Truyện ngắn

Trôi qua mùa ô môi

Cập nhật, 15:16, Chủ Nhật, 18/06/2023 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

“Gặp hoa ô môi biết mùa xuân đã đến”

Cách đây 6 năm, Hường chỉ là một cô bé nhỏ thó, đen nhẻm nắng gió, vì tối ngày coi vịt ngoài đồng. Mái tóc Hường bấy giờ cháy nắng vàng hoe; đầu mút từng sợi bị chẻ đôi, tưa ra lởm chởm, coi ngồ ngộ. Hường thường buộc tóc vắt ngược lên sau cổ, theo kiểu buộc túm đuôi gà.

Mỗi lần Hường huơ cây sào có buộc túm giẻ ở đầu sợi dây, chạy trên bờ ruộng lùa vịt, cái đuôi gà lại nhảy lên tưng tưng, nhìn rất vui mắt.

Hường là em gái út thằng Quân, bạn tôi. Thỉnh thoảng được nghỉ, tôi vẫn cùng Quân về quê nó ở chơi mấy ngày. Và bao giờ cũng vậy, Út Hường là người sốt sắng nấu cháo vịt, đãi hai anh em chúng tôi tới mút chỉ. Để cám ơn, hễ có dịp, tôi lại đưa Hường lên thăm ba má tôi trên thị xã.

Đối với Hường, thị xã là cả một thế giới ồn ào, náo nhiệt và vô cùng khó hiểu. Nhất là những vụ áp phe, làm giàu tới chóng mặt của dân buôn bán.

- Tiền đâu mà người ta uống bia quá xá vậy, há anh Ba?

Tôi biết trả lời sao được. Mấy công ruộng nhà Hường, mỗi năm chỉ làm được hai mùa; mỗi mùa, mỗi công chỉ tròm trèm mười lăm, hai mươi giạ.

Đổ vào đó nào lúa giống, nào công cày cấy, gặt hái, thuốc cỏ, thuốc sâu, phân bón… Đồng tiền làm ra đẫm mồ hôi, mà khi đi mua sắm cứ nhẹ tênh tênh. Tôi biết, Hường rất thích mua một bộ đồ xoa mà không dám.

Đến tiền ăn còn thiếu trước hụt sau, nói chi tới chuyện ăn xài xa xỉ. Tôi không có em gái, tôi bàn với Quân, bao giờ có việc làm, tháng lương đầu tiên, hai đứa hùn mua cho Hường một bộ đồ thật xịn.

Hay về chơi nhà Quân và hay chở Hường về thị xã, tôi với Hường có rất nhiều kỷ niệm.

Tính tôi, tới đâu cũng thích tò mò đi coi chợ, đi thăm chùa chiền. Một lần, tôi chở Hường đi thăm chùa Khmer tận ấp bốn.

Hai anh em chở nhau bằng xe đạp. Mùa nước nổi, đường quê như con trăn, sống lưng gồ lên giữa hai bề mênh mông nước.

Khi trở về, tới đoạn kinh mới, bánh xe trợt trên sống trâu, lăn tòm xuống kinh. Vướng cái xe, tôi và Hường chìm lỉm xuống tận đáy.

Lóp ngóp mãi, hai anh em mới ngoi lên được. Đứa nào đứa nấy ướt lướt thướt như chuột lột. Hường cười. Chiếc răng khểnh trắng lấp lóa.

- Bắt đền anh Ba nè!

Hường cum hai bàn tay, đấm bùm bụp vào lưng tôi. Tôi nhe răng cười trừ, đọc cho Hường nghe mấy câu ca đã thuộc nằm lòng.

Nước chảy liu riu

Lục bình trôi líu ríu

Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.

Ở quê Hường, cứ đầu mùa mưa là mùa cóc hội. Cóc tụ lại trên các gò đất ngoài đồng, kêu cọc cọc dậy trời. Xách đèn chá đi soi một chặp là được cả thùng thiếc. Lần ấy, vào lúc nhập nhoạng mặt người, tôi với Quân rủ Hường cùng đi soi cóc cho vui.

Đang đi, bỗng Hường nhảy dựng lên, ngã vào lòng tôi cái bịch. Một con rắn to bằng cườm tay đang nằm ngoằn ngoèo dưới đất. Quân day người lại, chụp đuôi nó quay vút vút mấy vòng, rồi vứt con rắn nằm đừ dưới đất.

- Hổ hành chớ gì mà sợ! Thôi, quay trở về nấu cháo hổ hành đậu xanh!

Nói xong, Quân cúi xuống, nắm đầu con rắn xách lên. Con rắn nặng hơn hai ký.

Trên đường về, Hường sợ rắn, đeo dính tôi như hình với bóng. Vừa đi vừa hỏi:

- Hổ đất, hổ lửa, hổ mây, cắn mới chết há anh Ba? Hổ hành cắn hổng chết há anh Ba?

Quân nhứ nhứ con rắn, nói với em gái:

- Rắn cắn mà chết chóc gì! Rắn nào cũng có thuốc trị. Chỉ người cắn là chết, là vô phương chạy chữa.

Tôi nhớ một hôm, Hường bắt hai con vịt; một con nấu cháo, một con nướng đất sét.

Đến bữa ăn, tôi gắp cho Hường quả tim.

- Tặng Út Hường trái tim… vịt nè.

Hường ngúc ngoắc lọn tóc đuôi gà:

- Ý! Anh Ba giỡn hoài à!

Quân lém lỉnh nói với em:

- Giỡn gì! Ăn tim bổ tim, ăn gan bổ gan. Ăn gì bổ nấy! Bộ mầy hổng biết sao mà kêu giỡn?

Hường hếch chiếc cằm nhọn, chun mũi nói với anh trai:

- Vậy chớ, tỷ như anh Sáu, ăn nhằm thịt vịt nhổ chưa sạch lông thì bổ gì?

Quân không phải tay vừa. Nó đốp lại liền xì:

- Thì bổ vòng vòng chớ bổ gì!

Một lần, Quân bị sốt do viêm phổi, tôi về quê nó, đón Hường lên thăm anh; nhân thể rủ Hường ở chơi, coi Hội chợ bắn pháo bông mừng quốc khánh.

Trên đường về thị xã, trời thình lình nổi giông đen kịn. Gió ngược ào ào. Tôi gò lưng ra đạp xe. Mồ hôi túa đầm đìa như nhúng nước. Hường ngồi sau, nói:

- Phải chi em lớn hén anh Ba, em chở tiếp cho anh.

Biết bao giờ Hường mới lớn. Hường nhỏ thó như con se sẻ thế này. May mà bên quãng đường vắng, đột ngột hiện ra một cái quán để không. Hai anh em tôi liền dẫn xe vào đấy tránh cơn giông. Giông vần vũ, quần đảo một lúc, rồi tuôn mưa mù trời.

Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cơn mưa lớn như vậy. Tưởng như nghiêng trời mà trút nước. Tưởng như gom mưa cả thế gian về mà dội xuống. Gió quất mưa xiên ngang ràn rạt.

Mưa quất vào mái lá ào ào. Cái quán nhỏ rung lên bần bật. Hai anh em tôi ngồi co ro trên chiếc chỏng tre kê sát cái bàn nhỏ bằng ván còng. Nhìn ra đường, gió tạt mưa bay mịt mù như khói. Lòng đường ngập nước, sủi bong bóng, trôi thành dòng cuồn cuộn. Rồi thì sấm sét đùng đùng chớp lóe.

Những tiếng nổ đinh tai nhức óc, tưởng như sắp xé banh chành cái quán nhỏ xiêu vẹo. Hường sợ sấm, sợ sét, đưa cả hai bàn tay lên bịt lỗ tai.

Cứ sau mỗi lần tia chớp lóe sáng, quất lưỡi tầm sét rợn người của nó xuống đất, kèm với tiếng nổ chói lói, Hường lại sợ hãi dịch sát gần tôi hơn.

Tôi cảm nhận từng cái giật thót sợ hãi của cô bé mười lăm mười sáu tuổi. Hường đã khốn khổ vì sấm vì sét, không hiểu sao còn bị con rít to bằng ngón tay cái, bò lên cắn vào cổ chân. Chắc là đau và nhức lắm. Hường nghiến răng cố ghìm cơn đau buốt hành hạ.

