An cư từ những căn nhà đại đoàn kết

Cập nhật, 05:20, Thứ Tư, 07/06/2017 (GMT+7)

Từ những hộ nghèo phải chạy ăn từng bữa, khi được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ nghèo ở Mang Thít đã “an cư lập nghiệp”, vươn lên thoát nghèo bền vững…

Anh Nguyễn Hoàng Sơn (bìa trái) trò chuyện với chính quyền ấp về chuyện thoát nghèo trong căn nhà đại đoàn kết.
Anh Nguyễn Hoàng Sơn (bìa trái) trò chuyện với chính quyền ấp về chuyện thoát nghèo trong căn nhà đại đoàn kết.

Chăm lo đời sống cho hộ nghèo

Theo UBMTTQ Việt Nam huyện Mang Thít, hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch phát động gây quỹ “Vì người nghèo”, từ đó thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, chương trình xây nhà đại đoàn kết đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế để có cuộc sống khá giả hơn.

Từ đầu năm đến nay, Ban vận động quỹ “Ngày Vì người nghèo” huyện đã vận động tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để xây 9 căn nhà đại đoàn kết với trên 381 triệu đồng, đồng thời gắn với chương trình an sinh xã hội được trên 1,3 tỷ đồng…

Bà Phạm Thị Lũy- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ Phước cho biết, công tác chăm lo hộ nghèo được sự quan tâm thường xuyên từ các cấp chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm từ các nguồn xã hội hóa.

Trong năm 2016, xã đã xây được 33 căn nhà đại đoàn kết, trong đó đã có 15 hộ thoát nghèo bền vững. “Địa phương đã cố gắng xây nhà ở, để người nghèo an cư lạc nghiệp.

Đồng thời tập trung cho vay vốn sản xuất, đào tạo nghề để bà con có điều kiện thoát nghèo. Hơn nữa, công tác giảm nghèo còn gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới nên được người dân đồng lòng hưởng ứng”- bà Phạm Thị Lũy cho biết.

Tính đến nay, xã Mỹ Phước đã đạt 15/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại sẽ cố gắng đạt trong năm 2017 để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo bà Phạm Thị Lũy, người dân đã dần nâng cao ý thức xây dựng nông thôn, từ đó, ý thức thoát nghèo được nâng cao, thể hiện rõ rệt hơn trong lối sống, cách làm việc…

Phó Trưởng ấp Cái Tranh Ngô Văn Sáu cho biết, đa số người dân ở ấp đều là lao động nông thôn, thu nhập bấp bênh, ấp cũng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Song, từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ nhà đại đoàn kết đã thay đổi được tư duy lao động, thoát nghèo.

Nếu như lúc trước chỉ trông cậy vào mảnh đất nhỏ hay làm lao động ở các lò gạch, thu nhập ít và ngày công lao động thì bấp bệnh, nay họ vừa làm lò gạch vừa cho các thành viên trong gia đình tham gia sản xuất thủ công mỹ nghệ hoặc mạnh dạn đi làm công ty…

Thoát nghèo từ những căn nhà đại đoàn kết

Nhiều hộ được đào tạo nghề, giúp giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững.Ảnh: TL
Nhiều hộ được đào tạo nghề, giúp giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững.Ảnh: TL

Tìm đến ấp Cái Tranh ở xã Mỹ Phước- một xã chuẩn bị hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, mới thấy được sự cố gắng của chính quyền và nhân dân, đặc biệt là ý chí vươn lên của các hộ nghèo.

Trên con đường ngoằn ngoèo chạy sâu trong những dãy lò gạch cũ kỹ, nhà anh Nguyễn Hoàng Sơn (44 tuổi) như có phần nổi bật hơn khi căn nhà mới được hỗ trợ, trong nhà cũng trang bị đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết.

Anh Sơn cho biết, được chính quyền hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình anh góp thêm 40 triệu đồng nữa để xây dựng căn nhà khang trang này.

“Từ lúc được hỗ trợ nhà, niềm tin vươn lên thoát nghèo được vực dậy, vợ chồng sớm tối đi làm công nhân lò gạch để dành tiền tiết kiệm, con gái lớn cũng đi làm công ty để đời sống ngày càng ổn định hơn. Ngoài giờ đi làm, vợ chồng còn nuôi bầy gà, trồng ít rau để tiết kiệm chi tiêu. Nhờ đó mà vừa được xã công nhận thoát nghèo”- anh Sơn mừng rỡ cho biết.

Trong khi đó, căn nhà của chú Phùng Văn Tư (59 tuổi) khang trang hơn khi gia đình quyết định vay thêm 60 triệu đồng để xây nhà vào năm 2016, tổng giá trị căn nhà gần 100 triệu đồng.

Chú Tư kể, lúc trước cũng làm lò gạch nhưng thu nhập bấp bênh, ngày có ngày không. Đến khi có nhà, vợ chồng chú bàn tính nhất quyết phải thoát nghèo nên xin vào làm ở một cơ sở lò gạch liên hoàn. Tuy đi hơi xa hơn nhưng thu nhập ổn định, nay đã xem như thoát nghèo bền vững.

Thu nhập hiện nay của cô chú khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập tương đối khá ở địa phương.

Tuy nhiên, chi tiết chú Tư kể có vẻ thích thú nhất khi ánh mắt rạng niềm vui, là: “Vay 60 triệu đồng xây nhà, nay cũng chỉ còn nợ hơn 20 triệu nữa là xong. Có nhà ở đàng hoàng, lại thoát nghèo nên ai trong gia đình cũng tự hứa sẽ tiếp tục phấn đấu…”

Bài, ảnh: KHÁNH DUY