Sử dụng đèn xe với văn hóa giao thông

Cập nhật, 07:04, Thứ Tư, 25/11/2015 (GMT+7)

Trong ứng xử văn hóa giao thông, có nhiều vấn đề cần phải ứng xử đúng mực. Bên cạnh tiếng kèn xe, việc sử dụng đèn pha khi tham gia giao thông cũng cần phải có văn hóa. Sử dụng đèn chiếu sáng không đúng lúc, đúng chỗ không những làm khó chịu mà còn có thể gián tiếp gây tai nạn cho người khác.

Về đêm, không gian Vĩnh Long sáng rực đèn chiếu sáng đô thị, dưới đường môtô cũng thi nhau mở đèn pha chiếu xa sáng rực.
Về đêm, không gian Vĩnh Long sáng rực đèn chiếu sáng đô thị, dưới đường môtô cũng thi nhau mở đèn pha chiếu xa sáng rực.

Đèn chiếu sáng (đèn pha) là một linh kiện không thể thiếu trên phương tiện xe cơ giới (ôtô, môtô, xe máy và cả xe máy điện). Đèn pha dùng để người điều khiển phương tiện xe cơ giới sử dụng chiếu sáng khi đi trong thời tiết có sương mù dày đặc, đi ban đêm. Đèn pha trên phương tiện xe cơ giới, nhà sản xuất thiết kế có 2 chế độ chiếu gần và chiếu xa (cốt, pha), đây cũng là 2 nguyên tắc mà người điều khiển phương tiện cần biết để sử sụng đúng lúc, đúng nơi để đảm bảo ATGT.

Luật Giao thông đường bộ quy định: Không sử dụng đèn chiếu xa trong khu vực đô thị, khu đông dân cư; sử dụng đèn chiếu gần khi tránh xe đi ngược chiều, trong hầm đường bộ.

Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều người không biết sử dụng, hoặc cố tình không biết cứ luôn luôn để chế độ chiếu xa khi trời tối; điều này gây chói mắt cho người điều khiển phương tiện đi chiều ngược lại, dễ dẫn đến TNGT.

Thậm chí hiện nay một số người sử dụng môtô bỏ bóng đèn của nhà sản xuất mà thay bằng bóng đèn Led có ánh sáng trắng và cường độ ánh sáng mạnh hơn đèn của nhà sản xuất theo kết cấu của xe, rồi lại không sử dụng nguyên tắc chiếu gần, chiếu xa; điều này dễ chói mắt và dẫn đến tai nạn, khi không quan sát được chướng ngại vật phía trước.

Không ít người đã từng gặp phải cảm giác khó chịu khi đi trong phố mà bị một chiếc xe máy, hay ôtô đi ngược chiều rọi đèn pha vào mặt. Đặc biệt là đang chạy môtô trên đường giao thông ở những nơi không có đèn chiếu sáng bị xe đi chiều ngược lại pha đèn thẳng vào mặt gây chói mắt, phải dùng tay che rồi loạng choạng, hết sức nguy hiểm.

Ông An Phương (Hội Văn học nghệ thuật) bức xúc khi nói về chiếc đèn pha: Có nhiều lúc đang đi đường ban đêm, khi gặp xe đi chiều ngược lại, còn khoảng 50m mình đã lịch sự chủ động chuyển từ đèn pha sang chế độ cốt, nhưng họ vẫn điềm nhiên để đèn lướt tới chĩa thẳng vào mặt mình.

Có nhiều trường hợp còn thảm hơn, khi gặp xe gắn đèn sáng trắng có cường độ mạnh nhưng họ cũng chiếu thẳng vào mặt, buộc phải dừng xe đột ngột cho họ qua, nhưng mất khoảng 3 giây mắt mới trở lại bình thường. “Những người lắp đèn sáng trắng là ích kỷ với người khác. Để đèn chế độ chiếu xa khi qua mặt ngược chiều nhau là xử sự thiếu
văn hóa”.

 

Một thợ sửa xe đang lắp đèn Led cho khách hàng.
Một thợ sửa xe đang lắp đèn Led cho khách hàng.

Tất nhiên, đèn đã được thiết kế ra thì phải có những tính năng, hiệu quả riêng của nó. Trước hết, đèn pha cho cường độ sáng lớn và chiếu xa giúp người vận hành nhìn thấy những chướng ngại vật từ xa ngay cả khi đi ở tốc độ cao. Khi di chuyển vào ban đêm, bạn có thể sử dụng đèn pha bình thường.

Tuy nhiên, khi gặp xe ngược chiều nên giảm tốc độ và chuyển sang đèn cốt cho tới khi xe đi ngược chiều đã đi qua.

Hay trong khu vực đô thị, khu đông dân cư đã có đèn chiếu sáng (đèn đường) vào ban đêm, phương tiện tham gia giao thông sử dụng đèn để người khác nhận biết mình đang di chuyển chứ không phát huy được việc quan sát như trong đường tối, vì vậy cần luôn để đèn chế độ cốt để không gây khó chịu cho người khác.

Thượng tá Nguyễn Văn Bé- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Luật đã quy định việc sử dụng đèn chiếu xa đúng cách, để đảm bảo ATGT; trong nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ cũng có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp sử dụng đèn pha không đúng quy định.

Các cơ sở dạy lái xe cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đèn trên phương tiện cơ giới. Đối với những trường hợp sử dụng đèn không đúng quy định, lực lượng chức năng phát hiện sẽ xử lý theo luật định.

Anh Minh- kỹ thuật viên Công ty Honda cho biết: Hiện các dòng xe của Honda không lắp đèn Led, để đảm bảo ATGT. Trường hợp hiện nay một số xe sử dụng đèn Led do người sử dụng tự lắp, thay đổi bóng vì đèn bóng Led sáng hơn.

Tuy nhiên, lắp bóng đèn Led tốn kém hơn vì những loại xe thông thường có ắc quy nhỏ phải thay bình lớn để đủ điện cung cấp cho bóng đèn. Mặt khác, với những dòng xe không tương thích, không trùng với đuôi đèn cần phải chế lại hoặc thêm phụ kiện hỗ trợ, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến độ an toàn.

Sử dụng đèn cũng như kèn xe cần xử sự có văn hóa, văn hóa giao thông, là một phần văn hóa xử sự chung. Khi điều khiển phương tiện, chúng ta nên sử dụng kèn xe, đèn xe đúng kỹ thuật, đúng nơi, đúng chỗ, thể hiện có văn hóa giao thông. Đừng xử sự theo kiểu tự do bản năng, để gây cho người cùng tham gia giao thông sự khó chịu và còn có thể gián tiếp gây tai nạn cho người khác.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, các cơ quan, ban ngành khi tuyên truyền về ATGT, đừng quên chi tiết hướng dẫn, nhắc nhở mọi người sử dụng đèn pha đúng cách, đúng nguyên tắc tham gia giao thông, đúng nguyên lý bảo đảm ATGT của nhà sản xuất. Và sử dụng đèn xe đúng quy định cũng là thể hiện văn hóa giao thông.

 

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể tại khoản 13: Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ:

- Đối với ôtô: Phạt từ 600.000- 800.000đ bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư; Không sử dụng đủ đèn chiếu sáng khi trời tối hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. Phạt tiền từ 800.000- 1.200.000đ đối với người điều khiển xe chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.

 

- Đối với môtô, xe máy: Phạt từ 60.000- 80.000đ sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều; Phạt từ 80.000- 100.000đ bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư.

 

Bài, ảnh: HÙNG HẬU