Tôi biết làm sao được. Giữa đường, giữa mưa giông thế này. Đành dùng tay, hết nặn máu tới chà xát chỗ rít cắn cho Hường. Tới gần nửa tiếng như vậy, Hường mới đỡ phần nào. Vậy mà mưa vẫn hoành hành, vần vũ; vẫn điên cuồng dội nước xối xả xuống mặt đường.

Cái quán nhỏ không đủ sức che chắn, anh em chúng tôi đụt mưa mà lại ướt như chuột lột. Vừa thấm lạnh vì mưa, vừa sốt hầm hập vì rít cắn, Hường run lên bần bật; hai hàm răng đánh đàn lốp cốp. Sợ Hường bệnh, tôi phải ôm Hường vào lòng. Dùng hơi ấm của mình sưởi cho Hường.

Hai anh em chúng tôi về tới thị xã lối chín mười giờ tối. Má tôi chạy quýnh quáng lo thuốc cảm, thuốc rít cho Hường. Cả nhà, ai cũng sợ Hường bệnh. Vậy mà sáng ngày, Hường tỉnh như sáo.

Má tôi nói: Nhỏ Út lớn lên, đứa nào cưới được nó, coi như nhờ phước ông bà ăn chay trường để lại.

***

Loay hoay mãi, cuối cùng tôi cũng có tấm bằng lái xe tải. Ai ở trong nghề mới biết, nghề lái xe đường dài có rất nhiều thú vị. Đối với những người mới cầm tay lái, sự đam mê nghề nghiệp cuốn hút mình tới mức tưởng như quên đi tất cả.

Tôi vi vút trên những nẻo đường lúc quen lúc lạ. Tôi đắm mình trong những chuyến đường dài không biết mệt. Đất nước trải ra ngút ngát trong tầm mắt, đẹp như thơ, như nhạc. Những dòng sông.

Những cánh đồng. Những triền đồi đất đỏ. Những cánh rừng chồi mơn mởn. Những bãi biển xanh biếc màu ngọc bích, vỗ ào ào sóng trắng vào vách đá bản tình ca muôn đời của nó. Tôi cứ ôm vô lăng mà đi tới.

Đi tới. Lúc dừng xe trên đỉnh đèo Hải Vân. Lúc nghỉ đêm ở TT Sông Cầu; lắng nghe tiếng sóng biển thì thầm trong rừng dừa mọc sát ngay mí biển. Tôi đã từng ngắm trăng trên bến sông Danh.

Từng chiêm ngưỡng đào hoa xứ Lạng. Một bữa cơm hến bến Tuần. Một bữa thịt kỳ nhông Phú Yên. Một bữa ba ba tận cùng đất mũi Cà Mau… Tôi chưa một lần trở lại ngôi nhà lợp lá dừa nước của Hường.

Cho tới một hôm. Có một cô gái vẫy xe xin đi nhờ. Đó là một cô gái đẹp. Rất đẹp. Tay phụ lái lém gái của tôi không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng.

Dọc đường, hắn hót vào tai cô ta không biết bao nhiêu chuyện mà cái đầu nhạy cảm của hắn có thể nghĩ ra. Qua câu chuyện của họ, tôi biết cô gái đi cùng đường với tuyến lấy hàng của tôi.

- Cô gốc thành phố à? (Tay lái phụ hỏi)

- Dạ không! Em gốc quê miền Tây. Hồi nhỏ, em đi coi vịt chạy đồng, cực muốn khùng luôn đó anh.

Trời ạ! Nghe cô gái trả lời, thốt nhiên tôi nhớ Hường tới nao lòng. Bao nhiêu kỷ niệm chợt ùa về quay quắt. Những lần cùng Hường đi vớt ốc nổi ngoài đồng trưa nắng.

Những lần cùng Hường đi bẻ cải trời, cải đất ngoài gò. Cái hôm té xuống kinh. Cái hôm đụt mưa giữa đường. Không biết Hường bây giờ ra sao. Mẹ chẳng đã nói: “Nhỏ Út lớn lên, đứa nào cưới được nó, coi như nhờ phước ông bà ăn chay trường để lại”.

Đến nơi, tôi giao xe cho tay phụ lái nhận hàng. Phần mình, tôi mượn xe máy của người bạn, phóng ngay về quê Hường. Chặng đường hơn chín mươi cây số, tôi ngốn ào ào với tốc độ chóng mặt của chiếc BT 125.

Lối vào nhà Hường phải đi thêm một chặp ngắn cặp bờ kinh. Lần đầu tiên tôi nhận ra hàng ô môi trên bờ kinh đơm đầy hoa màu hồng phấn. Mùa xuân thật rồi! Mùa xuân đang hát trong chùm chùm hoa ô môi nở rộ.

Mùa xuân đang nở căng sắc hồng mơn mởn trong chùm chùm những cánh hoa khẽ rung lên ngất ngây cùng gió xuân đườm đượm. Trước cửa nhà Hường, giàn bông giấy đỏ rực như lửa bình minh của mặt trời.

Con chó luốc ngày nào, nhận ra tôi đầu tiên. Nó sủa vang vang mừng rỡ, rồi nhảy chồm lên, dùng hai chân trước ôm chầm lấy tôi. Dụi dụi chiếc mũi đen ướt vào người tôi, nó rên lên sung sướng. Nó mừng tới cuống quýt.

Một cô gái bước ra. Cô đứng sững lại một chút, rồi chạy ào tới, ôm chầm lấy tôi mà xiết.

-Trời đất! Tía ơi! Má ơi! Anh Ba về nè!

Tôi vừa kịp nhận ra Hường thì cô đã buông tôi ra, vẻ thẹn thùng hiện hồng trên gương mặt. Không thể ngờ Hường đổi thay nhanh như vậy. Đẹp. Trẻ trung. Duyên dáng. Mặn mòi. Nụ cười rạng rỡ, sáng ngời. Hường chụp lấy tay tôi, kéo tuột vào nhà.

Hừng sáng, Hường tiễn tôi ra tận lộ lớn liên tỉnh. Dọc theo bờ kinh, hai chúng tôi không ai nói một lời. Tới hàng ô môi đơm đầy hoa chiu chít, tôi dừng xe lại.

Cả một vùng sông bừng sáng sắc hồng bổi hổi. Từng chùm hoa tươi rói, như chớp vào bầu trời xanh biếc ngọt ngào. Không gian thoáng lặng. Hương ô môi dìu dịu, quyện với hương đồng thoang thoảng tới lịm người. Tiếng sóng vỗ lóc bóc dưới bờ kinh, như thầm thì ngợi ca sắc hoa say đắm.

- Đẹp quá! Phải không Hường?

- Dạ, đẹp! Ô môi lại báo thêm một mùa xuân nữa.

Hai chúng tôi tới bên một gốc cây ô môi sần sụi, vịn tay đứng tựa vào đấy. Một cơn gió lướt qua. Hoa rụng lả tả. Cánh hoa nhẹ mỏng, rắc đầy trên mặt đất, rắc đầy trên tóc Hường, trên vai áo màu nâu nhạt của Hường. Đó là những cánh hoa báo hết một đêm dài mất ngủ.

Xốn xang trong nắng sớm trong lành, choáng ngợp bởi màu hồng phấn, không chủ ý, tay tôi lần tìm tay Hường. Bàn tay em nóng ấm sức thanh xuân bùng cháy.

Bàn tay ấy nóng rực lên theo nhịp đập tim tôi thôi thúc. Bất giác, tôi kéo ghì Hường vào lòng mình. Một phút. Hai phút. Không! Cả thế kỷ ngưng đọng lại, để rồi tan loãng ra, tan biến vào bầu trời xanh chan hòa nắng sớm.

- Đừng anh! Em đã nhận lời ăn hỏi của người ta. Anh ấy thương em…

Tôi hiểu là tôi lỡ mất bao mùa hoa ô môi đã trôi qua, bao mùa xuân đã trôi qua. Ngày mai… ngày kia… hoa ô môi sẽ kết trái.

Hường ơi!...

HỒ TĨNH TÂM