Tăng quan tâm, thêm chia sẻ với người cao tuổi

Cập nhật, 09:25, Thứ Năm, 22/06/2017 (GMT+7)

 

Niềm vui sum họp của gia đình ông Hồ Quốc Chương.
Niềm vui sum họp của gia đình ông Hồ Quốc Chương.

Với tình thương con cháu, nhiều người cao tuổi (NCT) đang ngày càng bận bịu việc nhà, chăm sóc các cháu cho con phấn đấu làm việc, công tác.

Có thể nói, chính sự chia sẻ, động viên của NCT đã giúp cho con cháu họ an tâm làm việc, học hành trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh, con cháu cũng cần biết quan tâm, chăm sóc ông bà, cha mẹ nhiều hơn để những cây cao bóng cả tiếp tục vươn mình tỏa bóng mát, mãi là điểm tựa vững chắc cho con cháu tiến bước thành công.

Đồng thời, gia đình và xã hội cũng rất cần quan tâm những NCT đang cô đơn trước tuổi xế chiều.

Chăm sóc cháu để con an tâm phấn đấu

Để tạo điều kiện cho các con an tâm công tác, nhất là có đứa con gái vừa học vừa làm để lấy bằng tiến sĩ, ông Nguyễn Tiến Thủ- Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh đã nhận “nhiệm vụ” đưa rước 3 đứa cháu ngoại học ở 3 trường khác nhau mỗi khi cha mẹ chúng bận việc.

“Già rồi nên đi lại nhiều cũng mệt, lại thêm công việc cơ quan nên phải cố gắng. Ngoài học chính ở trường, tụi nhỏ còn đi học thêm có khi tới 8- 9 giờ đêm, lớn tuổi rồi đi đêm tui cũng thấy khó vì mắt yếu. Vì trách nhiệm với con cháu nên mình phải lo, nhưng về lâu dài tôi vẫn mong các con mình có điều kiện thăng tiến và có thời gian chăm lo con cái hơn”.

Bà Võ Thị Quân- vợ ông Thủ- thì hàng ngày vừa bán nước giải khát vừa lo cơm nước cho con cháu. “Thông thường về ăn cơm nước xong là thấy tới giờ làm rồi nên phải tính kỹ, mình có điều kiện thì giúp con cháu nếu không thì cũng sợ tụi nó bận bịu, ảnh hưởng đến công việc”- ông Nguyễn Tiến Thủ cho biết thêm.

Thương con cháu, vợ chồng ông Hồ Quốc Chương đã quyết định bán hết đất ở quê (ấp An Điền, xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) với nguồn huê lợi không nhỏ từ dãy nhà trọ cho thuê với 5,2 công vườn trồng dừa và bưởi da xanh, để lên Long Hồ tiện bề chăm sóc con cháu.

“Con cái ở đây mà mình ở dưới quê thì không an tâm. Già rồi, giữ con nít rất cực nhưng cũng phải ráng. Khi trái gió trở trời hay bệnh nhưng vợ chồng tui sẵn sàng làm tất cả để con cháu được sống tốt hơn”- ông Chương chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Trong- vợ ông Chương, “do tính chất công việc, con trai tui phải thường xuyên đi công tác, hội họp, khách khứa; còn con dâu thì dạy học ở trường; con gái tui thì vừa có con nhỏ lại phải đi học nên vợ chồng tui cũng muốn san sẻ một phần gánh nặng, hàng ngày chăm lo nhà cửa, cơm nước, phụ đưa rước và chăm sóc 3 đứa cháu”.

Để có thời gian chăm sóc gia đình là một trong những lý do bà Trương Thị Lẽ- nguyên Chủ tịch Hội NCT tỉnh- xin thôi việc để giữ 2 đứa cháu nội. Tuổi cao, tay chân thường xuyên bị đau nhức nhưng mấy đứa nhỏ suốt ngày chỉ đeo bà nội.

“Tuy rất mệt, nhưng khi nghe tiếng cười đùa của tụi nhỏ thì mình cảm thấy được vui và an ủi lắm!”- bà Trương Thị Lẽ tâm sự.

Cần quan tâm, thêm chia sẻ

Để tạo điều kiện cho các con tiếp cận môi trường học tập tốt và phấn đấu cho sự nghiệp, nên lần lượt những người con của ông Lê Thanh Xuân (ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Phước- Mang Thít) cứ học hết lớp 7 thì được chuyển lên TP Vĩnh Long đi học rồi đi làm.

“Có điều kiện phát triển sau này sẽ đỡ cho bản thân tụi nhỏ. Mới đầu chưa quen còn thấy buồn nhưng riết rồi quen, sau này chỉ có lễ, tết các con mới về đầy đủ”- ông Xuân nói.

Vợ chồng ông Huỳnh Cẩm Việu (ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước) có 5 người con. Đến tuổi lập gia đình, ai cũng ra riêng rồi tập trung phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn nên “giờ ở quê chỉ tui và bả bầu bạn, tôi mong sao có điều kiện cho con cháu về đây có sở làm để gần gũi với mình”- ông Việu tâm sự.

Vợ chồng ông Huỳnh Cẩm Việu rất mong con cháu có điều kiện về quê sống cùng ông bà và có việc làm ổn định.
Vợ chồng ông Huỳnh Cẩm Việu rất mong con cháu có điều kiện về quê sống cùng ông bà và có việc làm ổn định.

“Tuổi cao, lại thêm đủ chứng bệnh, nên nhiều lúc thấy tủi thân vì nhớ con cháu nhưng lại không có sức khỏe đi thăm. Nhưng nếu chúng về đây ở thì mình lại không nuôi được nó. Nó cũng chẳng có việc gì làm để nuôi được mình, nên đành phải chấp nhận sống như vậy”- bà Võ Thị Chín- vợ ông Việu chia sẻ.

Từ nhiều năm nay, bà Trần Thị Hoa (ấp Long Thuận A, xã Long Phước- Long Hồ) sống một mình trong căn nhà tình thương.

Thỉnh thoảng mới có con cháu về thăm. “Tui có 4 thằng con trai, nhưng vì mưu sinh phải đi làm ăn xa, tuy rất muốn ở với con cháu nhưng về đây không có việc thì tụi nó phải sống thế nào? Vừa rồi, tui bị bệnh phải nằm viện 2 tháng, nhưng chỉ có 2 đứa về thăm được đôi ngày rồi đi, còn lại phải tự lo mọi thứ”- bà Hoa tâm sự.

Theo bà Ngô Thị Hồng Lạc- Chủ tịch Hội NCT tỉnh, hiện có rất nhiều NCT cần được quan tâm, chăm sóc và chia sẻ khi tuổi cao sức yếu. Nhiều người cho rằng khi nhận quyết định nghỉ hưu, cũng là lúc NCT tiếp tục nhận “nhiệm vụ” giữ cháu hoặc vì hoàn cảnh mà phải sống xa con cháu.

Lúc “trái gió trở trời”, trong người không khỏe, NCT thường rất dễ tủi thân, nhưng những gì NCT làm đều tự nguyện vì tình thương đối với con cháu, và luôn động viên để con cháu an tâm phấn đấu cho sự nghiệp. Đây là tấm lòng cao đẹp, rất đáng được trân trọng.

Ông Dương Hữu Lời- Chủ tịch Hội NCT xã Mỹ Phước (Mang Thít): Toàn xã có 30 hộ NCT ở xa con cháu, chủ yếu sống nhờ vào tiền trợ cấp NCT và quỹ phụng dưỡng con cháu, nhưng khi có, khi không. NCT rất cần quan tâm chăm sóc về tinh thần và nguồn quỹ chăm sóc để các cụ có cuộc sống tốt hơn và cải thiện về mọi mặt.

 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI