe. Khi sức khỏe của bà Sáu được ổn định, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã quyết định tiếp nhận chăm sóc bà Sáu suốt đời tại trung tâm.

Cái kết có hậu ấy khiến những người làm báo như chúng tôi mừng rơi nước mắt…

Chuyện em Tài sẽ được đến trường…

Nỗi xót xa trước thân phận người phụ nữ bất hạnh vừa tạm lắng, thì mới đây chúng tôi tiếp nhận thông tin về tình cảnh của em Trương Văn Tài (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn).

Nhà nghèo, cuộc sống mưu sinh chật vật nơi xứ người, nên mãi đến năm 9 tuổi Tài mới được cha làm giấy khai sinh và cho vào học lớp 1 tại Trường Tiểu học Vĩnh Xuân (đầu năm học 2016). Thế nhưng chỉ học được hơn 1 tháng thì em Tài bị nhà trường cho thôi học.

Ròng rã cả tháng trời, chúng tôi hết liên hệ với Trường Tiểu học Vĩnh Xuân, với Phòng GD- ĐT Trà Ôn, Sở GĐ- ĐT tỉnh Vĩnh Long, cuối cùng chúng tôi cũng được lời khẳng định từ ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GĐ- ĐT: “Cháu Tài có quyền được học và không ai được quyền làm mất quyền được học của công dân”. Vậy là Tài sẽ được tiếp tục đến lớp vào năm học 2017- 2018 này.

Gia đình Tài đã rất vui khi hay được tin này, còn chúng tôi cũng lấy làm hạnh phúc- niềm hạnh phúc được lan tỏa từ chính những nhân vật mà chúng tôi gặp được.

Nước sạch đã về…

Từ khi hoạt động đến nay, trang Vĩnh Long online đã kịp thời phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của người dân về các vấn đề của đời sống xã hội, bởi đều là mong ước chính đáng. Từ ước mong được xây dựng chiếc cầu, sửa chữa một con đường đến nhu cầu sử dụng nước sạch, vấn nạn ô nhiễm môi trường, tiếng ồn,...

Nước sạch về trong niềm hân hoan, mong đợi của người dân ở Tổ 7, 8 (thị trấn Long Hồ).
Nước sạch về trong niềm hân hoan, mong đợi của người dân ở Tổ 7, 8 (thị trấn Long Hồ).

Còn nhớ cách đây vài tháng, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại từ ông Nguyễn Kim Sơn- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Hồ.

Bên kia đường dây điện thoại, ông Sơn không giấu được niềm vui có nước sạch sau bao ngày “trông ngóng”: “Có nước sạch, bà con sẽ không phải sử dụng nước sông rất ô nhiễm, đảm bảo được sức khỏe. Chính quyền địa phương hết sức phấn khởi hòa trong niềm vui của người dân. Xin cám ơn sự phản ánh kịp thời của các anh em phóng viên rất nhiều”.

Cụ thể, trước đó qua đường dây nóng chúng tôi đã tiếp nhận lời “kêu cứu” của bà con ở Tổ 7, 8 (Khóm 1, thị trấn Long Hồ): “Chúng tôi cần nước sạch”. Vậy là anh em phóng viên lại quảy “đồ nghề” lên và tiếp tục cuộc hành trình đến với dân, lắng nghe dân.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các hộ dân ở đây chưa có nước sạch cùng cống thoát nước nên nước đọng lại, bốc mùi khó chịu đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và nguy cơ đối diện với dịch bệnh là rất lớn.

Từ bài viết, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long cho lắp đặt đồng hồ, đường ống dẫn nước phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch. Không chỉ chính quyền địa phương phấn khởi, mà bà con ở 2 tổ nói trên cũng vui mừng khôn xiết.

Cũng chuyện nước sạch, gần đây nhất là vào một ngày giữa tháng 5, chúng tôi nhận được phản ánh trường hợp hơn 50 hộ dân sinh sống tại Tổ 19 (ấp Long Thuận, xã Long Phước- Long Hồ) phải trả tiền nước sinh hoạt hao hụt ngày một cao, từ 50- 70%/tháng. Sự việc này đã diễn ra gần 10 năm nay.

Không do dự, chúng tôi đã tìm đến nơi để hiểu rõ sự việc và liên hệ với ngành chủ công là Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long về trường hợp này. Không lâu sau, phía Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long đã mời các bên liên quan đến làm việc.

Và chuyện “người dân ở đây chỉ thanh toán tiền thực tế tại đồng hồ của từng hộ và không phải đóng thêm bất cứ chi phí hao hụt,...” đã làm các hộ dân trong khu dân cư “ai cũng mừng rỡ cả”.

Nối nhịp cầu nhân ái…

Còn nhớ cuối năm 2015, chúng tôi nhận thông tin của bà con ấp Phú Yên (xã Tân Phú- Tam Bình) phản ánh việc thiếu chiếc cầu bắc qua sông Cái Tàu- Sóc Tro; cũng như tình cảnh của hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Tô Hùng Vĩ hàng ngày phải đến trường bằng xuồng nhỏ.

Trong khi sông thì sâu, nước chảy xiết lại có thêm nhiều tàu ghe thường xuyên qua lại, nguy hiểm luôn chực chờ, đe dọa sự an toàn của các em.

Thấu hiểu những bức xúc của bà con, Vinhlong online đã kịp thời phản ảnh những nguyện vọng ấy. Khi bài báo được đăng lên, chỉ sau 1 tháng, bà Loan gọi điện thông báo tin vui “có nhà hảo tâm đã liên hệ với địa phương bàn phương án xây cầu cho học sinh đến lớp” đi tìm con chữ.

Chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của bà Loan, cũng như là niềm vui của hàng trăm học sinh tiểu học nơi này.

Sau đó không lâu, chúng tôi lại tiếp tục được người dân ở Ấp 6B và ấp Phú Sơn A (xã Long Phú- Tam Bình) cho hay: “Hàng ngày, người dân 2 ấp tụi tui đi qua lại toàn bằng xuồng, còn không thì phải đi đường vòng mất hơn 3km”.

Thế nhưng điều đáng lo hơn hết chính là vào thời điểm hiện tại, việc giao thương bằng xuồng đã không còn phổ biến, những chiếc xuồng còn lại từ trước đó đã cũ kỹ, hư hỏng nhiều. Thế nên “ước mơ” về một chiếc cầu mới nối liền đôi bờ sông của người dân 2 ấp nói trên là hết sức chính đáng.

Ngay khi tiếp nhận và chuyển tải nguyện vọng của bà con nơi đây thông qua video được đăng trên trang Thông tin điện tử vào giữa năm 2016, đến đầu năm 2017, ước mơ của bà con đã thành hiện thực khi các Mạnh thường quân đầu tư xây dựng cây cầu mới với tên gọi cầu A-B.

“Có cây cầu mà cứ tưởng đang mơ. Mừng dữ lắm, có cây cầu này, việc đi lại, buôn bán gì cũng thuận lợi hết. Mấy đứa nhỏ đi học dễ dàng hơn”- chú Nguyễn Văn Bé Tám- người dân Ấp 6B xúc động cho hay.

Những chiếc cầu bê tông cốt thép được khánh thành, đã thỏa ước vọng của hàng trăm học sinh, các hộ dân và cũng là mong mỏi của Trang Thông tin điện tử Báo Vĩnh Long khi được góp phần nhỏ, để hoàn thiện hóa ước mơ đôi bờ sông được kết nối bằng những tấm lòng nhân ái.

Mỗi mảnh đời được giúp đỡ, mỗi chiếc cầu, mỗi con đường được thực hiện không chỉ là niềm vui của “người trong cuộc” mà còn là niềm hạnh phúc không sao kể xiết của những nhà báo, phóng viên chúng tôi!

 

 

Bà Lê Thị Thu Chức- Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh
Bà Lê Thị Thu Chức- Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh

"Trong suốt thời gian qua, Báo Vĩnh Long không chỉ đã kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân với chính quyền các cấp nói chung và xã Phú Thịnh nói riêng, mà còn là kênh thông tin quan trọng kết nối những tấm lòng nhân ái.

 

Cụ thể, mới đây chiếc cầu bắc qua sông Pô-Kê đã nhanh chóng được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí do các Mạnh thường quân đóng góp sau khi được báo chí viết bài kêu gọi hỗ trợ”. 

 


 

Ông Nguyễn Kim Sơn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Hồ
Ông Nguyễn Kim Sơn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Hồ

“Trong thời gian qua, phóng viên Trang Thông tin điện tử Báo Vĩnh Long đã phản ánh kịp thời những vấn đề khó khăn cho địa phương về: vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường; đầu tư cơ sở hạ tầng…

 

Qua thời gian được báo đưa tin, địa phương cũng được sự quan tâm của cấp trên đầu tư về nước sạch, vệ sinh môi trường đến nay đạt 98%.

 

Rất mong trong thời gian tới, UBND thị trấn Long Hồ cũng sẽ nhận được sự quan tâm của báo chí để kịp thời lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như đề đạt lên chính quyền cấp trên để có thể tháo gỡ những vướng mắc của bà con, góp phần đưa địa phương nhanh chóng tiến lên đạt chuẩn văn minh đô thị”.

 

  • Bài, ảnh: TRẦN NGỌC