Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

Cập nhật, 08:15, Thứ Ba, 16/05/2017 (GMT+7)

 

Nếu chủ doanh nghiệp và người lao động đều nâng cao ý thức bảo hộ lao động thì sẽ tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Nếu chủ doanh nghiệp và người lao động đều nâng cao ý thức bảo hộ lao động thì sẽ tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

“Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để phòng ngừa các tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp” là chủ đề hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ I năm nay.

Các đơn vị, doanh nghiệp (DN) cần nâng cao nhận thức và xem việc bảo đảm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN) là các yếu tố quan trọng, góp phần phát triển sản xuất ổn định, bền vững; đưa pháp luật ATVSLĐ được thực thi nghiêm túc và đi vào cuộc sống.

Nâng cao công tác ATVSLĐ

Hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATVSLĐ, tùy vào điều kiện thực tế, từng địa phương, đơn vị, DN đã đề ra những giải pháp thiết thực.

Vệ sinh môi trường nghề vất vả, và đòi hỏi sự cần cù, chịu khó. Với những đặc thù của công việc như vệ sinh thu gom rác thải, vận chuyển rác thải, chống ngập, vận hành đèn chiếu sáng đô thị hợp lý, chăm sóc cây xanh,… nên các công nhân ngành này thường phải làm việc trong những môi trường ô nhiễm, độc hại và mang tính chất nguy hiểm.

Công việc đa dạng lại diễn ra ngoài hiện trường, đường phố, đông người nên vấn đề ATVSLĐ luôn được Công ty CP Công trình công cộng đặt lên hàng đầu.

Anh Trần Hữu Phúc (Tổ Cây xanh) cho biết: “Công ty hàng năm đều tổ chức cho công nhân đi tập huấn về ATVSLĐ, phát đồ bảo hộ LĐ, khám sức khỏe định kỳ, để tránh khỏi các rủi ro về tai nạn khi làm việc”.

Ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh, các DN luôn coi trọng công tác ATVSLĐ-PCCN, bởi có an toàn LĐ thì sản xuất mới có hiệu quả, đảm bảo nguồn lực LĐ được ổn định và ngày càng phát triển.

Xác định an toàn LĐ là một tiêu chí để DN phát triển bền vững, Công ty CP May Vĩnh Tiến thành lập hội đồng bảo hộ LĐ, hội đồng an toàn sức khỏe môi trường, ban an toàn LĐ- vệ sinh công nghiệp- PCCN nhằm mục đích xây dựng các nội quy, quy trình về kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, chăm sóc sức khỏe người lao động (NLĐ), phòng ngừa bệnh nghề nghiệp…

Công ty TNHH Tỷ Xuân còn tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, qua đó giải quyết các chế độ điều trị phục hồi sức khỏe cho 87 NLĐ bị suy giảm sức khỏe, bệnh nghề nghiệp. Tùy theo môi trường làm việc, NLĐ còn được cấp phát các phương tiện bảo vệ cá nhân như: quần áo, giày nón, găng tay, khẩu trang…

Công ty CP Acecook Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long ngoài việc chăm lo đầy đủ các chế độ chính sách cho NLĐ, còn đặc biệt quan tâm đến ATVSLĐ- PCCN.

Công ty tổ chức đều đặn các lớp học về ATVSLĐ-PCCN, an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn bộ công nhân trực tiếp sản xuất. Việc xây dựng các nội quy, quy trình vận hành an toàn các loại máy, thiết bị và các biện pháp làm việc ATVSLĐ được kiểm soát chặt chẽ.

Hàng năm phối hợp với Phòng Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ diễn tập phương án PCCN tại công ty.

Anh Trần Thiện Phúc (quản lý sản xuất) cho biết: “Cứ mỗi ca là có công nhân đọc “phát thanh” phổ biến ATVSLĐ-PCCN đến các khu vực sản xuất. LĐ công ty luân phiên đọc như vậy nên ai ai cũng nắm chắc nguyên tắc này để phòng ngừa tai nạn LĐ”.

Tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ

Từ năm 2017, Chính phủ quyết định lấy tháng 5 hàng năm là Tháng hành động về ATVSLĐ, đồng thời chuyển từ Tuần lễ ATVSLĐ sang Tháng hành động về ATVSLĐ. Đây là dịp để cả nước và từng địa phương nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ.

Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong tháng 5 này, sở tăng cường phối hợp với các ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát ATVSLĐ-PCCN tại các DN; trong đó tập trung vào những DN có nhiều LĐ, trong quá trình sản xuất có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại và dễ phát sinh cháy nổ.

Doanh nghiệp và người lao động phải coi việc thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Doanh nghiệp và người lao động phải coi việc thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Các đoàn sẽ kiểm tra toàn diện về các mặt ATVSLĐ- PCCN; kiên quyết xử lý những hành vi thiếu trách nhiệm và vi phạm các tiêu chuẩn, kỹ thuật về ATVSLĐ, nhất là các trường hợp để xảy ra tai nạn LĐ nặng, chết người và cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hội tiếp tục thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ- PCCN đến DN và NLĐ.

Ngành tăng cường hỗ trợ đối với DN, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các giải pháp đảm bảo tốt việc tổ chức, củng cố bộ máy làm công tác bảo hộ LĐ trong đơn vị; tập huấn các kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ- PCCN.

Các DN trên địa bàn lập kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ- PCCN cụ thể và cam kết thực hiện tốt công tác này; tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác bảo hộ LĐ, từng bước cải thiện điều kiện làm việc, mua sắm trang thiết bị sản xuất hiện đại và an toàn, thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, giám sát công tác bảo hộ LĐ trong đơn vị để hạn chế tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ trong sản xuất.

Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ I năm 2017, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương trình ATVSLĐ tỉnh Vĩnh Long- cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, kể từ năm nay, Tháng hành động về ATVSLĐ sẽ được duy trì tổ chức vào tháng 5 hàng năm.

Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự tuân thủ pháp luật của các cấp, các ngành, người sử dụng LĐ và NLĐ, nhân dân trong lĩnh vực ATVSLĐ. Ông yêu cầu các cấp, ngành, chủ DN và NLĐ mọi ngành nghề quan tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu đảm bảo ATVSLĐ như kế hoạch đặt ra.

 

Năm 2016, tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 3 vụ tai nạn LĐ làm 3 người tử vong. Do vậy, việc trang bị thiết bị phòng hộ LĐ, phòng cháy chữa cháy ở các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh cần đảm bảo chất lượng, không nên mang tính chất đối phó.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN