San sẻ lòng nhân ái, tương trợ giáo viên bệnh hiểm nghèo

Cập nhật, 11:04, Thứ Ba, 31/05/2016 (GMT+7)

 

Không chỉ vận động hỗ trợ, cô Bạch Vân (phải) còn thường xuyên đến động viên cô Hồng vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Không chỉ vận động hỗ trợ, cô Bạch Vân (phải) còn thường xuyên đến động viên cô Hồng vượt qua khó khăn, bệnh tật.

“Mỗi khi ai gặp khó đều có Công đoàn xuất hiện để động viên, giúp đỡ”- đó là lời chia sẻ chân tình của công đoàn viên (CĐV) khi nói về mô hình “Nâng cao niềm tin của quần chúng về tổ chức Công đoàn qua việc vận động tương trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB-GV-NV) ngành giáo dục bị bệnh hiểm nghèo” do cô Trần Thị Bạch Vân- Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục vận động.

“Vị thần tốt bụng”

Trong cơn mưa chiều nặng hạt, tôi theo chân cô Bạch Vân đến thăm cô Trịnh Thị Diên Hồng (Phường 8- TP Vĩnh Long). Trông cô Hồng tươi tỉnh khác hẳn với 2 năm về trước- khi mới phẫu thuật trị bệnh viêm thận mãn.

Cô Hồng nói: “Sau khi giải phẫu xong, mỗi tháng tôi phải tốn hơn 5 triệu đồng tiền thuốc và truyền dịch mỗi ngày. Cũng nhờ có cô Vân cùng Công đoàn động viên, hỗ trợ kịp thời đã giúp tôi từng bước vượt qua bệnh tật”.

Khi còn là GV Trường THCS- THPT Trưng Vương, cô Hồng thường xuyên mệt mỏi, chán ăn và ngất xỉu, tới khi kiểm tra sức khỏe thì mới biết mình bị bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối và phải tức tốc chạy chữa.

Ngày nhận tiền hỗ trợ, cô Hồng mừng rơi nước mắt: “Người bệnh thường rất tủi thân, được Công đoàn quan tâm, tôi cảm thấy rất ấm lòng, đặc biệt là cô Vân không kể nắng hay mưa, thường xuyên tới an ủi, động viên”.

Bị bệnh tăng huyết áp, nhồi máu não, đa hồng cầu nhưng không đủ tiền chạy chữa, thầy Trần Văn Hiếu- Hiệu phó Trường THCS thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh) đành phải “chịu trận” vì đã tạm ứng lương rất nhiều nên ngại tạm ứng thêm.

Ngày cô Vân cùng Công đoàn ngành đến hỗ trợ, ông đã mệt tới mức ngồi dậy không nổi, phải đi cấp cứu. Cũng nhờ số tiền hỗ trợ kịp lúc mà giờ đây ông đã khỏe mạnh và trở lại công việc.

Khi hay tin cô Trương Mỹ Dung- GV Trường THPT Nguyễn Thông bị bệnh nặng mà chưa kịp huy động tiền đóng góp trong ngành, cô Vân đã vận động người thân, gia đình và hàng xóm được 5 triệu đồng và đến để tạm ứng trước tiền hỗ trợ.

Cô Dung vui mừng: “Công đoàn như vị thần tốt bụng, mỗi khi có ai gặp khó khăn là Công đoàn luôn xuất hiện để động viên, giúp đỡ”.

“Nghe cô nói thế, tôi vừa xúc động, vừa ái ngại. Bởi, việc tôi giúp cô là tình cảm chân thành, là trách nhiệm của tôi. Thế nhưng, câu nói của cô như nhắc nhở tôi hãy sống gần gũi, chia sẻ với mọi người, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao...”- cô Bạch Vân bộc bạch.

Tuy nhiên, điều làm cô Bạch Vân trăn trở mãi là: “Cô Dung đã ra đi rất nhanh trong cơn bạo bệnh, trong khi tôi chưa kịp trở lại thăm”.

Cô Bạch Vân (thứ 2, bên trái) cùng Công đoàn ngành hỗ trợ trên 70 triệu đồng cho cô Nguyễn Thị Ngọc Bích- giáo viên Trường Mầm non Măng Non (Tam Bình) bị u mạch thành họng phải điều trị dài hạn.
Cô Bạch Vân (thứ 2, bên trái) cùng Công đoàn ngành hỗ trợ trên 70 triệu đồng cho cô Nguyễn Thị Ngọc Bích- giáo viên Trường Mầm non Măng Non (Tam Bình) bị u mạch thành họng phải điều trị dài hạn.

Tạo niềm tin, hỗ trợ công đoàn viên

Theo cô Bạch Vân, trong một lần đến cơ sở, tôi nhận ra nhiều CB-GV-NV chưa thực sự cảm nhận Công đoàn là tổ ấm, là niềm tin để mọi người bộc bạch tâm sự nguyện vọng chính đáng của mình.

 

 
Năm 2015, cô Bạch Vân được UBND tỉnh tặng bằng khen, được Đảng bộ Sở GD-ĐT tỉnh khen thưởng tiêu biểu xuất sắc. Giai đoạn 2012- 2015, cô được Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Là cán bộ Công đoàn, tôi tự nhắc mình phải gần gũi, thân thiện với đồng nghiệp, để mọi người xem Công đoàn là tổ ấm, là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Từ đó, để tạo niềm tin của mọi người về tổ chức Công đoàn và gắn kết các CĐV, cô Bạch Vân thường xuyên thăm hỏi cán bộ công đoàn đã về hưu.

Trong một lần cô Bạch Vân đến thắp hương cho cô Nguyễn Thị Hoa- trước đây là CB chuyên trách Công đoàn ngành giáo dục đã qua đời.

Khi đó, người em của cô Hoa đã siết chặt tay cô Bạch Vân và nói: “Chị tôi đã mất lâu rồi, nhưng cô Vân và Công đoàn vẫn còn nhớ đến, đã giúp tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp...”.

Từ những tình cảm chân thành đó, cô Bạch Vân đã tham mưu quyên góp, hỗ trợ cho CĐV bị bệnh hiểm nghèo và trực tiếp đến thăm từng người một. Ngày cô Bạch Vân đến thăm ông Lê Văn Cò- GV Trường Tiểu học Mỹ Hòa C, vợ chồng ông đã bật khóc vì cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo của Công đoàn.

Cô Bạch Vân nói, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nội dung “gắn bó với nhân dân”, tôi đã cụ thể hóa thông qua mô hình “Nâng cao niềm tin của quần chúng về tổ chức Công đoàn qua việc vận động tương trợ CB-GV-NV trong ngành giáo dục bị bệnh hiểm nghèo”.

Từ việc vận động toàn ngành giáo dục đóng góp từ năm 2012- 2014, Công đoàn ngành đã tương trợ 36 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, bình quân mỗi người nhận 37 triệu đồng. Riêng năm 2015, đã vận động được trên 468 triệu đồng và đã tương trợ 6 trường hợp, bình quân mỗi người nhận trên 70 triệu đồng.

Theo cô Bạch Vân, mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều lắm, nhưng nó mang ý nghĩa rất lớn, vừa động viên tinh thần vừa giúp GV giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống và an tâm công tác, vừa tạo tình đoàn kết gắn bó, chia sẻ nỗi đau trong đội ngũ CB-GV-NV.

Những người làm công tác giáo dục, công tác Công đoàn đều có chung nỗi lòng trăn trở trước niềm đau, nỗi buồn của đồng nghiệp trong cơn bạo bệnh.

Từ những việc làm thiết thực, mỗi người đều nhận được tình cảm ấm áp của đồng nghiệp và ấn tượng tốt của tổ chức Công đoàn. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về ý chí vượt khó về tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

BVL_a (6).JPG
 Cô Trần Thị Bạch Vân:

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cơ hội để mỗi người tự hoàn thiện nhân cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là niềm vinh dự và tự hào đối với tôi”.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI