Truyện ngắn

Hai nhánh sông chung dòng chảy

Cập nhật, 10:57, Chủ Nhật, 16/01/2022 (GMT+7)

(VLO) Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến cực kỳ phức tạp ở các tỉnh thành xa, rồi nhanh chóng lây lan sang nhiều tỉnh thành gần, trưởng ấp Hưng Thạnh Một- Bảy Thà, biết rất rõ chú Út Cời- người từng gối đất nằm sương ở cuối mùa đánh Mỹ, bất chấp nắng mưa, tự nguyện chở hàng chục tấn gạo, nhiều nông sản thực phẩm được cân đong vô túi kỹ càng đến trụ sở ủy ban đóng góp, để các tổ chức làm công tác an sinh xã hội kịp thời đưa tới hỗ trợ đồng bào trong khu vực cách ly, khu vực phong tỏa và các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Trước tấm lòng quá đỗi thảo thơm, tinh thần tương thân tương trợ hết sức tuyệt vời của chú Út Cời- Bảy Thà và ai nấy đều kính nể!

Rồi dịch bệnh theo chân một số người vô ý thức trong việc giãn cách xã hội ngang nhiên bước vào tỉnh nhà, len lỏi tận vùng nông thôn, tác oai tác quái thì đất lành Hưng Thạnh Một xảy ra một chuyện lạ đời, khiến người ta lấy làm thắc mắc mà không khỏi thì thầm.

Bảy Thà áy náy chần chừ, không chịu hé môi vận động chú Út Cời trợ giúp vật chất cho dân sở tại mình thì chẳng nói làm chi. Còn đằng này chú Út Cời lòng thiện nguyện đang hừng hực cháy nhưng vẫn ra vẻ thờ ơ, là làm sao?

Ôi! Phải chăng Bảy Thà và Út Cời đã thỏa hiệp lên kế hoạch nhất cử lưỡng tiện, nhân lúc bà con ở địa phương gặp cơn ngặt nghèo do dịch dã nên “xích lại gần nhau hơn” để hòa giải một chuyện tình trắc trở năm xưa, được các bậc cao niên đi qua thời chiến tranh để tâm đến?

Thật không sai một li mà, coi kìa! Kế hoạch được thực hiện một cách linh hoạt và chóng vánh đến ngỡ ngàng. Đầu tàu kỳ cựu của ấp- Bảy Thà giả vờ không còn tin tưởng chú Út Cời nữa, bởi anh cho rằng tay cựu chiến binh này bị mấy cái tin giả trên mạng tác động nên giở chứng đột xuất, không còn thiết tha với công việc thiện nguyện nữa, nên mới nhờ dì Tư Hạ- tình xưa của chú Út Cời, người phụ nữ chất phác nhưng thật sự có bản lĩnh trong giao tiếp, sẽ thuyết phục chú Út Cời, giữ vững lập trường, lấy lại phong độ cũ, để tích cực ủng hộ ao cá nuôi trị giá non một tỷ đồng, nhằm chia sẻ khó khăn trong thời gian căng mình thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để cuộc chiến đấu không khoan nhượng với COVID-19 đi đến thắng lợi hoàn toàn!

Có lẽ là thành viên của nhiều bếp ăn tình nghĩa ở huyện, nên dì Tư Hạ sốt sắng nhận lời mà lòng rộ lên một niềm vui quen thuộc. Niềm vui thời son trẻ, cái thời mà gian nguy cứ rình rập, trong bão đạn mưa bom qua những trận công đồn tưng bừng tre bay trúc chẻ, để rồi chuyển thành giọng nói còn mang sắc màu rắn rỏi!

- Nói không phải “nổ” nghe Bảy Thà, đời tao không mở miệng thì thôi chớ mở miệng ra là thắng lợi à!

Bảy Thà liền trả lời bằng cái giọng ấm áp pha chút nghịch ngợm:

- Có khi dì không mở miệng ra… vẫn thắng lợi nữa!

