Phỏng vấn

Nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu tìm việc làm của lao động nông thôn

Cập nhật, 13:45, Thứ Ba, 13/12/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, nên việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở tỉnh Vĩnh Long đã có những bước chuyển đáng kể.

Hàng ngàn LĐNT trên địa bàn tỉnh đã được học nghề, trên 82% học viên có việc làm sau khi đào tạo.

Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trò chuyện với ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh về hiệu quả của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT.

Ông Võ Văn Tám cho biết: Về kết quả triển khai thực hiện đề án, đã có sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể chính trị- xã hội tại các địa phương;

đồng thời cũng đã hình thành một số các liên kết ngày càng nhiều giữa cơ sở đào tạo- chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc vận động chiêu sinh, tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm cho LĐNT.

Trong công tác hướng dẫn tự tạo việc làm cho LĐNT đã có sự phối hợp với các chủ trang trại, nông dân sản xuất giỏi, chủ các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cách thức lập nghiệp.

Do đó, giai đoạn từ năm 2010 đến cuối năm 2016, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức được 2.653 lớp đào tạo nghề cho 76.691 LĐNT.

Riêng năm 2016, do thực hiện chủ trương đề án giai đoạn 2016- 2020, chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và tập trung đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và tạo nguồn xuất khẩu lao động, do đó hiệu quả giải quyết việc làm đạt 87,9% cao hơn kết quả thực hiện giai đoạn 2010- 2015.

*Xin ông cho biết những mục tiêu cần tập trung để nâng cao hiệu quả của đề án giai đoạn 2016- 2020?

- Để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2016- 2020, các ban ngành, đoàn thể trong BCĐ thực hiện đề án cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác khảo sát, quy hoạch ngành nghề LĐNT.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu tìm việc làm của LĐNT.

+ Đối với việc đào tạo nghề để LĐNT tự tạo việc làm tại địa phương, cần tổ chức đào tạo gắn với mô hình thực tế, mô hình điển hình; quá trình đào tạo phải gắn kết với những công việc thực tế, công việc cụ thể của ngành nghề, gắn với điều kiện sản xuất và công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Phối kết hợp tốt với các doanh nghiệp trong việc thực hiện cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, vật tư, cây giống, con giống cho LĐNT có điều kiện lao động sản xuất được ổn định, đồng thời phải thực hiện tốt việc tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm làm ra.

+ Đối với đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cần chú trọng thực hiện các chế độ chính sách của doanh nghiệp hỗ trợ cho LĐNT trong thời gian đào tạo nghề.

+ Đối với LĐNT có nhu cầu học nghề để tìm việc làm tại các khu công nghiệp, khu đô thị,… Cần thực hiện tốt công tác tư vấn ngành nghề, công việc làm, mức thu nhập trước khi tổ chức đào tạo; giới thiệu việc làm, hướng dẫn LĐNT cách khai thác thông tin tuyển dụng lao động của Sàn giao dịch việc làm,… để LĐNT có thể tìm kiếm việc làm phù hợp được thuận lợi và nhanh chóng hơn.

+ Đối với LĐNT có nhu cầu học nghề để tham gia xuất khẩu lao động, cần tập trung đào tạo nghề, đồng thời đào tạo ngoại ngữ, chú trọng giáo dục định hướng về pháp luật lao động, phong tục, tập quán của các nước sẽ đi làm việc. Ngoài ra, cần thực hiện công tác giới thiệu việc làm để LĐNT tìm kiếm việc làm phù hợp trong thời gian chờ ký hợp đồng xuất khẩu lao động.

Giải pháp 3: Thực hiện đồng bộ, phối hợp giữa đào tạo nghề cho LĐNT với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

- Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp, chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn tỉnh để góp phần thu hút, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động của tỉnh; thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án với đề án đào tạo nghề cho LĐNT nhằm mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nhất cho LĐNT học nghề.

- Gắn kết công tác đào tạo nghề cho LĐNT với xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế nông thôn toàn diện và hợp lý bao gồm cả nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ,… góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho LĐNT. Đẩy mạnh liên kết với các làng nghề truyền thống trong đào tạo nghề và tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên cho vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh hoặc tham gia xuất khẩu lao động.

- Kết hợp với công tác khuyến nông và khuyến công; cung cấp vốn, hỗ trợ thiết bị, kỹ thuật, nguyên nhiên vật liệu,… cho LĐNT, giúp họ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

- Tăng cường hợp tác trong tiêu thụ nông sản, khuyến khích thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra, thực hiện tốt công tác bao tiêu sản phẩm,… tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của LĐNT.

* Xin cảm ơn ông!

SÔNG TRĂNG (thực hiện)