Tích cực hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm

Cập nhật, 11:36, Thứ Năm, 16/02/2017 (GMT+7)

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn thời gian qua đã được các ngành, các cấp, Hội LHPN huyện Tam Bình triển khai đồng bộ, toàn diện, là đòn bẩy tạo đà cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 

Nghề đan lục bình đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ nông thôn thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nghề đan lục bình đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ nông thôn thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn đạt hiệu quả cao, hàng năm Hội LHPN chỉ đạo các hội cơ sở tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tới đông đảo cán bộ hội, hội viên phụ nữ, trong đó tập trung tuyên truyền các chế độ chính sách đối với người lao động nông thôn, hộ nghèo, dân tộc, người tàn tật…

Đồng thời, hội thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và trên cơ sở đó thực hiện phối hợp mở lớp đào tạo nghề, tích cực vận động lao động nữ học nghề, chủ động giới thiệu việc làm, xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ phù hợp cho chị em.

Tính trong 5 năm qua, Hội LHPN huyện Tam Bình đã mở được 221 lớp dạy nghề, trên 6.300 chị tham gia, giới thiệu việc làm trên 4.400 lao động với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Hội còn phối hợp với các đơn vị có liên quan giới thiệu việc làm cho gần 7.700 người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, còn duy trì và phát triển các mô hình tạo việc làm tại chỗ như đan dây nhựa, đan giỏ nilon, đan lục bình,…

Với các mô hình trên, Hội LHPN huyện Tam Bình đã giải quyết việc làm cho trên 13.800 lao động nữ, góp phần đáng kể vào kết quả thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại địa phương.

Từ các mô hình hoạt động có hiệu quả, có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 13 làng nghề (1 làng nghề bánh tráng giấy ở xã Tường Lộc, 12 làng nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ tập trung ở xã Hậu Lộc, Ngãi Tứ, Bình Ninh).

Hỗ trợ phụ nữ
thoát nghèo bền vững

Để giúp phụ nữ có công ăn việc làm và tăng thu nhập, ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, các cấp Hội LHPN tập trung khai thác các nguồn vốn, ngoài vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, còn huy động các nguồn vốn tại chỗ như vốn heo đất, vốn tiết kiệm, vốn xoay vòng,...

Bình quân mỗi năm có trên 7 tỷ đồng giúp cho chị em vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.

Để tạo điều kiện thuận lợi giúp chị em phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Hội LHPN còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho trên 10.200 chị em, giúp các chị nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhờ các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm của các cấp Hội LHPN, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vượt khó vươn lên của nhiều chị em, trong 5 năm qua, đã có 1.773 hộ phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 692/748 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.

Điển hình như chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (ấp An Thạnh B, xã Bình Ninh), trước đây là hộ nghèo, sau khi học nghề đan lục bình, chị vừa đan gia công vừa cắt lục bình để bán nguyên liệu.

Hiện thu nhập của chị hàng tháng trên 2 triệu đồng và gia đình chị đã thoát nghèo, có điều kiện cho con cái học hành đến nơi, đến chốn.

Chị Thạch Nhan (xã Loan Mỹ) cũng là hộ nghèo thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất khó khăn. Khi được dạy nghề và tạo việc làm, mỗi ngày chị nhận hàng gia công từ HTX thủ công mỹ nghệ đan lục bình về làm, mỗi tháng thu nhập khoảng 2,2 triệu đồng.

Chị vui mừng: “Mừng lắm vì cuộc sống đã bớt túng thiếu, nuôi con cái được ăn học đàng hoàng hơn, cũng nhờ sự giúp đỡ từ các chị phụ nữ”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Bình cho biết, trong năm nay mục tiêu quan trọng của công tác dạy nghề cho phụ nữ nông thôn là sau học nghề phải có được việc làm. Để thực hiện được điều này thì phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các hợp tác xã, các khu công nghiệp để liên kết tìm việc làm ổn định cho các chị.

Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn phối hợp với các ngành, các cấp đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho lao động nữ tại cộng đồng phù hợp với khả năng, trình độ và đặc thù phát triển kinh tế ở địa phương, tạo cơ hội để chị em phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, giúp giảm nghèo, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội.

Bài, ảnh: HẢI YẾN