"Văn hóa là một mặt trận"

Cập nhật, 16:12, Thứ Hai, 14/06/2021 (GMT+7)

 

Cần khẳng định vai trò xung kích của văn hóa nghệ thuật.
Cần khẳng định vai trò xung kích của văn hóa nghệ thuật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Tư tưởng của Người là nền tảng, là khát vọng của dân tộc ta khẳng định bản sắc của mình.

Chân lý này cũng đã được chứng minh trong suốt chiều dài hàng ngàn năm của lịch sử đất nước. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phải là những chiến sĩ vững vàng, điều này vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Đất nước ta nhiều lần bị đủ các loại kẻ thù xâm lược, dù có mấy mươi năm, mấy trăm năm thậm chí hàng ngàn năm, nhưng chúng ta chưa hề mất đi bản sắc văn hóa dân tộc; bởi lẽ trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta vẫn giữ gìn được gia tài văn hóa, giữ gìn được bản sắc riêng.

Hàng ngàn năm kẻ thù phương Bắc âm mưu “thay hình, đổi dạng” dân ta, nhưng không thể nào thay được dòng máu Lạc Hồng cuộn chảy trong trái tim, huyết quản dân ta. Bao nhiêu năm, những đế quốc phương Tây du nhập những thứ văn hóa lai căng, hòng xây dựng hình hài quái thai của loại hình văn hóa nghệ thuật ngoại lai trên đất nước này, nhưng không thể nào làm mất đi cái gốc rễ của dân tộc anh hùng.

Nhưng sẽ thật đau lòng trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đã có đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất, kinh tế- xã hội ngày càng phát triển phồn vinh, xây dựng được vị thế đầy tự hào trên trường quốc tế, thì có lúc chúng ta đã lơ là trên mặt trận văn hóa dân tộc, “những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đã có người này, người nọ sai lầm trong nhận thức nghĩa vụ của mình với đất nước, sứ mệnh của mình với di sản văn hóa của dân tộc.

Và thật sự đáng buồn, đáng lo hơn khi những sai lầm này đã tạo nên một “kiểu văn hóa nghệ thuật”, một “kiểu thụ hưởng văn hóa nghệ thuật” rất đỗi tầm thường trong bộ phận người dân, nhất là giới trẻ hiện nay. Chúng ta nên nằm lòng rằng văn hóa chính là đặc tính căn bản nhận dạng một dân tộc; một nền văn hóa độc đáo, giàu có và đồ sộ của dân tộc ta không thể nào để bị lấn áp bởi những điều tầm thường được.

Với sức mạnh của công nghệ, với trào lưu tạo nên những “thần tượng” một cách dễ dãi, lệch lạc chẳng khác nào như cỏ dại mọc tràn lan phủ đầy trên “mảnh ruộng văn hóa dân tộc”. Chúng ta cần 2 vấn đề lớn: sự chấn chỉnh từ các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời cần sự nhận thức, nhận diện những chân giá trị văn hóa từ quần chúng nhân dân, từ lớp trẻ.

Sự cuồng tín mù quáng đánh mất bản thân, bỏ quên những chân giá trị cần phải luôn được bảo vệ và tôn thờ của dân tộc này, đất nước này. Tội lớn nhất là những người đang làm nghề, đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang cố tình đánh tráo khái niệm và dẫn dắt đám đông cuồng fan, cuồng tín lạc vào con đường thụ hưởng thứ nghệ thuật nhảm nhí, mất chất, mất tính chiến đấu.

Trên cõi Nam Bộ xưa, những đứa trẻ chửi thề, nói tục sẽ bị ăn roi, có khi bị vả rụng răng. Người lớn xưng hô chỉ gọi thứ, không dám kêu tên, con nít được dạy ngang qua đình miếu phải lột nón, vì trong đó thờ những vị thần, vị thánh có công với dân, với nước.

Con nít kêu “Thánh thần ơi” cũng dễ ăn đòn. Mỗi câu nói bắt đầu bằng từ: “dạ, thưa”. Đó mới chỉ là những điều căn bản nhất được nuôi dạy từ nhỏ trong mỗi gia đình, rồi khi đến trường mới bắt đầu được dạy những điều lớn lao hơn như: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.

Không hiểu tại sao ngày nay người ta rất dễ văng tục trước công chúng, mà nhiều nhất là trong một số người được gọi là văn nghệ sĩ. Người ta cũng dễ dàng “phong thánh” một cách rất tầm bậy và hỗn xược không có văn hóa, như: “thánh chửi”, “thánh sún”, “thánh ăn”…

Còn một trò chơi mua vui 60 giây, khi nói tục, chửi bậy lại được đưa lên thành “Là trí tuệ, là niềm tự hào của đất nước Việt Nam với thế giới”, mà câu nói này là của kẻ có đến mấy triệu fan cuồng, phát biểu trên sóng truyền hình hàng triệu người xem, thì đó là cái gì vậy? Còn âm nhạc thì ngôn ngữ thế này: “Chúng ta ở trên là tình bạn, ở dưới là tình yêu”, lại vẫn được phát ngôn trên sóng truyền hình rằng “Hay quá, sẽ thành câu “hit” của giới trẻ”.

Và một thứ văn nghệ rẻ tiền, âm tính rất lạc loài nảy nòi ngày càng nhiều và lôi kéo lượng fan rầm rộ. Một người làm nghề hát mà tuổi đời chưa bằng tuổi nghề của nhiều vị tiền bối, dám thậm xưng là “Ông hoàng nhạc Việt” rồi vẫn được mọi người mặc nhiên công nhận; xem như “ngự chễm chệ” trên nền âm nhạc của đất nước này.

Chỉ mới là rất ít một số ví dụ, chúng ta thấy trên mặt trận văn hóa văn nghệ của chúng ta đã có nhiều người quên mất vai trò chiến sĩ của mình rồi. Văn hóa văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, soi sáng dưới tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn thể hiện vai trò xung kích, đóng góp to lớn vào các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ hòa bình, đất nước thống nhất, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Xây dựng nền văn hóa dân tộc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Cũng đáng mừng, vừa mới đây, ông Tạ Quang Đông- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương; Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Văn bản đã chỉ ra những sai phạm của một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.

Hy vọng cùng với sự siết chặt quản lý từ phía cơ quan nhà nước, mỗi khán giả, người dân cùng nhau tự nhận thức góp phần làm lành mạnh, trong sạch môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà. Cùng nhau giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển của đất nước.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG