Hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất!

Cập nhật, 09:28, Thứ Tư, 01/06/2016 (GMT+7)

“Trẻ em như búp trên cành”. Trẻ em là tương lai của đất nước. Vì vậy, chăm lo cho trẻ em về vật chất, tinh thần là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ở Vĩnh Long, thời gian qua, vấn đề quyền trẻ em, cũng như việc chăm sóc bảo vệ trẻ em được thực hiện có hiệu quả. Song, trong quá trình thực hiện, vẫn cần nhiều sự quan tâm hơn nữa…

Trẻ em như búp trên cành, cần được chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Trẻ em như búp trên cành, cần được chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Hành động vì trẻ em

Thời gian qua, công tác chăm lo cho trẻ em, mà đặc biệt là trẻ em nghèo luôn được chú trọng. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước thì các cơ quan, ban ngành và các địa phương trong tỉnh đã vận động nguồn lực xã hội, cùng chăm lo hỗ trợ để trẻ em vượt khó.

Hai anh em Nguyễn Hoàng Duy và Nguyễn Thị Yến Nhi (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) mồ côi cha đã hơn 6 năm. Gia đình nghèo, cha mất lại càng khó khăn hơn… Cả 3 mẹ con phải sống bằng tiền làm thuê, làm mướn.

Từ sự vận động của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TX Bình Minh, các em được hỗ trợ gạo, tặng xe đạp, quần áo, sách vở,… để có điều kiện sống tốt hơn và được đến trường.

Em Huỳnh Mai Trung Nam (lớp 7/4, Trường THCS xã Hòa Lộc- Tam Bình) có hoàn cảnh đáng thương. Nhà nghèo, công việc làm thuê của cha Nam bữa có bữa không. Còn mẹ Nam thì đan lục bình để có thể chăm sóc con gái lớn bị bệnh não úng thủy do nhiễm chất độc da cam.

Nam tâm sự: “Em thương chị Hai lắm, không học là em làm bạn chơi với chị suốt hà. Em còn dạy chị bập bẹ đọc chữ nữa. Em cố gắng học giỏi để được nhận học bổng phụ tiền học cho mẹ cha”.

Năm 2015, tỉnh Vĩnh Long tổ chức diễn đàn trẻ em để lắng nghe trẻ em nói. Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em.

Đây cũng là điều kiện để các em được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và thảo luận về các quyền của trẻ em, được đề đạt những tâm tư, nguyện vọng của mình; góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội về quyền trẻ em, vị trí, vai trò của trẻ em, từ đó hiểu được những điều trẻ em muốn nói và có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ. Đây cũng là dịp để các cấp, ngành lắng nghe ý kiến của các em để xây dựng chính sách chăm sóc, giúp đỡ trẻ em.

“Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”

Song, trong quá trình thực hiện quyền trẻ em, cũng như các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cơ sở cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Tình trạng ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm xa đã dẫn tới hậu quả là trẻ em bị tước quyền được sống chung với cha mẹ, quyền được cha mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Trong số đó đã có nhiều trẻ em bị thiệt thòi, không được đi học, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, không được nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Nhiều em đã bị ngược đãi, hành hạ, ép buộc sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị tai nạn thương tích (TNTT), vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng.

Các em có quyền được có ý kiến.
Các em có quyền được có ý kiến.

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức các lớp dạy bơi chống đuối nước cho trẻ em. Song, tình trạng trẻ em bị chết đuối vẫn còn diễn ra.

Theo Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, đuối nước được cho là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Giai đoạn 2011- 2015, tỉnh Vĩnh Long có 6.029 em bị TNTT, chiếm tỷ lệ 2,83%, trong đó có 102 em bị tử vong. Trẻ tử vong do đuối nước chiếm tỷ lệ 85,2% so tổng số trẻ em tử vong.

Còn theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), mỗi tháng vẫn còn khoảng 518 trẻ em và những người chưa đến tuổi vị thành niên bị TNTT. Trong đó, cứ mỗi tháng, lại có khoảng 18 trẻ em vĩnh viễn ra đi vì các loại tai nạn, mà tỷ lệ chết vì đuối nước chiếm hàng đầu.

“Tháng hành động vì trẻ em” năm 2016, với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, vừa được Bộ LĐ-TB và XH phát động.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, nguyên nhân chính trẻ bị TNTT vẫn là sự bất cẩn của người lớn và sự thiếu ý thức, kỹ năng của trẻ em. Để giảm thiểu tình trạng TNTT cho trẻ em, Phó Chủ tịch nước đề nghị cả xã hội và gia đình cần tích cực vào cuộc hơn nữa.

Nhà trường, các tổ chức đoàn thanh niên… cần đưa vào dạy các kiến thức, kỹ năng sống cho các em nhiều hơn nữa. Phải liên tục thanh- kiểm tra để xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh,… gây mất an toàn đối với cộng đồng, nhất là trẻ em.

“Các em học sinh, ngoài việc phấn đấu thành con ngoan, trò giỏi, cần tích cực học tập, rèn luyện các kỹ năng sống để vừa tự bảo vệ bản thân mình, hỗ trợ bạn bè, vừa có sức khỏe để học tập, đóng góp cho quê hương, đất nước”- Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắn nhủ.

 

Vĩnh Long có hơn 240.000 trẻ em, chiếm trên 23,4% dân số, trong đó có 3.572 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Có 95% trẻ dân tộc nghèo; trẻ nghèo và cận nghèo; trẻ khuyết tật; con thương binh, gia đình chính sách khó khăn được trợ giúp đi học thông qua chính sách miễn giảm học phí và hàng ngàn suất học bổng “Tiếp sức đến trường”; nhận đỡ đầu nuôi dưỡng, giúp đường đến trường của các em bớt chông chênh.

 

Trong năm 2015, tỉnh huy động trên 55 tỷ đồng thực hiện chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như phẫu thuật tim, phẫu thuật nụ cười; tổ chức trại hè; vận động xây nhà, tặng học bổng, khám bệnh, cấp phát gạo, tặng quà;…

 

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN