NHÂN NGÀY NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM 18/4:

Chị Thủy khuyết tật đã vươn lên như thế nào?

Cập nhật, 13:35, Thứ Năm, 18/04/2013 (GMT+7)

Sinh ra trên đời, ai cũng mong muốn có một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh. Thế nhưng không phải ai cũng được may mắn toàn vẹn. Với người khuyết tật, số phận không mỉm cười với họ: thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp là những vấn đề mà người khuyết tật đang phải đối mặt.


Chị Thủy đã có được niềm tin từ khách hàng, nhờ nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.


Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực của bản thân, có rất nhiều người khuyết tật đã biết vượt qua mọi khó khăn để vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Chị Đinh Ngọc Thủy, sinh năm 1977 ngụ Tổ 2, ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông- Vũng Liêm là một điển hình.

Năm lên 3 tuổi, một đợt sốt cao và co giật đã làm liệt đôi chân của chị. Chị xuất thân trong một gia đình nghèo, đông con (7 chị em, 6 gái 1 trai, chị là con thứ ba trong gia đình) không ruộng vườn.

Cha, mẹ chị làm nghề trải đáy trên sông, thu nhập bấp bênh nên cũng không có điều kiện điều trị cho chị đến nơi đến chốn và di chứng để lại là chị bị liệt hoàn toàn hai chân.

Do bệnh tật và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị em của chị- những người bình thường- cũng không được đi học, ngay cả chị lại càng khó khăn hơn dù chị rất thích được đi học như bao trẻ em khác.

Từ lúc phát bệnh đến bây giờ, chị không thể đi lại được, chỉ bò quanh nhà và nhờ người thân giúp đỡ.

Chị Thủy ngậm ngùi chia sẻ: “Năm 2005, sau một tai nạn giao thông, ba tôi đã qua đời. Lúc ba còn sống, ông thường khuyên tôi nên cố gắng tập đi để có thể tự chăm sóc cho bản thân và tìm một việc làm để nuôi sống mình. Khi đó tôi không nghĩ đây là lời trăng trối sau cùng của ba tôi…”

Vì mặc cảm khuyết tật, chị Thủy ít đi lại, cũng ít giao tiếp với những người xung quanh. Từ khi ba mất đi, như mất nơi nương tựa, chị hụt hẫng và càng buồn thêm cho hoàn cảnh của mình. Chị em thì ai cũng có gia đình có cuộc sống riêng tư, không ai để chia sẻ.

Thế là chị quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của bản thân và nhờ chị em giúp đỡ về vật chất cho chị đi học nghề uốn tóc. Bằng nỗ lực và sự phấn đấu của bản thân tìm việc làm để tự nuôi sống bản thân, giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình, giảm bớt sự tự ti mặc cảm về khuyết tật của bản thân, sau hơn 3 tháng, chị đã ra nghề.

Nghề đã có rồi nhưng khó khăn cũng chưa hết. Một lần nữa, chị phải nhờ đến sự trợ giúp của gia đình, tạo cho chị có nơi làm nghề và dụng cụ làm nghề. Nhưng những ngày đầu chị cũng không có khách hàng vì họ không tin tưởng tay nghề của chị lắm. Họ cho rằng nghề này đối với người bình thường cũng đã khó huống gì chị là người khuyết tật đi đứng khó khăn.

Chị không nản lòng. Đến ngày thứ tư chị có được khách hàng đầu tiên và bằng những gì chị học được, chị đã làm vừa lòng khách hàng này. Lần đầu tiên cầm được đồng tiền do chính mình làm ra, chị vui mừng không thể tả.

Từ đó, tiếng lành đồn xa, những chị em địa phương chị ở và ở xã lân cận đã đến cho chị chăm sóc sắc đẹp và cũng là giúp chị thêm tự tin vào cuộc sống cũng như thêm thu nhập. Dù những ngày tháng làm nghề đầu tiên chưa đủ chi phí cho bản thân nhưng chị rất vui vì thấy mình vẫn còn có ích, không hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào gia đình.

Vừa mừng là đã có khách hàng, thì chị lại lo không biết làm thế nào để có tiền mua sắm trang thiết bị, dụng cụ để làm nghề theo nhu cầu của khách hàng, đa số chị làm thủ công. Chị còn một ước mơ là có một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, để mua bán thêm.

Ngoài những di chứng khuyết tật đã làm cho chị đi đứng sinh hoạt ngày càng khó khăn, chị còn phải đương đầu với những bệnh lý của cơ thể, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của chị (u xơ tử cung, viêm đa xoang, suy nhược cơ thể…).

Tuy nhiên, bằng khả năng và nghị lực của chính bản thân, những người khuyết tật điển hình như chị Thủy đã phấn đấu vươn lên để tự khẳng định mình và giảm bớt một phần gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đấy là những điều mà chúng ta cần phải biết nâng niu, trân trọng.

Bài, ảnh: THÁI SƠN