Tạo sân chơi an toàn cho trẻ

Cập nhật, 14:23, Chủ Nhật, 29/03/2015 (GMT+7)

Vụ việc bé trai 5 tuổi bị diều cuốn lên cao khoảng 20m rơi xuống đất tử vong khi đang chơi gần con diều khổng lồ tại Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) và 2 thiếu nhi bị thương khi chơi tàu lượn siêu tốc ở Cà Mau là 2 tai nạn thương tâm khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Những sân chơi tuy nhỏ nhưng sáng tạo, an toàn và hấp dẫn luôn là niềm khao khát của trẻ và nỗi mong mỏi của nhiều bậc phụ huynh.

Nguy hiểm “rình rập” trẻ từ cánh diều

Chiều 15/3, tại khu vực cánh đồng diều Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), bé Văn Minh Đạt (5 tuổi) đứng xem “diều khổng lồ” của CLB diều chuẩn bị đi tham dự Festival diều thì bị cuốn theo cánh diều dài 18m. Theo người dân có mặt ở khu vực thả diều, cháu Đạt bị cuốn lên độ cao khoảng 20m rồi rơi xuống đất.

Trẻ nhỏ lên bậc cao của Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân để thả diều rất nguy hiểm.
Trẻ nhỏ lên bậc cao của Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân để thả diều rất nguy hiểm.

Mặc dù, cháu bé được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Theo lời mẹ cháu bé, do có việc bận nên nhờ đứa cháu trông hộ hàng giải khát, cháu Đạt chơi với những người thả diều mới xảy ra sự việc trên.

Tại Vĩnh Long, vào thời điểm này, ở Quảng trường TP Vĩnh Long, Công viên Sông Tiền hay khoảng đất trống, ruộng đồng từ thành thị đến nông thôn đều có thể trở thành “sân diều” cho trẻ em đến vui chơi, thả diều.

Ngoài những hình ảnh trẻ con chạy tung tăng, cười nói rôm rả, mắt long lanh dõi theo cánh diều đầy sắc màu thì có những hình ảnh không đẹp, có thể gây tai nạn nếu trẻ em bất cẩn hay người lớn lơ là không nhắc trẻ. Tại Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân, để đón gió cho diều bay cao, một số trẻ em và người lớn ra phía cánh gần tượng đài để thả diều rất nguy hiểm. Nếu mải mê theo diều thì tai nạn do sẩy chân té xuống đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, phụ huynh đi theo trẻ và bảo vệ công viên nên lưu ý không cho mọi người ra đứng trên cao thả diều. Buổi chiều tại cầu Thiềng Đức cũng có trẻ em ra thả diều, nếu sơ ý trẻ có thể bị tai nạn giao thông hay diều dễ mắc vào đường dây điện, gây chập điện và có thể bị điện giật. Trẻ ở nông thôn thì sông rạch nhiều, trẻ em tự do vui chơi, ít có người trông nom nên khi vui chơi, thả diều, tai nạn do đuối nước có thể xảy ra.

Cần sân chơi an toàn cho trẻ

Thiếu sân chơi là một trong những lý do khiến cho tình trạng trẻ bị tai nạn, thương tích (đuối nước, bỏng, tai nạn giao thông…) gia tăng. Do đó, việc tìm kiếm, lựa chọn một sân chơi an toàn cho trẻ em nhằm tránh những rủi ro không đáng có là điều các phụ huynh cần phải quan tâm.

Cuối tuần, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên có đông đảo phụ huynh và trẻ nhỏ đến vui chơi.
Cuối tuần, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên có đông đảo phụ huynh và trẻ nhỏ đến vui chơi.
 

Chị Trần Thanh Phương (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho biết: “Ở TP Vĩnh Long, bé Bi (7 tuổi) thích đi chơi ở nhà thiếu nhi, công viên thành phố. Song, ở đây trò chơi cũng chỉ quanh quẩn thú nhún, nhà banh, máy bay, xe điện đụng, thảm bay, nhà hơi, câu cá,... Riêng nhà thiếu nhi còn có khu trò chơi cảm giác mạnh nhưng bé Bi còn nhỏ nên chị không cho chơi: “Mỗi lần bé chơi máy bay, câu cá, tô màu, tôi đều ngồi chơi cùng con”.

Còn anh Quốc Chiến cho biết: “2 hồ bơi ở thành phố thì nhỏ hẹp song hầu như lúc nào cũng kín đặc trẻ em trong những ngày hè, nên chúng tôi thường gọi là… hồ lội. Đến cho con nhỏ bơi lội, tập bơi tránh tai nạn đuối nước, cha mẹ cần phải theo sát con mới yên tâm”.

Tại các công viên, dọc bờ kè sông Tiền xuất hiện dịch vụ cho thuê xe xích lô, xe lôi. Với những chiếc xích lô mini, các bé thỏa sức vận động đạp xe thong dong hóng mát và vừa nghe những bản nhạc sôi động được gắn trên xe. Trò chơi đạp xích lô còn giúp trẻ nâng cao tính kỷ luật, tự giác và tăng cường khả năng quan sát, phản xạ nhanh khi xử lý các tình huống trong lúc đạp xích lô. Song, nhiều trẻ còn nhỏ chưa làm chủ được chiếc xích lô. Do đó, chủ dịch vụ cho thuê xích lô mini cần chọn kích cỡ xích lô phù hợp hơn với trẻ, nhắc nhở các em chạy chậm để giữ an toàn. Đặc biệt, cho xe xích lô lưu thông trên đường bờ kè quá nguy hiểm vì lưu lượng xe nơi đây khá đông.

Vụ việc 2 thiếu nhi ở TP Cà Mau bị thương nặng khi chơi tàu lượn siêu tốc vào tối 13/3 khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Do vậy, khi dẫn con đến khu vui chơi, cha mẹ cần phải quan sát kỹ các trò chơi đó có an toàn cho con mình không? Cần cho trẻ chơi các trò chơi đúng theo độ tuổi để đảm bảo độ an toàn cho trẻ. Theo bác sĩ chuyên khoa, với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, không nên cho trẻ chơi các trò mạo hiểm vì trẻ khóc điếng người, sợ hãi khóc thét có thể gây ra ngưng thở, dẫn đến đột tử. Trẻ động kinh có thể lên cơn co giật khi chơi những trò cảm giác quá mạnh. Riêng những trẻ mới chập chững biết đi, người lớn phải giám sát, nâng đỡ trẻ khi chơi. Những trò chơi mạo hiểm, cảm giác mạnh dễ khiến trẻ nhỏ bị hội chứng rung lắc dẫn đến chóng mặt, thậm chí chấn động não. Những sân chơi tuy nhỏ nhưng sáng tạo, an toàn và hấp dẫn luôn là niềm khao khát của trẻ và nỗi mong mỏi của nhiều bậc phụ huynh để giúp con trẻ không sa đà “cắm mặt” vào những thiết bị số, những trò chơi không lành mạnh.

Thiết nghĩ, để tăng sân chơi cho trẻ, cần dành quỹ đất để xây dựng khu vui chơi, sân chơi cho trẻ ở nơi thuận tiện và tốt nhất. Rất cần thiết xây dựng một nhà hát, một rạp phim dành riêng cho trẻ. Những lớp “học mà chơi”, để phát huy năng khiếu, trí tuệ, vừa phát hiện tài năng vừa làm phong phú tâm hồn trẻ em. Mà nhiều việc chỉ cần quan tâm tổ chức, hơn là đòi hỏi về vấn đề kinh phí. Đồng thời, nâng cấp các sân chơi đang bị xuống cấp, xây dựng sân chơi nhỏ mà chất lượng ở trong khuôn viên nhà văn hóa, khu dân cư và nên xã hội hóa việc xây sân chơi bằng cách kêu gọi doanh nghiệp, huy động sự đóng góp của nhiều người.

Trên thế giới có quy tắc “5 không” khi thả diều, đó là: không thả diều ở đường dây điện, đường giao thông, sân bay, nơi đông người và gây ảnh hưởng đến môi trường.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN