Trà Ôn có nghĩa gì?

Cập nhật, 05:38, Thứ Ba, 03/10/2017 (GMT+7)

Những địa danh được hình thành theo kết cấu “Trà + X” có rất nhiều ở Nam Bộ, vùng ĐBSCL, như: “Trà Côn, Trà Cú, Trà Cuông, Trà Ếnh, Trà Kha, Trà Lồng, Trà Men, Trà Mẹt, Trà Ngoa, Trà Nóc, Trà Ôn, Trà Quýt, Trà Sơn, Trà Sốt, Trà Trọ, Trà Vinh, Trà Vơn…” Bắc Bộ và Trung Bộ cũng có lớp địa danh này: “Trà Cổ, Trà Lý, Trà My, Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Co, Trà Văn…”

Về gốc gác và ngữ nghĩa của lớp địa danh này được ghi nhận như sau:

1. Với cấu trúc có nguồn gốc Hán - Việt, “trà” chỉ có 2 nghĩa: “bôi, xoa, thếp; cây chè”. Với 2 nghĩa này, không có từ địa danh nào có kết hợp ngữ nghĩa phù hợp với cấu trúc Hán - Việt;

2. Với cấu trúc có nguồn gốc thuần Việt, “trà” cũng có 2 nghĩa: “cây chè; tập hợp những cây cùng loại, cùng thời gian sinh trưởng”. Với 2 nghĩa này, cũng không có từ địa danh nào có kết hợp ngữ nghĩa phù hợp với cấu trúc thuần Việt;

3. Do cấu trúc không phù hợp ngữ nghĩa ở cả 2 nguồn gốc nếu là từ Hán Việt và thuần Việt, nên khuynh hướng chung của các nhà phân tích địa danh thường gán cho lớp từ này có nguồn gốc từ tiếng Khmer. Tuy nhiên, dù xét ở một vài bình diện lịch sử thì kết luận này xem ra có cơ sở.

Nhưng, nếu xét trên bình diện ngữ nghĩa của từ Khmer, thì hiện nay cũng không ai lý giải được lớp từ có cấu trúc “Trà + X”, cụ thể là Trà Ôn có nghĩa gì.

Vậy vấn đề đặt ra là, thật sự cấu trúc “Trà + X” là lớp từ Khmer hay lớp từ của người Phnom (Phù Nam)- chủ nhân của vùng đất Nam Bộ này trước khi vương triều Chân Lạp (Khmer) đánh bại và cai trị họ.

Bởi đó, địa danh Trà Ôn và những địa danh có cấu trúc “Trà + X”, nhìn chung vẫn chưa giải thích được nghĩa của chúng thì cũng thiếu cơ sở để kết luận nó có nguồn gốc từ đâu?

Chỉ biết rằng từ này hiện nay vốn được xem là một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Vĩnh Long, mà trước đây từ năm 1921 Trà Ôn có một thời là quận của tỉnh Cần Thơ và sau năm 1956, Trà Ôn lại là quận thuộc tỉnh Vĩnh Bình, rồi năm 1967, quận Trà Ôn lại thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Thạch Thảo