Trà Ôn: Nỗ lực giảm nghèo

Cập nhật, 13:29, Thứ Ba, 26/02/2013 (GMT+7)


Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương phát triển.

Năm2012 bằng nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực như hỗ trợ nhà ở, dạy nghề, hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, huyện Trà Ôn đã giúp cho hơn 1.200 hộ thoát nghèo, đạt 166% chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó có 109 hộ Khmer thoát nghèo. Điều này đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong bức tranh tổng thể về hộ nghèo của một huyện vốn có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh.

Tết này là cái tết đầu tiên gia đình ông Nguyễn Hoàng Minh (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân) đón xuân với niềm vui để đời vì có được ngôi nhà như mơ ước. Mãi lo toan với cuộc sống phải lo ăn, lo mặc từng ngày, gia đình ông sống trong căn nhà lụp xụp, trống trước hở sau nhưng không có khả năng cất lại.

Năm 2012, được bình xét trong diện hỗ trợ xây dựng nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ trên 10 triệu đồng, vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng. Thêm vào đó, bà con họ hàng, lối xóm, người góp công, người góp của đã chung tay giúp ông cất được căn nhà cao ráo, mái lợp tôn với tổng trị giá 35 triệu đồng.
 
Ông Minh xúc động nói: “Năm nay được Nhà nước hỗ trợ nhà. Hồi đó giờ nhà sập xệ nên không được vui như cái tết năm nay. Tết năm nay được nhà mới nên rất phấn khởi, tết cũng chuẩn bị đầy đủ hơn mọi năm”.

Nhằm giúp cho hộ nghèo được “an cư lạc nghiệp”, trong năm 2012, ngoài nguồn nội lực của địa phương, thông qua các hình thức xã hội hóa, huyện Trà Ôn đã hỗ trợ xây dựng 230 căn nhà theo Quyết định 167, 58 căn nhà đại đoàn kết, 42 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với kinh phí hỗ trợ trên 7 tỷ đồng.

Hướng dẫn phương thức làm ăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế phù hợp cho từng hộ là giải pháp mũi nhọn tiếp theo được Trà Ôn nỗ lực thực hiện. Với phương châm “cho cần câu chứ không cho con cá”, trong năm qua huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.300 lao động nông thôn, giải quyết cho gần 1.800 hộ vay vốn sản xuất với trên 14 tỷ đồng.

Bà Mai Ngọc Hòa (ấp La Ghì, xã Vĩnh Xuân) phấn khởi cho biết về nguồn thu nhập của mình từ khi tham gia nghề gia công ghế nhựa: “Ở nhà cũng chăn nuôi heo, làm vườn, thời gian rảnh rỗi mình cũng tham gia làm ghế. Thu nhập một tuần được hai trăm mấy ba trăm phụ thêm gia đình điện nước”.

Vui vẻ khi được hỏi về những thành quả mà gia đình đã gặt hái được trong cả một năm dài phát triển nghề chăn nuôi, ông Thạch Phấn (ấp Mỹ Yên, xã Tân Mỹ) kể: “Ra riêng cũng khổ, bên ngoại bên nội cũng cho được 4 công đất ruộng mà con còn nhỏ bệnh hoài nên cũng nghèo. Sau này nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, có chương trình cho mượn vốn chăn nuôi rồi tích lũy cho con học hành, được vào đại học Cần Thơ, sau sang thêm được 2 công ruộng, 1 công vườn. Năm nay cũng được công nhận thoát nghèo cũng nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ vốn trước cho làm ăn”.

Phong trào giảm nghèo trong các hội, đoàn thể cũng được phát động mạnh mẽ. Ngoài các hình thức góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm, nhóm tương trợ,… các cấp hội còn đứng ra bảo lãnh cho hàng ngàn lượt hội viên nghèo được vay vốn tín chấp, với lãi suất ưu đãi từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Nguồn vốn này đã giúp cho những người nghèo trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Tuy năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng (ấp Mỹ Yên, xã Tân Mỹ) đã thoát cảnh nghèo khó, kinh tế ổn định, nhà có của ăn, của để, chuẩn bị đón xuân cũng tương đối sung túc hơn mọi năm nhưng gia đình bà không quên những năm tháng khó khăn đã qua và lấy đó làm niềm tin, nghị lực để tiếp tục nỗ lực vươn lên.

Bà cho biết: “Lúc trước 2 vợ chồng nghèo lắm, làm mướn không đủ sống, nhờ Ngân hàng Chính sách cho vay 4 triệu về chăn nuôi. Thấy làm ăn được, Hội Phụ nữ xã mới cho vay thêm được 3 triệu nữa phát triển chăn nuôi thêm. Rồi Nhà nước hỗ trợ cho căn nhà, gắng làm ăn tích lũy phụ vô thêm để cất nhà khang trang như ngày nay”.

Bằng những cách làm cụ thể, thiết thực, căn cơ phù hợp với từng đối tượng, cộng với sự nhiệt tình theo dõi động viên, hỗ trợ hộ nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được những con số ấn tượng. Nếu như qua rà soát đầu năm 2012, toàn huyện có đến trên 5.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,85% so tổng số hộ trên địa bàn thì đến cuối năm 2012, toàn huyện đã giảm được trên 3,33% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương 1.200 hộ, vượt 166% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nói về những định hướng của địa phương nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới, ông Trần Quốc Điện, Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó BCĐ chương trình giảm nghèo huyện Trà Ôn thông tin: “Năm 2013, huyện tập trung chỉ đạo kéo giảm trên 2% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương 730 hộ. Để thực hiện được mục tiêu đó, trước mắt huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ nghèo tự lực phấn đấu vươn lên, đồng thời biểu dương những mô hình làm ăn có hiệu quả; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ các nguồn hỗ trợ để phát triển sản xuất; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là những thanh niên ở vùng khó khăn”.

Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của huyện Trà Ôn trong năm 2012 sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương này tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giảm nghèo trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Qua đó, giúp nhiều hộ thoát cảnh nghèo khó để cùng xây dựng và phát triển quê hương.

Bài, ảnh: XUÂN HÒA