Hướng đến mục tiêu "90- 90- 90"

Cập nhật, 15:16, Thứ Bảy, 03/12/2016 (GMT+7)

Cả nước đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư và hướng đến mục tiêu “90- 90- 90” (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút, 90% người nhiễm đã được điều trị và kiểm soát được số lượng vi rút ở mức sống thấp) để kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030, bằng việc không ngừng kiện toàn hệ thống phòng chống HIV/AIDS, cũng như các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người bệnh.

Nhóm nghiện chích ma túy có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên việc cai nghiện càng sớm càng tốt. Trong ảnh: Bệnh nhân đang uống thuốc Methadone để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Nhóm nghiện chích ma túy có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên việc cai nghiện càng sớm càng tốt. Trong ảnh: Bệnh nhân đang uống thuốc Methadone để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Tuy nhiên, theo ngành y tế thì sự lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn phức tạp, nếu chủ quan thì nguy cơ bùng nổ dịch bệnh là rất cao.

Lây nhiễm HIV có chiều hướng tăng

Theo Sở Y tế Vĩnh Long, trung bình mỗi năm toàn tỉnh phát hiện mới 130 trường hợp nhiễm HIV. Tính đến 31/10/2016, đã ghi nhận 2.755 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.497 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 782 trường hợp tử vong.

TP Vĩnh Long là nơi có người nhiễm HIV cao nhất với 978 trường hợp, kế đến là TX Bình Minh 404 trường hợp và thấp nhất là huyện Mang Thít 143 trường hợp.

Cũng trong năm 2016, có 125 trường hợp xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, tăng 47 trường hợp so cùng kỳ.

Trong đó, số người nghiện chích ma túy phát hiện nhiễm HIV tăng 8 trường hợp, bệnh nhân lao tăng 8 trường hợp, 9 trường hợp phụ nữ đang mang thai,… Đặc biệt, có 11 trường hợp nhiễm HIV từ vợ hoặc chồng, trong khi năm 2015 không phát hiện trường hợp nào.

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế), điều này cho thấy tình hình lây nhiễm HIV trong tỉnh đang có chiều hướng gia tăng.

Nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai bắt đầu tăng, điều này dự báo số trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng sẽ tăng trong thời gian tới.

Thêm nữa là số trường hợp nhiễm mới trong nhóm đối tượng nghiện chích ma túy cũng khá cao (tăng 8 trường hợp) và nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu có chiều hướng tăng cũng là thực tế đáng lo ngại.

Tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới vẫn cao hơn nữ giới, đa số nằm trong độ tuổi từ 26- 49. Điều này dự báo tình hình lây nhiễm HIV qua đường tình dục có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, can thiệp nhằm giảm tác hại trong nhóm người nhiễm mới và truyền thông về phòng chống HIV trong cộng đồng.

Hướng đến mục tiêu “90- 90- 90”

Năm nay, Việt Nam tiếp tục hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90- 90- 90”.

Tức là, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.

Theo Bộ Y tế, nếu đạt được 3 mục tiêu trên thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng, điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.

Người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh thì từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Út- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phòng chống HIV/AIDS, nhưng tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn phổ biến. Và đây được xem như nguyên nhân cơ bản làm tăng số người nhiễm.

Trong khi thực tế đã chứng minh, người nhiễm HIV vẫn sống khỏe trong thời gian dài, vẫn có thể giúp đỡ gia đình và cống hiến cho xã hội.

Nhiều người còn là tuyên truyền viên tích cực phòng chóng căn bệnh này. Cho nên, việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không thể làm hạn chế được sự lây lan của căn bệnh này mà còn khiến nó trở nên khó kiểm soát hơn.

Theo ngành y tế, HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan, điều đó có nghĩa là căn bệnh này vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

Để thực hiện thành công việc phòng chống HIV/AIDS và đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- chỉ đạo cơ quan chức năng phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ từ truyền thông, thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của mọi người đến với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.

Bên cạnh, lồng ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình phòng chống các tệ nạn ma túy, mại dâm.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 2 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế TX Bình Minh. Từ đầu năm đến nay, đã xét nghiệm cho trên 1.500 người, phát hiện 64 trường hợp dương tính. Những trường hợp này đã được chuyển đến phòng khám ngoại trú người lớn và phòng khám lao để được quản lý, chăm sóc và điều trị.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH