Đào tạo nghề lao động nông thôn: Hướng tới nhu cầu người lao động và xã hội

Cập nhật, 15:08, Thứ Tư, 25/11/2015 (GMT+7)

 

Trong các lớp dạy nghề thì lớp may công nghiệp là mô hình khá thành công từ Đề án 1956.
Trong các lớp dạy nghề thì lớp may công nghiệp là mô hình khá thành công từ Đề án 1956.

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) ở tỉnh Vĩnh Long đã đạt được hiệu quả đáng kể trên cơ sở thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và gắn kết với mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, việc đào tạo nghề được tổ chức theo địa điểm, các mô hình sản xuất tại các xã, thị trấn đã tạo thuận lợi, thu hút khá đông người LĐ tham gia.

Cùng với đào tạo nghề tập trung tại các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề, các cơ sở đào tạo còn chủ động tổ chức đào tạo lưu động tại các xã, cụm xã với các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của người học, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đề án đào tạo nghề LĐNT thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu LĐNT.

Đặc biệt, nhận thức về học nghề của lực lượng LĐ ở các huyện thị trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Qua quá trình thực hiện giai đoạn 2010 đến ước thực hiện năm 2015, toàn tỉnh đã triển khai tổ chức được 2.299 lớp dạy nghề cho hơn 68.000 LĐNT ở khu vực nông thôn.

Trong đó: số LĐNT có được việc làm sau học nghề là 54.107 người, đạt 80,60% so với tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề.

Có thể thấy, các chương trình mục tiêu về đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững đang được tỉnh triển khai đồng bộ là những hành động thiết thực góp phần khơi dậy các nguồn lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tạo việc làm nâng cao đời sống nhân dân.

Để đề án này thực hiện có hiệu quả, các địa phương đã hết sức chú trọng việc điều tra, rà soát nắm chắc thực trạng của các ngành nghề và nhu cầu đào tạo nghề từng địa bàn, làm tốt công tác quản lý và thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, không để sót, nhầm đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tiếp tục đầu tư khôi phục các nghề thủ công truyền thống, nhân rộng nghề mới để tạo nhiều cơ hội việc làm cho LĐ và người nghèo. Rõ ràng, việc gắn kết các chương trình đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo là hết sức quan trọng.

Vì vậy, các cơ sở đào tạo, dạy nghề chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy nghề và thực hành, có trách nhiệm giới thiệu việc làm cho học sinh sau đào tạo.

Ở thời gian đầu thực hiện đề án, các lớp dạy nghề cho LĐNT chỉ tập trung vào những ngành tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt… nên thu hút được số ít LĐ tham gia. Qua các năm, các ngành nghề càng được mở rộng sang các lĩnh vực may công nghiệp, công nghệ thông tin, điện dân dụng, hàn, tiện…

Điều này cho thấy, các cơ sở đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực, thích ứng với nhu cầu học nghề của người LĐ và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhờ đó, số lượng LĐ qua đào tạo có việc làm chiếm tỷ lệ ngày càng cao, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (Long Hồ) cho biết, chị học nghề xử lý hình ảnh để có nghề nghiệp ổn định, học nghề này sẽ bổ sung thêm về chuyên môn công nghệ thông tin để có việc làm tốt sau khi đào tạo.

Từ những hình thức đào tạo này đã giúp LĐNT nắm vững được những kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản trong sản xuất chăn nuôi, nhiều LĐ đã qua đào tạo ở các ngành nghề.  Nhờ đó, hàng trăm LĐ tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giúp người LĐ tự tạo việc làm mới cho mình và cho gia đình.

Trong đó, một số người đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng kinh doanh riêng, như anh Nguyễn Quốc Thuận (thị trấn Tam Bình) là một ví dụ.

Sau khi tham gia lớp sinh vật cảnh do địa phương tổ chức, anh Thuận đã thực hiện ước mơ của mình là mở cửa hàng kinh doanh hoa lan, vừa thực hiện niềm đam mê của mình với loài cây kiểng này, vừa kinh doanh để phát triển kinh tế.

Sau hơn 1 năm hoạt động, hiện tại, sản phẩm của anh không chỉ bán cho khách hàng ở địa phương mà còn phát triển khắp các tỉnh, thành trong cả nước nhờ sự linh hoạt trong kinh doanh của mình.

Với mong muốn học nghề để có được công ăn việc làm ổn định, chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng chồng, năm 2010, chị Lê Thị Hồng Xuyến đã tham gia học lớp may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm huyện Tam Bình tổ chức. Sau khi kết thúc khóa học, chị Xuyến được Trung tâm giới thiệu vào làm việc ở xưởng may tại điạ phương với mức lương khởi điểm trên 3 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm việc, nhờ có tay nghề cao nên chị được làm tổ trưởng xưởng may, hướng dẫn lại cho các công nhân may theo mẫu từ đơn đặt hàng của đối tác. Hiện cuộc sống kinh tế của gia đình chị khá ổn định, con cái có điều kiện được đến trường.

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh ta giai đoạn từ 2010 đến nay đã có những bước đi phù hợp với nhu cầu của người LĐ cũng như nhu cầu của xã hội. Đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh ta không còn cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống mà thực hiện theo đơn đặt hàng của người dân.

Người dân được chủ động chọn ngành nghề và thời gian học. Ở các vùng nông thôn, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, vì thế việc đẩy mạnh các lớp dạy chăn nuôi, trồng trọt sao cho phù hợp với xu thế phát triển khoa học kỹ thuật để gia tăng năng suất là rất cần thiết.

Thực tế, trước đây nhiều nông dân cũng chỉ nuôi trồng theo kinh nghiệm, năng suất không cao. Do đó, khi qua các lớp đào tạo nghề, nhà nông đã được trang bị kiến thức sâu hơn, cơ bản hơn.

Nhiều người sau khi được học nghề đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh và tự chủ trong việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình...Qua đó, có nhiều mô hình đã đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho LĐNT.

Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, nhờ sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa giữa các ngành, các cấp và địa phương mà dự án đào tạo nghề trong 5 năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực, mức thu nhập của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể.

Trong giai đoạn 2016- 2020, dự án này sẽ được triển khai mạnh mẽ trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo yêu cầu. Đồng thời, các cơ sở đào tạo củng cố đội ngũ giáo viên giảng dạy và cơ sở vật chất, để nguồn LĐ đã qua đào tạo phải đủ về lượng và mạnh về chất.

Bài, ảnh: MAI ANH