- Hồi nào mậy?- Trợn tròn đôi mắt, dì Tư Hạ không nén được cơn giận dữ như bão táp đùng ầm kéo đến, khiến thái dương nẩy rần rật. Vậy mà Bảy Thà vẫn giữ vẻ bình thản, tự tin đến lạ.

- Hồi ô buýt từ Trà Ôn “vọt cần câu” sang Mỹ Thạnh giết hai vợ chồng bác Tám Cựa. Dì Tư lãnh đạo đội quân tóc dài, trương băng khẩu hiệu “yêu cầu không bắn pháo trúng dân, yêu cầu bồi thường nhân mạng!”- kéo qua dinh quận đấu tranh.

Rồi không may cái nhan sắc “nghiêng thùng đổ nước”của dì lọt vào mắt chim cú của bọn chỉ điểm, dì bị bắt và buộc phải hô: “Đả đảo Việt cộng” thì dì không hô. Nghe nói bọn chúng đánh dì bầm mình mẩy, uống cả bụm thuốc trật đả hoàn mà máu bầm còn vón có cục! Đó đó, dì đâu có mở miệng ra mà cũng thắng lợi vậy? Là thắng lợi lớn à nghe!

- Cái đồ quỷ! Mầy trộ tao hả?- Dì Tư Hạ cười móm mém, gương mặt dì giờ rất phúc hậu, giọng nói lại hiền và ấm:

- Thôi, mầy về chỉ đạo em cháu dân phòng, tình nguyện viên chuẩn bị chài lưới để kéo cá đi! Ừ, Út Cời thi đua đóng góp với tao. Chắc giờ “cạn tàu ráo máng” còn ao cá không chớ gì? Bằng không sắp nhỏ trong bếp ăn tình nghĩa của tụi tao chạy vắt giò lên cần cổ đến nhà thằng chả nhận rau củ quả.

“Ông nội tui” thúc hối dữ dằn lắm! Tao nghĩ vậy chớ không phải mấy cái tin không lành mạnh ở trên mạng tác động làm ổng tiêu cực đâu. Nhưng cái gì cái, ai chớ cha Út Cời tao thừa sức thuyết phục và thắng lợi là cái chắc! Cái chiêu này tao đã từng làm với chả lúc còn làm binh vận thời chiến tranh lận mà.

Chiều nhanh chóng trùm xuống, những giọt nắng cuối ngày lõng bõng rơi vào mắt. Bên sông tao tác mấy tiếng gà, khói cà ràng quẩn quanh chái bếp, ngả mình trên võng, dì Tư Hạ chìm sâu trong những kỷ niệm đẹp, có pha vị đắng của mối tình đầu thuở chen đạn bom thù, giữ gìn thôn xóm.

Đã hết tháng mười, dứt mùa nước rong. Nước chảy chậm lại, phù sa lắng xuống đáy sông. Nước trở nên sạch, thanh và xanh như màu mắt thôn nữ tuổi hai mươi. Mùa hè nổi dậy- mùa hè đỏ lửa đã đi qua xa lắc, nhưng cuộc bao vây và tiến công đồn địch vẫn còn trong lòng dì Tư Hạ- không, Thu Hạ mới phải, vì khi ấy chỉ chớm mười chín tuổi, thừa thãi những nét nguyên sơ hồn nhiên, đam mê và trong sáng lại buồn vui lẫn lộn.

Vui bởi thắng lợi của ta đã gây cho địch sự thất bại lớn về chiến lược cùng với những tổn thất nặng nề, phạm vi kiểm soát bị thu hẹp, chương trình bình định bị đảo lộn, lún vô thế bị động. Còn buồn cho cuộc tình của mình sao lắm nẻo đa đoan?

Trước kia Thu Hạ đã gặp Út Cời, một chàng trai có gương mặt tươi tắn, vầng trán rộng, đôi mắt dễ thương trong một đêm đi xem đoàn văn công xã biểu diễn tại rạch Mù U. Thế rồi, họ sung sướng tung tăng trong tình yêu chân thành tha thiết và không mảy may ngờ vực, không tính toán gì với nhau cả.

Có một lần sau buổi xem hát, dưới ánh trăng tròn trịa, lóng lánh dát bạc trên giậu bông bụp đẫm sương, hai người ngồi thật lâu dưới gốc cây còng mọc ở ven sông, thả hồn theo những về lục bình trổ bông tim tím. Thu Hạ khẽ tựa vào vai Út Cời, mắt lim dim như tận hưởng những cơn gió ẩm ướt, mát lạnh mơn man thổi lên từ mặt sông, rồi đột ngột làm rơi một giọng nói ấm trầm:

- Sang năm tới tuổi quân dịch, anh định cạo đầu đi tu ở chùa nào?

- Giỡn hoài! Anh xin tòng quân và mơ ước được làm bộ đội ở đơn vị chủ lực Miền. Anh xin thề, mà thề như anh kép Giang Trường đã ca trong tuồng “lên đường tòng quân” xem ban nãy mới đã đời: “Ra đi giữ trọn lời thề, nếu chưa hết giặc chưa về thăm quê”.

Ôi! Tim Thu Hạ đập nhanh, run lên vì niềm tự hào và hãnh diện về người mình yêu quá cỡ! Cô cao hứng “hát cương” luôn: “Bão đạn mưa bom đã chia ly tình ta anh ơi/ Trao anh thương nhớ dặn lòng em thủy chung/ Em đợi anh về…”

Đó đó, vậy mới biết! Tình yêu của đôi bạn trẻ thời loạn ly thật trong ngần đẹp đẽ! Dường như nó mọc cánh bay lên thành lời ca tiếng hát và nhẹ nhàng đáp xuống thành hiện thân của một bông hồng mãn khai đã bung đến cánh sau cùng.

Trăng đã chếch bóng. Rặng bần hai bên bờ sông đội một vòm xanh đi mãi với những gam màu đậm nhạt khác nhau, đẹp tựa bức tranh của nhà hội họa. Trong bộng bần đằng xa, một tiếng tắc kè khàn khàn vang lên, chợt yếu dần rồi lặng thinh, bởi một tràng đạn dài từ khẩu trung liên trên tàu tuần tiểu của địch hộc ra dọa dẫm. Chiến tranh đã phủ dày khắp làng trên xóm dưới và sắp che chắn cản ngăn cả mối tình đầu thơ mộng.

Cuộc bao vây tiến công đồn địch không ngừng tiếp diễn, vẫn tưởng tình yêu của Thu Hạ với Út Cời cũng tiếp diễn nồng nàn, mãnh liệt và lãng mạn không ngừng.

Nào ngờ tai ương bỗng ập đến làm rẽ thúy chia uyên. Út Cời bị địch úp bộ vô lính sư đoàn chín, nhờ lo lót của tiền mới được trở về làm liên toán trưởng phòng vệ dân sự ở đồn Cầu Chữ Y, giáp ranh với căn cứ lõm.

Bởi làm công tác binh vận, Thu Hạ hiểu rõ, cầm súng chống lại nhân dân, Tổ quốc là điều xấu xa, chuốc lấy cái chết không hẹn trước nên lén lút gặp gỡ khuyên can và giáo dục Út Cời phải có thái độ “xanh vỏ đỏ lòng”, chờ thời cơ lập công đền ơn dân, nợ nước.

Rồi thời cơ lập công đã đến. Chi bộ Lục Sĩ Thành sáng suốt phân công Thu Hạ thuyết phục Út Cời làm nội ứng, lấy đồn Cầu Chữ Y để mở rộng thêm vùng tự do.

Bữa nọ nắng lan tràn khắp làng quê, gió dạt dào thổi vô tư. Đã hẹn giờ trước với nội ứng, năm chiến sĩ du kích gan đồng trí thép trong bộ đồ lính biệt động quân rằn ri ung dung, đĩnh đạc đi thẳng vô đồn. Lạ thật! Tên trưởng đồn kiêm trưởng ấp Nho ở trong đồn bắn ra ba bốn phát. Du kích Ba Khư vẫn bình tĩnh bước tới nhưng rồi gục xuống bởi dính đạn. Cả tổ mới nhận ra đã bị lộ nên vừa bắn kiềm chế vừa rút ra.

Vài ngày sau, Thu Hạ khổ sở thuyết phục Út Cời bí mật mở cổng đồn, rọi đèn pin làm tín hiệu liên lạc. Từ vị trí ém quân, tám du kích chia thành hai cánh quân ập vô đồn, tiêu diệt tên trưởng đồn Nho ngay trên giường ngủ. Tất cả lính trong đồn bị bắt sống và được thả sau khi ta giáo dục xong.

Từ đây, Út Cời chính thức trở thành một chiến sĩ du kích gan dạ mưu trí và tài giỏi, được đồng đội tin yêu bà con quý mến.

Hòa với khí thế tiến công long trời lở đất, Út Cời cùng hai nữ du kích táo bạo sang chợ Trà Ôn đánh trạm kiểm soát của bọn cảnh sát áo trắng.

Nhiệm vụ được phân công cụ thể: Bé Bảy giả đi chợ để làm ám hiệu, Sáu Bông dùng xuồng chở Út Cời qua sông đến điểm đánh.

Bắt được ám hiệu, biết trong trạm kiểm soát chỉ có hai tên. Từ dưới xuồng, Út Cời nhảy lên rút súng nhả đạn vào đầu tên cảnh sát ngồi trước cửa trạm. Tên còn lại hốt hoảng bỏ chạy lẩn vào quần chúng tấp nập đi lại. Út Cời rượt theo quật nó ngã xuống, bẻ lọi cổ.

Địch nghe tiếng nổ đổ xô đến hiện trường, phong tỏa các nẻo đường. Ca nô và tàu sắt vây kín mặt sông vàm chợ. Biết không có lối nào tẩu thoát, Út Cời bèn tạt vào tiệm cầm đồ Thảo Hương, được ông bà chủ tiệm cầm đồ cho trốn vào phòng con gái mình đang ngủ trưa.

Thảo Hương- con gái ông bà chủ tiệm kịp thời nhận ra Út Cời, người bạn thân từ thời cắp sách, cũng là chàng trai mà cô đã trộm nhớ thầm thương, nên không chần chừ ngần ngại, bảo anh cởi áo ra và mình cũng làm như thế, rồi cả hai cùng chun vô mùng nằm kề bên, kéo mền lên chỉ tới rốn.

Bọn lính rậm rịch bước loanh quanh từng nhà một, mắt lơ láo ngó chừng từng ngõ ngách. Đến tiệm cầm đồ Thảo Hương, tên đại úy mồm đầy răng vàng, mặt nhẵn bóng như thoa mỡ, đánh tiếng:

- Nhà còn ai nữa không ông bà già?

- Còn, đứa con gái vừa làm lễ đính hôn cho nó xong. Nó với thằng chồng đang ngủ trong phòng kìa!

Tên đại úy cùng đồng bọn cục cằn xông thẳng vô nhà, nhào tới cửa phòng ngủ. Móc súng lên đạn nghe cái “rốc”, rồi vén màng chĩa súng, bất chợt quay ngang, bụm miệng rụt cổ cười.

- Đ.m.! “Tới nước” rồi, giống tao ăn cơm trước kẻng! Rút quân bây ơi, không khéo đui con mắt cả lũ!- Cười hềnh hệch, tên đại úy tần ngần bỏ đi.

Biết được chuyện này, cha mẹ Út Cời bươn chải chèo ghe qua gặp vợ chồng chủ tiệm cầm đồ Thảo Hương để cảm ơn vì đã cứu mạng con mình. Sau đó, họ cậy người mối mai hỏi cưới Thảo Hương cho Út Cời mà chẳng cần bàn tính với anh chi cả.

Tội nghiệp! Thu Hạ hụt hẫng đến không nói được nên lời, cố nén nỗi sầu riêng, thề ở vậy cho đến già và cố tình né tránh không cho Út Cời gặp mặt. Thế nhưng trong sâu thẩm trái tim, cô luôn nguyện cầu cho người mình yêu hưởng trọn niềm hạnh phúc.

Nhưng Thảo Hương về làm dâu vừa tròn hai tháng, chưa được gối chăn với chồng lần nào thì cô qua đời do bị trúng đạn lạc, trước giờ quê hương được giải phóng có vài tiếng đồng hồ.

Ôi! Mới đó mà gần năm mươi năm rồi. Thời gian quá dài trong một đời người, đủ cho mọi thứ đi vào quên lãng. Thế nhưng dì Tư Hạ vẫn nhớ, rồi hờn giận cái con người đã có một dạo làm vặt vẹo trái tim dì đến héo hắt. Nếu không vì nghĩa đồng bào, trách nhiệm đối với cộng đồng và cuộc chiến đấu với kẻ thù vô hình thật gớm ghê nguy hiểm khôn lường mang tên COVID-19 thì dì Tư Hạ đâu hết giận, để cho Tư Cời gặp lại mình.

Một buổi trưa mùa thu, nắng nhẹ lộng gió nồm. Đường quê vắng vẻ, ngàn hoa khoe sắc dọc hai bên. Dì Tư Hạ cùng bà con ở tổ Một thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đi tiêm ngừa COVID-19. Tiện thể, dì Tư Hạ rẽ vô cổng rào trước nhà chú Út Cời.

- Anh Út à, anh cũng biết…

- Biết cô mở miệng ra là thắng lợi chớ gì? Út Cời “nhảy vào miệng dì Tư Hạ” nhưng liền đó, từ tốn nói:

- Tôi với Bảy Thà cùng các đồng chí dân quân đã bắt cá xong hết rồi, rộng mấy vèo dưới con khém sâu kìa. Tụi tui chờ cô đến để “điều quân khiển tướng” phân phát cho cô bác và các bếp ăn tình nghĩa. Còn chuyện Bảy Thà nhờ cô đến thuyết phục tôi ủng hộ cái ao cá là chú ấy có ý tạo điều kiện cho tụi mình… lấp cho nhau khoảng trống tâm hồn!

- Trời ơi trời! Bảy Thà nó giăng bẫy tính gài tôi!- Dì Tư Hạ lúng túng, ngượng ngập, nguây nguẩy đi. Chú Út Cời chạy tới, nắm tay Dì Tư Hạ kéo lại. Ôi! Sao chú thấy bàn tay Dì Tư Hạ run rẩy, trẻ trung, khao khát như thuở nào. Còn Dì Tư Hạ thẹn thùng la nho nhỏ:

- Giữ khoảng cách, giữ khoảng cách!

- Tiêm ngừa hai mũi vắc xin rồi mà… Hạ ơi, hổng ấy em cho tôi mở miệng ra là thắng lợi đi, để em có cơ hội “hát cương” như vầy: “Em đợi lâu rồi, rộng lòng em đã thứ tha…”

Gió vặn mình trên đọt tre mạnh tông, buông vào không gian một khúc nhạc trữ tình. Hai mái đầu đã trổ bông chanh của đôi tình nhân thời chiến chinh dường như xanh lại trong ký ức rạt rào. Họ tợ hai nhánh sông chung dòng chảy cần mẫn chở lòng thiện nguyện, để cưu mang đùm bọc bà con chòm xóm trong những ngày đại dịch.

HỒNG SƠN