Mẹ Nguyễn Thị Tuyết

5 lần tiễn con đi, 3 lần khóc thầm lặng lẽ

Cập nhật, 05:52, Thứ Bảy, 06/05/2017 (GMT+7)

Chúng tôi về Tam Bình thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết (ấp Phú Tân, xã Phú Lộc- Tam Bình) đúng vào ngày kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975- 30/4/2017).

Băng qua đường quê xanh mát, rợp bóng cờ đỏ sao vàng, mẹ Tuyết đón chúng tôi bằng nụ cười móm mém, hiền lành. Những câu chuyện ngày xưa lại ùa về, 42 năm rồi như mới hôm qua!

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết năm nay 95 tuổi, đã quên nhiều thứ nhưng vẫn còn nhớ rõ chuyện “đi làm cách mạng” của chồng con.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết năm nay 95 tuổi, đã quên nhiều thứ nhưng vẫn còn nhớ rõ chuyện “đi làm cách mạng” của chồng con.

Tấm gương soi lòng người chiến sĩ

Bên tách trà, mẹ Tuyết- năm nay đã 95 tuổi- và người con trai út là chú Tống Chí Công kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình. Những chuyện gần đây mẹ hay quên nhưng nhắc đến chồng, đến các con đã hy sinh mẹ lại nhớ rất rõ.

Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng hà hiếp, bóc lột nhân dân nên mẹ Tuyết và chồng vô cùng căm hận. Cưới nhau ít năm thì ông Tống Văn Thoại tham gia chống Pháp.

Mẹ nói: “Ổng nói ổng đi thì tui cũng ủng hộ dù biết nguy hiểm, khó khăn”. Rồi các con lần lượt ra đời, khôn lớn dần theo đường cách mạng.

Đôi mắt người mẹ Việt Nam anh hùng như sáng ngời khi nhắc về các con: “Đứa nào cũng mới 14, 16 tuổi đã đòi theo cha đánh giặc”.

Chiến tranh là gắn liền với đau thương, mất mát, mẹ hiểu rất rõ điều đó nhưng với mẹ, độc lập dân tộc là chuyện lớn hơn.

“Đứa nào xin đi, tui cũng cho rồi dặn: “Con đi dù chết cũng phải trung thành với Đảng, với Bác Hồ, không được một dạ hai lòng nghe”- giọng mẹ Tuyết run run.

Mẹ Tuyết không trực tiếp cầm súng ra chiến trường, mẹ nuôi chứa cán bộ, tiếp lương thực cho bộ đội và tham gia hội phụ nữ xã kêu gọi đấu tranh chính trị chống áp bức, chống chiến tranh.

Mẹ không nhớ rõ mình đã nuôi chứa bao nhiêu cán bộ, chỉ nhớ hiệu lệnh “hễ có cán bộ về thì dựng cây sào tre trước nhà, nghe có động thì hạ cây tre xuống, cán bộ tự biết rút an toàn”- vừa nói mẹ vừa chỉ tay ra hướng trước cửa.

Nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiều lần đứng trước mặt kẻ thù mẹ bình tĩnh, hiên ngang: “Năm 1968, giặc bỏ bom ở Kinh Xéo làm chết nhiều người, tui được giao nhiệm vụ dẫn chị em đi đến dinh Tỉnh trưởng đòi “ngưng nổ súng” cho dân mần ăn”- giọng mẹ Tuyết sang sảng, rồi chùng xuống “lúc đó, tui ôm theo xác chết một cháu trai mới 5 tuổi, bị trúng bom”.

Mẹ Tuyết đã cất nhà 2 lớp vách nuôi cán bộ, rồi mẹ vận động bà con kéo rau mác mở đường cho bộ đội…

Riêng ký ức của ông Tống Chí Công (sinh năm 1963)- người ở bên cạnh mẹ Tuyết từ nhỏ đến lớn thì: “Cuộc đời của tôi và mẹ là những ngày rày đây mai đó, tôi nhớ mình và mẹ đã chạy giặc cả thảy 4 lần.

Các anh chị lớn, người tham gia kháng chiến, người thì chia ra ở nhờ nhà cậu, nhà bác… mãi đến hòa bình mới sum họp thì 3 người đã hy sinh. Mẹ tôi cũng có lần bị thương nặng”.

5 lần tiễn con đi… 3 lần khóc thầm lặng lẽ

Mẹ Tuyết nói với chúng tôi, mẹ không khóc nhưng đôi mắt lại đỏ hoe khi nhắc về các con ra đi mãi không về của mình.

Bốn bức ảnh trên bàn thờ giữa nhà thì có 3 bức ảnh trẻ măng. Mẹ ôm vào lòng bức ảnh con gái Tống Ngọc Liên- người giống mẹ nhất: “Con làm cán bộ Huyện đoàn, vận động thanh niên tham gia cách mạng”- mẹ chỉ ảnh cô đang đứng trên bục phát biểu, nói thêm “ai cũng khen con đẹp và lanh lợi, nhiều đám hỏi cưới nhưng nó không bằng lòng, nói còn chiến tranh thì chỉ muốn hết lòng lo đánh giặc”.

Mẹ Tuyết kể cho cháu nội nghe những câu chuyện về con gái- liệt sĩ Tống Ngọc Liên.
Mẹ Tuyết kể cho cháu nội nghe những câu chuyện về con gái- liệt sĩ Tống Ngọc Liên.

Năm 1968, Tống Ngọc Liên hy sinh trên đường đi công tác do bị bom bừa. Ông Tống Văn Thoại hay tin về Rạch Tranh tìm xác con thì chỉ gom góp được “một thúng thịt”.

Giọng mẹ Tuyết như nghẹn lại, khi nhắc về câu chuyện đau thương của một thời ác liệt chiến tranh: “Thúng thịt đó phải... chia đôi chôn cất, vì nó còn đi chung với một đồng đội nữa!”

2 năm sau- tức năm 1970, người con gái thứ năm là liệt sĩ Nguyễn Thị Vân cũng hy sinh. Khi nhắc đến chuyện này, mẹ Tuyết nói: “Nếu được như thời bây giờ thì con Vân không chết”.

Cô Vân bị trúng bom cụt một chân. Lúc đó nhằm ngay nước cạn lối 10 giờ sáng, mãi đến 5 giờ chiều mới đến nơi, cô mất quá nhiều máu nên không qua khỏi. Chú Công nói như than: “Nếu bây giờ lên xe chạy 20 phút đã đến bệnh viện Tam Bình”.

Tống Thành Nghiệp là giao liên khi mới 14 tuổi và hy sinh năm 1971 trên đường đi công tác. Biết tin con mình hy sinh mà mẹ không tìm được xác.

Gạt nỗi đau, mẹ nhận nhiệm vụ lên đồn xin xác một người đồng đội của con về chôn. Xác ông Nghiệp bị gài dưới dạ cây ngâm, mãi nhiều ngày sau mới được phát hiện đem về chôn cất.

“Tui không khóc”- mẹ Tuyết nói vậy. Còn chú Công thì thào với chúng tôi “mẹ đợi khuya mới ngồi khóc một mình”.

Mẹ Tuyết nói: “Tui cho chồng con đi là đã biết trước có hy sinh, nhưng tui tin Đảng, tin Bác Hồ, tin có hòa bình nên không thể ích kỷ chỉ nghĩ cho mình được”. Mẹ Tuyết không khóc còn vì một lẽ “Tui, các con tui vận động thanh niên trong xóm tham gia cách mạng, tui phải vững lòng”.

Chúng tôi tạm biệt mẹ Tuyết ra về đúng gần giờ giải phóng, càng thấy yêu hơn giá trị của hòa bình. Mẹ Tuyết nói: “Cả cái xóm này lúc chiến tranh chỉ có 4 cái nhà, cái nào cái nấy như cái chòi, toàn nhà lá, lau sậy”. Nay thay bằng hàng trăm nhà tường. Con đường mòn nhỏ đầy bưng lác ngày nào giờ đã được láng nhựa, xe 4 bánh chạy bon bon…

Tôi yêu hòa bình, biết ơn những anh hùng đã hy sinh cho độc lập, tự do dân tộc. Trong đó, có mẹ và nhiều mẹ Tam Bình khác đã hy sinh núm ruột của mình. Các mẹ là tấm gương soi lòng người chiến sĩ, như mặt trời chân lý soi sáng mảnh đất Tam Bình!

Gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết có 10 thành viên thì có đến 7 người tham gia kháng chiến. Người con gái thứ hai là liệt sĩ Tống Ngọc Liên đã tham gia công tác Huyện Đoàn Tam Bình khi mới 16 tuổi. Người con thứ tư là liệt sĩ Tống Thành Nghiệp, 14 tuổi đã tham gia Ty Công an. Người con thứ năm là liệt sĩ Nguyễn Thị Vân- đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong, cô tham gia khi mới 16 tuổi. Người con thứ sáu Nguyễn Trung Thành tham gia kháng chiến chống Mỹ và người con thứ tám Tống Thành Phong, đi chiến trường K.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN