Sách Việt 2016 - Bạn đọc chờ sự thay đổi

Cập nhật, 15:33, Thứ Hai, 25/01/2016 (GMT+7)

Liên tiếp vài năm gần đây, môi trường văn hóa đọc trong nước có những diễn biến bất thường ở chỗ người mua sách, đọc sách có xu hướng gia tăng nhưng sách, nhất là sách văn học trong nước, lại vẫn giậm chân tại chỗ.

Hệ quả của thực tế này là văn hóa đọc đang chịu một thử thách khi người đọc trở nên bối rối trước một rừng sách để lựa chọn, mà trong đó tình trạng “vàng thau lẫn lộn” không phải hiếm.

Bội thu hồi ký, tự truyện

Ngay những ngày đầu năm, môi trường văn hóa đọc trong nước chứng kiến một câu chuyện không mấy vui vẻ. Cuốn tự truyện Thương Tín - Một đời giông bão bị chỉ trích kịch liệt vì nội dung bị cho là phản cảm.

Đánh giá về sự việc này, một nhà văn nổi tiếng cho rằng, việc phê phán không phải vì cá nhân tác giả hay bản thân cuốn tự truyện, ở đây việc phê phán nhằm một mục đích quan trọng hơn là ngăn chặn việc xuất hiện những cuốn tự truyện kiểu như vậy.

Đưa những chuyện cá nhân, những chuyện mà chỉ người trong cuộc mới biết đúng sai, để hấp dẫn bạn đọc, thỏa mãn những người tò mò về đời tư các nhân vật nổi tiếng chưa bao giờ được xem là một thể loại văn học. Giá trị tư tưởng, văn chương rất hữu hạn nhưng hệ lụy, sự tiêu cực lại vô hạn.

Thế nhưng, loại sách này đang có khuynh hướng nở rộ vì dễ viết, dễ thu hút bạn đọc nếu các nhân vật là người của công chúng, đó là chưa kể nhiều trường hợp người viết thực hiện tác phẩm không phải vì mục đích kinh doanh mà chỉ đơn thuần để… trả thù, để thỏa mãn những bức xúc cá nhân.

Bạn đọc chọn mua sách
Bạn đọc chọn mua sách

Thực ra thể loại tự truyện như vậy không phải hiếm trong thị trường sách Việt Nam. Bạn đọc đã từng biết đến cuốn sách viết về vị chủ tịch một hội chuyên ngành được miêu tả như một kẻ thủ đoạn và gian dối với những miêu tả không thể cụ thể hơn được. Hay một tác phẩm viết về lãnh đạo một tờ báo với những chi tiết mà ai đọc cũng biết đó là ai và ở tờ báo nào.

Tuy nhiên, do nhân vật trong sách không phải người của công chúng nên chỉ những ai trong giới mới hiểu tác giả nhắc đến ai, nhưng cũng vì thế những tác phẩm này mau chóng biến mất vì bạn đọc bình thường sẽ không hiểu tác giả muốn chuyển tải tư tưởng gì khi vùi dập nhân vật chính nhiều đến thế.

Theo cách nhìn nhận sơ lược của các nhà phê bình thì “cận văn học” (paraliterature) là những tác phẩm đẩy lên hàng đầu chức năng nhận thức hoặc chức năng giải trí, giáo dục, dự báo… khác với các tác phẩm văn học thường đặt tính thẩm mỹ lên hàng đầu.

Năm 2015 được xem là năm của những tác phẩm như vậy, dĩ nhiên không chỉ những tác phẩm dở, có vấn đề mà còn nhiều tác phẩm hay, được bạn đọc yêu mến. Thế nhưng, không thể phủ nhận một thực tế là các tác phẩm dạng này hiện đang quá nhiều, chiếm một phần quan trọng trong thị phần sách văn học trong nước.

Có đơn vị làm sách lý giải rằng, bạn đọc có nhu cầu thì sách mới bán được và trong tình hình hiện nay, khi dòng văn học thuần túy còn quá thiếu thốn thì việc tìm đọc các dạng sáng tác “cận văn học” vốn dễ viết, dễ đọc, đa dạng… là điều hiển nhiên.

Nguy cơ bão hòa

Nhìn vào những giải thưởng, tặng thưởng của các hội nhà văn lớn nhất nước như Hà Nội và TPHCM năm 2015, có thể thấy vẫn chưa có tín hiệu lạc quan nào về sự thay đổi cho văn học trong nước. Không phải các tác phẩm được giải không xuất sắc, không hay thậm chí ngược lại, một số tác phẩm được đánh giá khá cao như Mình và họ (giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2015) của Nguyễn Bình Phương được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về chiến tranh biên giới phía Bắc và hậu chiến tranh.

Hội Nhà văn TPHCM trao cho truyện dài Về cô gái ấy của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, một tác phẩm khá lạ khi viết về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của một người phụ nữ có thân hình không như mong muốn.

Thế nhưng, từ hai tác phẩm được giải của hai thành phố nổi tiếng có sức sáng tác mạnh mẽ để có thể phản ánh được trào lưu sáng tác mới lại gần như không thể. Đề tài chiến tranh chưa bao giờ dứt, nó luôn có một lượng bạn đọc cần thiết để tồn tại nhưng đây cũng là mảng sáng tác rất khó có sự đột biến khi các tác giả phần lớn vẫn là thế hệ trước, những người đã trực tiếp hay gián tiếp trải qua chiến tranh. Trong khi đó, thế hệ sáng tác trẻ vẫn còn ngại ngùng, né tránh đề tài này, trừ một số cây bút quân đội hay một vài tác giả hiếm hoi tìm sự đột phá.

Nhưng ngay các tác giả trẻ cũng chưa tạo được ấn tượng, sau sự bùng phát mạnh mẽ của các cây bút trẻ với dòng sáng tác lãng mạn dành cho người đọc trẻ trong thời gian qua thì đến cuối năm 2015, các sáng tác của họ đã chững lại.

Điều này cũng không phải là bất ngờ khi ngay từ khi các tác giả trẻ đang làm mưa làm gió trên thị trường sách, nhiều nhà phê bình đã cảnh báo là lối viết hoàn toàn theo cảm xúc cá nhân có thể hấp dẫn nhất thời nhưng nếu không có sự thay đổi, đi sâu hơn vào tâm lý thì các sáng tác dạng này sẽ mau chóng gây chán cho bạn đọc.

Cho đến nay, lời cảnh báo này đã thành sự thật khi các tác giả trẻ vốn rất nổi tiếng sau thành công vang dội trước đây giờ đang bối rối tìm kiếm hướng đi mới.

Cũng chính vì sự thiếu hụt những sáng tác mới, những dòng tác phẩm thực sự tạo nên tiếng vang lớn nên khi đánh giá thị trường sách năm nay, hầu hết các nhà làm sách đều thừa nhận rằng khả năng cao vẫn là năm của dòng tự truyện, tản văn…

Điều này càng được minh chứng khi trong buổi ra mắt Đường sách TPHCM đầu năm 2016, các tác phẩm tự truyện, tản văn vẫn chiếm vị trí quan trọng nhất trên gian hàng của các đơn vị xuất bản. Thế nhưng, một lời cảnh báo đã được đưa ra rằng, mảng sách này đang có xu hướng bão hòa, nhu cầu của bạn đọc đang chững lại và nếu tiếp tục không có những dòng sáng tác khác thay thế thì thị trường sách văn học Việt có nguy cơ chững lại sau một thời gian phát triển khá mạnh mẽ.

Theo http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2016/1/410268/