Áp dụng nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh

Cập nhật, 15:59, Thứ Tư, 15/07/2015 (GMT+7)

Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng bộ tiêu chí đánh giá các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) Việt Nam, đạt chuẩn khách sạn theo hướng phát triển bền vững. Khái niệm này đã xuất hiện trong những năm 90 của thế kỷ trước ở nhiều quốc gia như: Úc, Mỹ, Pháp, Nhật, Thái Lan, nhưng vẫn còn rất mới ở Việt Nam, nó được gọi là khách sạn xanh hay CSLTDL xanh.

Khách sạn REX được cấp nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh và nhãn xanh ASEAN.
Khách sạn REX được cấp nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh và nhãn xanh ASEAN.

Du lịch “xấu xí”

Năm 2014 vừa qua, trong bối cảnh chịu tác động đáng kể từ suy thoái khủng hoảng và sự suy giảm của một số thị trường truyền thống, nhưng ngành du lịch vẫn đón được 7,9 triệu lượt khách quốc tế, 38,5 triệu lượt khách nội địa. Cùng với sự lớn mạnh của ngành du lịch, các CSLTDL đã được đầu tư nâng cao chất lượng, phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình, góp phần tạo nên sức hấp dẫn chung của sản phẩm du lịch Việt Nam, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ngoài 2 loại hình khách sạn thành phố và nhà nghỉ du lịch, đã hình thành khách sạn nghỉ dưỡng (resort), căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch (homestay), tàu thủy lưu trú du lịch, làng du lịch... ở khắp các địa danh trong nước. Hiện cả nước có hơn 18.600 đơn vị, với sức chứa 350.000 buồng (gấp 5 lần so với năm 2001), đã góp phần phục vụ thành công những sự kiện trọng đại của quốc gia và quốc tế, cũng là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách. Không nằm ngoài sự phát triển chung, khu vực ĐBSCL giai đoạn 2008- 2014, cũng đạt tăng trưởng trung bình 15%/năm về CSLTDL, với tổng số trên 1.500 cơ sở và khoảng 30.000 buồng (hơn gấp 2 lần so với năm 2008).

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Sự phát triển với quy mô lớn và tốc độ nhanh của CSLTDL ở Việt Nam những năm gần đây, đang xuất hiện những yếu tố đi ngược với sự phát triển bền vững. Nhiều vùng, điểm du lịch truyền thống nổi tiếng, có tiềm năng phải chịu nhiều áp lực khá lớn từ khía cạnh môi trường”. Đó là việc xuất hiện các hiện tượng, quá trình ô nhiễm gây hủy hoại môi trường, sự xuống cấp của môi trường kinh tế, xã hội và nhân văn, sự suy giảm đến mức báo động có thể gây cạn kiệt nhiều dạng tài nguyên, các yếu tố môi trường tự nhiên, sinh thái.

Những hạn chế về mặt nhận thức đã làm giảm hiệu quả kinh tế mà du lịch mang lại, có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Trước thực trạng đó, vấn đề phát triển bền vững trong các CSLTDL cần được giải quyết nghiêm túc, sao cho vừa kinh doanh có hiệu quả cao, nhưng phải đảm bảo có trách nhiệm với sự phát triển bền vững. Hạn chế tối đa hình ảnh du lịch “xấu xí” đã và đang diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước.

Kinh doanh có trách nhiệm

Hiện ở Việt Nam, những CSLTDL được cấp nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh sớm nhất, đa phần là hệ thống của các tập đoàn khách san cao cấp như: Rex, Đồng Khởi, Sheraton Sài Gòn, Sheraton Hanoi, Sunrise Nha Trang, Tre Xanh Bên Cảng (Đà Nẵng), The Nam Hai (Quảng Nam), Mường Thanh Cần Thơ... Đó là hệ thống khách sạn chuẩn từ 4- 5 sao, được xác định rõ ràng mục tiêu phát triển du lịch bền vững, gắn với lợi ích cộng đồng, bằng những nỗ lực trong mọi hoạt động kinh doanh thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác điều hành và quản lý.

Ông Phan Thanh Long- Phó Giám đốc điều hành khách sạn Rex (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Từ năm 2010, khách sạn đã thực hiện gấp rút các dự án liên quan đến năng lượng. Cụ thể: xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời cung cấp năng lượng đốt nóng hệ thống máy nước nóng trong khách sạn; thay các bóng đèn led, compact tiết kiệm điện; lắp đặt các bộ phận cảm ứng tự động tắt đèn ở khu vực công cộng khi không có người sử dụng; sử dụng hệ thống làm lạnh inverter; cài đặt độ lạnh trung bình trong hệ thống phòng ngủ để giảm tải...”. Một trong những giải pháp xanh táo bạo được sự hoan nghênh của du khách quốc tế, đó là thiết kế Vertical Garden vào cuối năm 2013, với hơn 30 chủng loại cây xanh. Tổng diện tích xanh bao phủ hơn 600m2 ở 2 vách tường chính của khu vườn, đã tạo nên cảnh quan xanh mát và cũng là lá phổi tự nhiên của khách sạn.

Ngoài ra, một số giải pháp hay đang được áp dụng ở các khách sạn cao cấp, đã tạo được thiện cảm với du khách, đẩy mạnh thương hiệu của tập đoàn. Khách sạn Đồng Khởi tập trung cho những giải pháp khoa học, hiện đại nhằm tiết kiệm cho hệ thống chiếu sáng. Khách sạn Sheraton Saigon góp phần cải thiện môi trường bằng việc giảm lượng khí thải, giảm lượng nước thải; đồng thời phân loại rác thải độc hại và giao nhận cho cơ quan có chức năng xử lý. Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ thực hiện theo quan điểm những việc làm nhỏ xây dựng nên ý thức lớn, như: in những dòng chữ kêu gọi tiết kiệm, bảo vệ môi trường lên những sản phẩm sử dụng trong khách sạn; đồng thời tẩy chay những sản phẩm sử dụng hóa chất không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, kêu gọi sử dụng hàng Việt Nam... Đây là một trong những khách sạn hiếm hoi ở ĐBSCL đạt chuẩn “4 sao cộng” và đang trong quá trình hoàn thiện tiêu chí nâng lên thành 5 sao.

Theo đánh giá của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, một số khách sạn hội viên đã tích cực tham gia áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và được cấp chứng chỉ ISO 14001, chứng nhận đạt chuẩn quốc tế hoặc nhãn Eurcheck của Châu Âu về môi trường, được tặng danh hiệu khách sạn xanh ASEAN và được cấp nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh từ cấp độ 1 đến cấp độ 5 theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong số các hội viên của hiệp hội, đặc biệt phải kể đến các khách sạn hội viên 4- 5 sao. Đây là những khách sạn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong lĩnh vực lưu trú du lịch.

Việc áp dụng nhãn sinh thái hay nhãn du lịch bền vững đã được thực hiện rộng rãi từ nhiều năm qua tại Châu Âu, khu vực Bắc Mỹ, Thái Lan. Hy vọng trong thời gian tới, nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh sẽ được triển khai rộng rãi tại Việt Nam; thể hiện quyết tâm phát triển bền vững của ngành du lịch, của khối CSLTDL của Việt Nam.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG