Khám lớn Vĩnh Long: Gìn giữ dòng ký ức bi hùng

Cập nhật, 05:22, Thứ Bảy, 15/01/2022 (GMT+7)

 

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời và nhân chứng lịch sử đến thăm di tích Khám lớn Vĩnh Long.
Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời và nhân chứng lịch sử đến thăm di tích Khám lớn Vĩnh Long.

Trong 60 năm, Khám lớn Vĩnh Long là nơi giam cầm, đọa đày hàng chục ngàn người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long hôm nay nỗ lực giữ gìn Khám lớn, kể lại ký ức về một thời hoa lửa bi thương mà hùng tráng cho thế hệ mai sau.

Nơi lưu giữ tinh thần yêu nước kiên trung

Khám lớn Vĩnh Long được chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng vào năm 1915 trên diện tích khoảng 4.000m2 ở vị trí kề bên Dinh Tỉnh trưởng (nay là Bảo tàng tỉnh).

Khám lớn là nơi ghi dấu ý chí đấu tranh kiên cường, tinh thần kiên trung, bất khuất của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước từ trước và sau khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Theo ông Phan Thanh Hiệp- Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh Vĩnh Long, những chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên bị địch bắt ở Khám Vĩnh Long ngày đó tập trung lại thành chi bộ để lãnh đạo đấu tranh. Tại Khám lớn diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của tù chính trị chống chào cờ, cải thiện dân sinh, dân chủ.

Điển hình như cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ năm 1956, năm 1957 và đầu năm 1959 giành thắng lợi. Ông Huỳnh Văn Mỗng, Hồ Minh Mẫn... làm cho bọn giám thị đuối lý.

Hành động vạch mặt kẻ thù trước tòa của ông Nguyễn Văn Thân (Bảy Nhỏ), sự ung dung của ông Huỳnh Văn Đạt trước khi lên máy chém, cuộc vượt ngục của ông Nguyễn Ký Ức, ông Phạm Minh Chánh... Tất cả góp phần làm giàu thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Những câu chuyện bi hùng được kể lại, để thế hệ mai sau thêm tự hào về truyền thống quê hương.
Những câu chuyện bi hùng được kể lại, để thế hệ mai sau thêm tự hào về truyền thống quê hương.

Chốn ngục tù tăm tối ở Khám lớn đã ghi lại biết bao câu chuyện bi tráng, thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của tiền nhân; làm sáng rõ tình đồng chí, đồng đội, nghĩa đồng bào trong hoạn nạn, tù đày. Nhiều trẻ em được sinh ra hoặc phải theo mẹ cùng chịu cảnh giam cầm ngay từ khi mới chào đời.

Bà Đỗ Thị Năm (Năm Thắng) làm giao liên tại xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, bị địch bắt giam tại Khám lớn Vĩnh Long vào tháng 10/1968. Bà vào nhà giam khi đã mang thai được 4 tháng.

Khi chuyển dạ, bà Năm bị còng tay chân giải qua nhà thương Vĩnh Long. Bảy ngày sau sinh bà bị giải về tiếp tục giam tại Khám lớn. Để ghi nhớ hoàn cảnh nghiệt ngã này, bà Năm đặt tên con mình là Nguyễn Văn Thật.

Trong cảnh lao tù khốn khổ, bà Năm được các chị em bạn tù đùm bọc chia sẻ từng tấm áo, giọt sữa để bà nuôi con nhỏ. Bà Năm đã kiên gan giữ gìn khí tiết người chiến sĩ cách mạng; nuôi nấng, bảo bọc đứa con vẹn tròn.

Chiến thắng ngục tù, địch phải trả tự do cho bà vào tháng 7/1969. Khi ra khỏi Khám lớn, bà tiếp tục hoạt động cách mạng, lập được nhiều chiến công.

Chỉ riêng giai đoạn từ năm 1930- 1975, đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên cùng hàng ngàn đồng bào yêu nước ở Vĩnh Long và các tỉnh lân cận bị bắt, giam giữ tại Khám lớn, trong đó nhiều người sau này trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều đồng chí là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, như: đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Thế, Trịnh Văn Lâu, Hồ Minh Mẫn, Nguyễn Ký Ức, Nguyễn Văn Đời… Khí phách của người chiến sĩ cộng sản còn lưu lại trên bức tường úa màu thời gian với dòng đỏ thắm: “Máu ta tô thắm màu cờ/ Thây ta xây đắp cõi bờ thêm tươi/ Đầu ta dù bị đoạn rơi/Chí ta sống mãi muôn đời vì dân”-ông Hồ Minh Mẫn- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long- người từng bị kết án tử hình đã viết lên tường phòng biệt giam.

Giữ gìn di sản cho mai sau

Sau ngày 30/4/1975, di tích Khám lớn được Công an Vĩnh Long quản lý và sử dụng. Năm 1994, Công an Vĩnh Long giao một phần di tích Khám lớn cho Bảo tàng Vĩnh Long quản lý. Phần diện tích Khám lớn hiện được bảo tồn là 1.224,4m2, phần còn lại được cải tạo mở rộng thành khu chợ phục vụ dân sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với ý nghĩa to lớn, UBND đã xếp hạng Khám lớn Vĩnh Long là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã tổ chức hai hội thảo khoa học di tích Khám lớn, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử, qua đó có kế hoạch trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Bà Đào Thị Biểu xúc động khi đến thăm di tích Khám lớn.
Bà Đào Thị Biểu xúc động khi đến thăm di tích Khám lớn.

Công tác sưu tầm hiện vật trong quá trình hoạt động của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long qua các thời kỳ, những cán bộ, tù chính trị trong thời gian bị bắt giam tại Khám lớn cũng được triển khai tích cực, đến nay đã sưu tầm được trên 40 hiện vật.

Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích Khám lớn Vĩnh Long trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, di tích Khám lớn thuộc vị trí trung tâm TP Vĩnh Long, rất thuận lợi cho thu hút khách tham quan du lịch, do đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hoa viên, phục dựng cảnh quan phù hợp để phục vụ khách tham quan.

Cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị; đẩy mạnh công tác sưu tầm làm phong phú thêm nguồn tư liệu, hiện vật và tổ chức trưng bày đảm bảo tính khoa học và thẩm mỹ, phản ánh chân thật lịch sử để thu hút người xem.

Khám lớn Vĩnh Long sẽ là một địa chỉ đỏ góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của cha ông, về tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tiếp bước truyền thống hào hùng, những người trẻ phát huy trách nhiệm của mình, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, ra sức học tập, đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY