Sáng ngời tấm gương tuổi trẻ và tinh thần bất khuất vì Tổ quốc

Cập nhật, 05:26, Chủ Nhật, 09/01/2022 (GMT+7)

 

Hàng chục vạn học sinh, sinh viên miền Nam dự đám tang anh Trần Văn Ơn 12/1/1950. Ảnh: Tư liệu
Hàng chục vạn học sinh, sinh viên miền Nam dự đám tang anh Trần Văn Ơn 12/1/1950. Ảnh: Tư liệu

(VLO) Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Sài Gòn, được sự lãnh đạo của Thành ủy Sài Gòn và Xứ ủy Nam Bộ, từ cuối năm 1949, cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh toàn thành phố ngày càng trở nên sôi động, quyết liệt, trở thành một lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh nội thành.

Tuổi trẻ bất khuất

Ngày 9/1/1950, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn- Chợ Lớn đã tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên (HSSV) các trường: Pétrus Ký (nay là THPT Chuyên Lê Hồng Phong), Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, Trường Trung học Pháp- Việt, Chesseloup Laubat, Marie Curie, Taberd, Lê Bá Cang, Mỹ thuật Gia Định và các trường ĐH Y, Dược, Pháp lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học… ở Sài Gòn- Chợ Lớn.

Đoàn HSSV cùng nhiều giáo chức, được hơn 7.000 nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn cùng tham gia biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho HSSV học tập và trả tự do cho những HSSV bị bắt. Đoàn biểu tình kéo đến Nha Học chính và dinh Thủ hiến bù nhìn thân Pháp Trần Văn Hữu, để đưa các yêu sách.

Cuộc biểu tình mỗi lúc một đông thêm. Đoàn người lúc đó đã kéo đến dinh thủ hiến Trần Văn Hữu. Đi đầu là học sinh Trần Văn Ơn- một trong những người lãnh đạo phong trào HSSV tại Sài Gòn.

Với sự quyết tâm, lòng quả cảm, anh đã bất chấp sự đàn áp của cảnh sát, động viên mọi người giữ vững hàng ngũ và liên tục, xông xáo cứu nhiều đồng đội là HSSV khỏi bị bắt.

Và trong lúc lăn xả vào cứu một nữ sinh bị cảnh sát bắt, anh bị một tên lính Pháp chĩa súng bắn. Trần Văn Ơn ngã xuống trên đường phố Sài Gòn. Anh đã anh dũng ra đi vào 3 giờ 25 phút ngày 9/1/1950.

Được tin, tất cả HSSV và nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ vô cùng căm phẫn và cực lực lên án cuộc tàn sát dã man HSSV của thực dân Pháp.

Sau một ngày, ngày 10/1/1950, hơn 500.000 HSSV, giáo chức, các tầng lớp nhân dân lao động Sài Gòn- Chợ Lớn và các tỉnh lân cận đã bãi công, bãi khóa không họp chợ, không làm việc, không tới trường, đi đưa đám tang Trần Văn Ơn.

Tại vòng xoay chợ Bến Thành cũng như nhiều nơi trung tâm khác, đám tang trở thành cuộc biểu tình lớn tố cáo tội ác của chính quyền Sài Gòn.

Từ đây có nhiều cuộc biểu dương lực lượng, biểu tình khổng lồ chưa từng có của HSSV Sài Gòn- Chợ Lớn và các đô thị Nam Bộ trước mũi súng quân thù.

Cùng ủng hộ cuộc đấu tranh của HSSV Sài Gòn- Chợ Lớn, ngày 11/1/1950, hơn 40.000 HSSV TP Huế đã xuống đường biểu tình phản đối hành động dã man của chính quyền Sài Gòn, đòi chúng phải chấm dứt ngay các hành vi tàn ác, đòi bồi thường nhân mạng.

Đúng ngày 12/1/1950, lễ tang Trần Văn Ơn được tổ chức trọng thể đã biến thành cuộc thị uy khổng lồ của 300.000 đồng bào Sài Gòn- Chợ Lớn, tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Dẫn đầu cuộc đưa tang Trần Văn Ơn là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trần Đình Thảo, kỹ sư Lưu Văn Lang, là những trí thức, nhân sĩ nổi tiếng Nam Bộ. Cùng khí thế đó, những người thân Pháp đấu tranh chống chiến tranh xâm lược hòa cùng với đoàn biểu tình.

Trước quan tài là hương án có hai câu đối bằng máu của HSSV viết để tỏ lòng thành với anh: “Chết vì Tổ quốc, chết mà sống mãi/ Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.

Từ cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và ý chí gan dạ, kiên cường, hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong HSSV Sài Gòn- Chợ Lớn và Nam Bộ lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Với sự kiện lịch sử đó, ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của Trần Văn Ơn và HSSV Sài Gòn- Chợ Lớn và Nam Bộ, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950 tại Việt Bắc quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm ngày truyền thống vẻ vang của HSSV.

Noi theo gương anh Trần Văn Ơn

Sau đám tang của anh Trần Văn Ơn, phong trào đấu tranh chính thức của HSSV Sài Gòn- Chợ Lớn và Nam Bộ đã kết nối nhau thành hành động yêu nước, truyền đi nhiều tỉnh, thành phố làm kẻ thù khiếp sợ.

Từ năm 1959- 1960, trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại Sài Gòn- Chợ Lớn và nhiều tỉnh Nam Bộ, sinh viên nhiều trường đại học đã noi theo anh Trần Văn Ơn, dấy lên phong trào yêu nước to lớn.

Theo nhạc sĩ Trần Tiến- Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phong trào “Bảo vệ văn hóa dân tộc”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” của HSSV dấy lên thành một cao trào, nối tiếp kéo dài cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Sau khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam, ngày 20/4/1966, một hiện tượng làm rúng động đời sống văn hóa- văn nghệ miền Nam lúc bấy giờ, đó là việc 118 văn nghệ sĩ tên tuổi cùng nhiều sinh viên chủ chốt, đồng ký tên vào Bản tuyên ngôn đòi tự do sáng tác, tự do xuất bản, phản đối chính quyền Sài Gòn kìm kẹp văn nghệ tiến bộ, cổ súy cho văn hóa nô dịch, đồi trụy.

Bản tuyên ngôn là tiếng nói đanh thép của lương tri dân tộc, đánh thẳng, đánh công khai vào nền tảng và bản chất văn hóa, tinh thần của chế độ thống trị phản động.

Cùng với đó, phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc, tháng 10/1966 Thành Đoàn Sài Gòn trực tiếp lãnh đạo và tổ chức Đoàn văn nghệ HSSV Sài Gòn- Chợ Lớn.

Ngày 12/12/1966, tại Trường Quốc gia Âm nhạc, Đoàn HSSV biểu diễn chương trình văn nghệ với nhiều bài hát dân tộc, kêu gọi đấu tranh như nhạc phẩm “Việt Nam gấm vóc”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Điệu múa kháng chiến Nông tác vũ”, kịch “Đường vào lòng dân”, vũ khúc “Tiếng trống hào hùng”,… được đông đảo khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.

Sau đó Báo Sinh viên được thành lập thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, để đấu tranh chống Mỹ và chế độ tay sai, bảo vệ nền văn hóa nước nhà, mở đầu cho cao trào văn hóa của HSSV.

Đó là những ngày mà phong trào HSSV như cuốn hút khắp nơi: “Dậy mà đi! Dậy mà đi! Ai chiến thắng không hề chiến bại. Ai nên khôn không khốn một lần.

Đừng tiếc nữa can chi mà khóc mãi. Dậy mà đi núi sông đang chờ. Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”. (Dậy mà đi- Nguyễn Xuân Tân).

Hoặc: “Ngày nao thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ- ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào. Dành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh. Dành lại thành phố đó Việt Nam nâng cao hòa bình…” (Hát cho dân tôi nghe- Tôn Thất Lập).

Sau ngày miền Nam giải phóng và hiện nay hơn 2,5 triệu HSSV cả nước luôn là một lực lượng của thế hệ trẻ học và làm theo lời Bác dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tuổi trẻ, HSSV cả nước luôn đinh ninh lời Bác dạy, thi đua thực hiện thắng lợi các phong trào: “Thanh niên rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng”, “Thanh niên vươn tới những đỉnh cao”, phong trào “Thanh niên tiến quân vào khoa học và công nghệ”… và luôn vượt mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện đoạt những giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế; góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

PHẠM BÁ NHIỄU