Ghi nhớ công lao- Đền ơn đáp nghĩa

Cập nhật, 11:59, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” những năm qua, bên cạnh việc giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công, tỉnh Vĩnh Long còn có nhiều chương trình, nhiều việc làm tình nghĩa giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng vươn lên ổn định cuộc sống. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Cơ (92 tuổi, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Cơ (92 tuổi, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).

Mẹ không đơn độc

Trong 2 cuộc kháng chiến, Vĩnh Long đã có hơn 16.000 liệt sĩ ngã xuống vì độc lập tự do. Đó cũng là ngần ấy nỗi đau thầm lặng, là sự hy sinh của hàng chục ngàn người mẹ anh hùng.

Những hy sinh vô cùng to lớn của các mẹ đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của lịch sử dân tộc. Và mẹ chính là niềm yêu kính, tự hào của lớp lớp người sau.

Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ sau ngày giải phóng đến nay, Vĩnh Long đã có 16 đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” cho 2.812 bà mẹ.

Nhớ về mẹ của mình- Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tình, cô Nguyễn Thị Bé (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) rưng rưng nước mắt: “Tiếc là má tui bệnh mất năm ngoái rồi, nhưng chắc ở nơi chín suối má tui cũng mãn nguyện lắm”.

Từ vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đã góp phần cùng ngân sách thực hiện xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa cho gia đình có công.
Từ vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đã góp phần cùng ngân sách thực hiện xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa cho gia đình có công.

Ba của cô Bé là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Truyền, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc đó cô vừa tròn 1 tuổi. Anh trai cô- liệt sĩ Nguyễn Văn Bé- mà mẹ cô nhận được tin con trai 14 tuổi của mình hy sinh trong trận càn quét của giặc.

“Má kể, ảnh còn nhỏ mà gan lắm, xung phong bắn xe tăng của giặc. Sau trận càn đó, giặc chôn vùi xác mấy chục người, má hỏi thăm mà không tìm thấy xác của anh.

Lúc nhận tin anh mất, tui mới 11 tuổi và đang giữ em mướn trên Sài Gòn. Thời đó nhà nghèo dữ lắm, về an ủi má được mấy hôm, tui lại xa má để đi mần. Má buồn, khóc hoài. Má chỉ ước tìm thấy hài cốt của anh”- cô Bé tâm sự.

Nhiều năm qua, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn được tỉnh quan tâm. Đối với các đơn vị phụng dưỡng, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là đạo lý thiêng liêng.

Đối với gia đình các mẹ, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các ban, ngành, đoàn thể là nguồn động viên an ủi quý báu. Trong chiến tranh, các mẹ đã mất đi những người con yêu quý, bù lại, giờ đây các mẹ có rất nhiều đứa con, thường xuyên thăm viếng, chuyện trò.

Đó là niềm vui tinh thần giúp các mẹ vơi đi nỗi đau, sống thanh thản tuổi già. Cảm xúc vui sướng, tự hào vẫn còn vẹn nguyên trên gương mặt Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhứt (80 tuổi, ấp Quang Huy, xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm): “Tâm nguyện, ước mơ trong đời được một lần ra Thủ đô vào Lăng viếng Bác, được tận mắt thấy Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Mẹ hạnh phúc lắm con ơi!”

Mẹ Nhứt là 1 trong 3 Mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Vũng Liêm được ra viếng Lăng Bác Hồ vào tháng 8/2016. Mẹ Nhứt tâm sự: “Được nhìn thấy Bác, ai ai trong đoàn cũng rưng rưng nước mắt. Mẹ đi chầm chậm để khắc sâu hình ảnh của Bác trong tim mình”.

Đền ơn đáp nghĩa

Chúng ta là những người may mắn được thừa hưởng nền độc lập, tự do, luôn tự dặn lòng mình phải làm gì để góp phần xoa dịu nỗi đau trong lòng các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Chúng ta là những người may mắn được thừa hưởng nền độc lập, tự do, luôn tự dặn lòng mình phải làm gì để góp phần xoa dịu nỗi đau trong lòng các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Thời gian qua, Vĩnh Long ra sức huy động cộng đồng xã hội đóng góp để xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở.

Nhờ thực hiện tốt công tác này, từ năm 1975 đến nay, Vĩnh Long đã xây dựng và sửa chữa trên 14.400 căn nhà cho gia đình chính sách, với tổng kinh phí gần 225 tỷ đồng.

Tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở.

Căn nhà tình nghĩa của ông Nguyễn Văn Minh (78 tuổi, thương binh 3/4, xã Thuận Thới- Trà Ôn) nằm bên vườn cây rợp mát. Ông bước khập khiễng bởi những năm tháng tham gia du kích xã trong kháng chiến chống Mỹ, ông bị cụt mất chân trái, phải mang chân giả.

Ông cười hiền: “Được sửa lại nhà, tôi mừng lắm, có chỗ đàng hoàng thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vui (Ấp 9, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) đón tết trong căn nhà khang trang và ấm áp tình nghĩa. Bà Vui xúc động: “Là con liệt sĩ, đó giờ cũng được hưởng chế độ đầy đủ. Tết rồi còn được Phó Chủ tịch nước cùng chính quyền đến tặng nhà khang trang, tặng quà. Tui ăn tết rất vui”.

Với chủ trương “Tất cả gia đình người có công phải có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”, nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã không ngừng triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp các gia đình chính sách ổn định và nâng cao đời sống.

Không chỉ ưu tiên cho vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi phát triển sản xuất, tỉnh còn thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về dạy nghề, ưu tiên cho con, em liệt sĩ, thương binh, người có công, qua đó, giúp ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, các gia đình chính sách, có công với cách mạng.

Ngoài thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, còn phải giáo dục thế hệ trẻ hiểu về nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với lịch sử hào hùng của dân tộc, noi gương sự hy sinh cao cả của những anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng để viết tiếp những trang sử vàng trong tiến trình đưa đất nước đi lên trong thời kỳ hội nhập.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Phan Thị Mỹ Hạnh

Toàn tỉnh có hơn 50.000 người có công, 2.812 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 235 mẹ còn sống. Những năm qua, công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng đến hết đời và 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân của người dân nơi cư trú. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long đang phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN