Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Cập nhật, 06:45, Thứ Hai, 10/11/2014 (GMT+7)


Chư tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam dâng hương tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.

Gần 5.000 tăng ni, Phật tử TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã tham dự Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông do Trung ương Giáo hội Phât giáo Việt Nam phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 9-11 tại Chùa Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh).

Dự lễ có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; các Phó pháp chủ GHPG Việt Nam: Thích Hiển Pháp; Thích Đức Nghiệp; chư tôn đức thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Ban trị sự Thành hội Phật giáo các tỉnh, thành phố; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam; Ban Tôn giáo chính phủ; UBND TP Hồ Chí Minh…

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 10 tháng đầu năm, cả nước có hơn 7.000 người tử vong do tai nạn giao thông, bình quân mỗi ngày có 25 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về. Hơn 70% người chết do tai nạn giao thông đang trong tuổi lao động, nhiều người là lao động chính, trụ cột trong các gia đình.

Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại” Đại lễ cầu siêu là dịp tưởng niệm những người đã chết do tai nạn giao thông, chia sẻ mất mát, nỗi đau với những gia đình không may mất người thân đồng thời kêu gọi mọi người nâng cao ý thức tham gia giao thông đúng luật, có văn hóa.

Tuyên đọc Đạo từ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thưởng Thích Đức Nghiệp nêu rõ: Ngoài ý nghĩa cầu nguyện cho những linh hồn siêu thoát, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình nạn nhân, qua Đại lễ cầu siêu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban An giao thông quốc gia kêu gọi đồng bào các giới, Phật tử và cộng đồng xã hội hãy trân trọng cuộc sống của mình và của người khác khi tham gia giao thông, chung tay hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nghi lễ cầu siêu được các tăng ni, Phật tử tiến hành đến 22 giờ cùng ngày.

Theo NDĐT