Lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Việt

Cập nhật, 07:25, Chủ Nhật, 14/04/2024 (GMT+7)
Sách “Tiếng Việt ân tình” của Lê Trọng Nghĩa vừa mới ra mắt.Ảnh: Thái Hà Book
Sách “Tiếng Việt ân tình” của Lê Trọng Nghĩa vừa mới ra mắt.Ảnh: Thái Hà Book

Những tựa sách về ngôn ngữ nối tiếp nhau ra mắt, vẻ đẹp của tiếng Việt được khai thác ở nhiều góc độ. Dòng sách này được nhiều độc giả đón nhận để hiểu thêm về sự phong phú, đa dạng và còn nhiều điều thú vị có thể chúng ta chưa hiểu tường tận trong tiếng Việt.

Thêm yêu tiếng mẹ đẻ với “Tiếng Việt ân tình”

Thái Hà Book vừa ra mắt bạn đọc cả nước cuốn sách “Tiếng Việt ân tình” do Lê Trọng Nghĩa chủ biên. Cuốn sách gồm 5 phần: từ Hán Việt; chính tả; địa danh; thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ; nội dung khác. Lê Trọng Nghĩa cho biết, kiến thức trong sách được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm những thông tin đã được xác thực và những giả thuyết từ các học giả. 

“Tiếng Việt ân tình” không khai thác sâu những khái niệm hàn lâm, cũng không chi tiết với những lý luận khô khan mà dùng từ ngữ dễ hiểu để giải thích, chú giải xuất xứ từ nguyên và ngữ nghĩa của nhiều từ, tổ hợp từ trong tiếng Việt hiện đại. Lê Trọng Nghĩa lập ra trang “Tiếng Việt giàu đẹp” để chia sẻ những câu chuyện thú vị về ngôn ngữ. Hiện fanpage có hơn 120.000 người theo dõi. Nội dung trong sách “Tiếng Việt ân tình” cũng được chọn lọc từ các bài viết đã đăng trên fanpage nhiều năm qua.

Trong khoảng 140 mục từ, Lê Trọng Nghĩa đã mang đến nhiều câu chuyện hấp dẫn, không chỉ riêng về ngôn ngữ mà còn là văn hóa, lịch sử, văn chương của người Việt.

Cùng với diễn giải nghĩa của từ, điều hấp dẫn ở quyển sách là câu chuyện phía sau thói quen dùng ngôn ngữ trong giao tiếp như: vì sao khi nghe điện thoại, người ta thường nói “a lô”, vì sao gọi quần đùi là quần “xà lỏn” hay “tán tỉnh” thường được gọi vui là “cua”… Nhiều phương ngữ, khẩu ngữ, truyện tích về những tên riêng cũng có mặt trong sách: Lưu Linh, ông Ba Bị, chà bá, ba gai, ba láp, ba gác, ba đào...

“Tiếng Việt ân tình” được viết bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu nên có thể tiếp thu được nhiều kiến thức về một bức tranh tiếng Việt đa diện, đa sắc màu cùng những cảm nhận, trải nghiệm xúc động từ tác giả.

Giữ gìn tiếng Việt giàu đẹp

Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” là một gợi ý cho những ai muốn tìm hiểu những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Bộ sách gồm 9 cuốn được viết nên bởi các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà ngôn ngữ học trong nước. Công trình to lớn, khái quát tất cả khía cạnh từ “Ăn, uống, cười, nói và khóc”, đến “Cuộc sống ở trong ngôn ngữ” và giúp độc giả “Đi tìm bản sắc tiếng Việt” để hiểu thêm về tiếng Việt.

Sau bộ sách “Văn hóa nhìn từ tiếng Việt” (3 tập, in năm 2021), nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc sẽ in tiếp một ấn phẩm về ngôn ngữ, dung lượng 80.000 từ, dự kiến ra mắt trong năm nay. Nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn cũng vừa có tác phẩm mới “Từ những tên riêng” được Nhà xuất bản Kim Đồng in dưới dạng sách tranh dành cho độc giả nhí.

Những quyển sách thú vị về ngôn ngữ còn có thể kể đến: “Miền Tây lạ lắm à nghen” của Trương Chí Hùng, viết về phương ngữ Nam Bộ; bộ 3 tập “Phương ngữ Việt Na” của nhóm tác giả Alex Nguyễn- Ling Lang- Ngọc Nguyễn; cuốn “Cổ mỹ từ” do tác giả trẻ Nguyễn Thùy Dung dày công nghiên cứu theo hướng tiếp cận cổ ngữ trong văn chương bác học thời trung đại…

Sự phát triển của mạng xã hội và nhu cầu học ngoại ngữ dù có nhiều kết quả tích cực nhưng cũng mang lại mặt trái là nhiều người trẻ lạm dụng tiếng nước ngoài, từ lóng của giới trẻ… mà chưa kịp hiểu rõ cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ quê nhà.

Những tựa sách về ngôn ngữ, đa dạng từ văn xuôi tản mạn đến sách chữ có tranh minh họa sẽ góp phần tạo sự thu hút, thích thú cho người trẻ tìm hiểu tiếng Việt. Khi nhận ra tiếng Việt giàu và đẹp ở chỗ nó có sắc thái riêng, độc đáo, thể hiện được trí tuệ dân gian và được thử thách qua hàng ngàn năm người Việt giao tiếp tiếng nói với nhau, thế hệ hôm nay có trách nhiệm phát huy bản sắc tinh hoa, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

PHƯƠNG THƯ