Truyện ngắn: Những tia nắng cuối ngày

Cập nhật, 16:04, Thứ Hai, 14/06/2021 (GMT+7)

- Tân, vào lớp đi con! Sao bữa nay con tới trễ vậy?

Nghe cô giáo gọi, thằng bé đang đứng rụt rè trước cửa khẽ dạ rồi bẽn lẽn bước vào, ngồi ở bàn cuối. Nó đã mười bốn tuổi nhưng dáng người nhỏ thó, da cháy nắng, tóc thì loe hoe vàng.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Hôm đưa thằng bé tới học ở lớp tình thương này, chú Năm Trưởng ấp cho cô giáo biết nhà nó nghèo, ba nó là thương binh, gà trống nuôi con, anh nó bị nhiễm chất độc da cam, thân hình quặt quẹo, ngớ ngẩn như một đứa trẻ. Dù gia đình rất được chính quyền địa phương quan tâm nhưng hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, ba nó phải đi làm mướn để kiếm thêm tiền lo thuốc thang cho con. Nó thì vừa mò hến, bắt cá gần nhà vừa trông chừng người anh bệnh tật nên chuyện học hành đành phải dở dang. Nghe qua gia cảnh, cô giáo rất cảm động, thấy thương và thông cảm cho cậu học trò nhỏ.

Mặt trời xuống chậm, những tia nắng cuối ngày buông nhẹ, mỏng như những sợi tơ trôi trên dòng sông Hậu. Sóng nhẹ nhàng đưa những giề lục bình dạt về phía bãi bồi, nơi có vô số những cây bần con vừa chen mình nhô lên từ lớp bùn nhão đầy ắp những hạt phù sa mịn màng. Cô giáo vừa tưới xong mấy liếp rau muống, xà lách và đang ngồi ở gốc cồng ngắm hoàng hôn trên sông thì thằng bé cặp xuồng vào bến. Nó cột dây vô gốc bần rồi phóng nhanh lên bờ như con sóc. Cô giáo ngạc nhiên:

- Ủa, Tân! Giờ này… sao con?…

Thằng bé bẽn lẽn cười, để lộ hàm răng trắng đều, mái tóc cháy nắng loe hoe vàng của nó lòa xòa bay theo gió. Đến gần bên cô, mặt hơi cúi xuống, nó rụt rè cúi chào:

- Dạ, thưa cô!- nó ngập ngừng một lúc rồi nói bằng cái giọng lặp bặp- Ba biểu con… đem cái này qua… biếu cô.

Nó trao một xâu cá kèo phơi khô rồi chưa kịp để cô giáo nói câu cảm ơn liền vụt bỏ chạy xuống bến, mở dây lòi tói và lại phóng nhanh xuống làm mũi xuồng dạt ra. Thằng bé lẹ làng đến đỗi cô chỉ còn biết dõi mắt nhìn theo nó đang xa dần trên chiếc xuồng ba lá, nhỏ nhoi giữa trời nước mênh mông.

Nhìn thằng bé, cô giáo bỗng nhớ những đứa học trò ngày xưa. Lúc ấy, cô sống trong một căn nhà nhỏ, ở một khu phố nhỏ của thị trấn, nơi có nhiều kỷ niệm đẹp thời con gái và mấy mươi năm là giáo viên đứng trên bục giảng. Cha mẹ mất sớm, cô đã thay đấng sinh thành nuôi dạy đứa em út nên người. Giờ, cô đã nghỉ hưu, em cô đã lập gia đình, cô về quê sống ở mảnh đất hương quả của ông bà.

Trong căn nhà nhỏ ấy, từ ô cửa sổ trên căn gác, cô đã thao thức nhiều đêm bên trang giáo án cùng những buổi chợ khuya êm đềm. Tiếng rao của bà xẩm bán bánh bao lơ lớ, dìu dặt trong màn sương: “Pánh… pao… lây!… Pánh pao… lóng hổi lây!” Thằng bé người miền Trung chạy khắp phố, gõ nhịp tre lốc cốc mời hủ tiếu. Chú Mập thì với cái giọng đặc sệt: “Bánh bò… củ cải… bánh tiêu đây!”… Những âm thanh tưởng chừng như đơn điệu ấy đã hòa quyện vào nhau tạo thành một tiết tấu chung, tô điểm cho chợ khuya sự gần gũi, thân thuộc như những lời tự tình của quê hương.

Cô giáo càng không thể quên cây dương ở miễu Bà già nua, thân sần sùi, trên cành cao, có con chim cú tròn xoe đôi mắt, thỉnh thoảng cất tiếng kêu rờn rợn trong màn đêm. Hồi nhỏ, mỗi lần nghe tiếng kêu của nó là gai ốc cô nổi toàn thân bởi người ta đã thêu dệt nhiều câu chuyện ma quái, rùng rợn về con chim cú ở cây dương. Có người ghét nó, cho rằng tiếng kêu xui xẻo nên tìm cách đuổi đi. Ông Từ thì không vậy, ông bảo nó là con vật thiêng của miễu. Con nít trong xóm không ghét, chỉ sợ vì nghĩ rằng cú kêu là có ma nên buổi tối ít dám chơi trốn tìm quanh gốc cây dương.

Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhưng cái tâm của một nhà giáo đã khiến cô không chịu nghỉ ngơi, và chính lớp học tình thương này đã giúp cô thấy được cuộc sống còn thật nhiều ý nghĩa khi bản thân còn cống hiến cho đời. Không riêng gì Tân, học trò ở lớp tình thương của cô đa phần đều nghèo nên chịu nhiều thiệt thòi. Em Yến, cha mẹ ly dị, mỗi người đều đang vui bên hạnh phúc mới, bỏ lại con bé sống côi cút với bà ngoại già, nay ốm mai đau. Thằng Minh nhà đông anh em, chuyện học hành luôn bị dở dang vì phải thường xuyên theo ba nuôi vịt chạy đồng,… Mỗi em một hoàn cảnh, một số phận. Cô không đủ khả năng giúp được tất cả, lòng chỉ thấy vui và thật sự hạnh phúc bên nụ cười của các em khi tìm đến con chữ.

* * *

Ba ngày đã trôi qua mà Tân không đi học, cô giáo đâm lo. Cô nhờ trò Minh- bạn thân của Tân- bơi xuồng chở cô đi thăm bởi nhà Tân ở mãi tận bên cồn. Vượt qua sông Hậu, cô giáo sợ muốn đứng tim vì hôm nay không hiểu sao những đợt sóng cứ lũ lượt từ xa kéo tới mà chiếc xuồng của hai cô trò thì quá nhỏ, như chơi vơi giữa trời nước mênh mông. Trái lại, Minh luôn nở nụ cười đầy tự tin, khéo léo cho xuồng xuôi theo ngọn sóng một cách an toàn. Con nít miền sông nước là vậy, rất “nghề” trong việc chèo chống và rất thành thạo, thân thuộc với cây dầm, mái chèo, chiếc xuồng, chiếc ghe.

Nhà Tân, ngôi nhà nhỏ nhìn ra dòng sông rộng. Dưới bến, gió lồng lộng xào xạc lay những hàng bần. Trước nhà là giàn hoa cát đằng, những chuỗi hoa đang rập rờn như hàng trăm, hàng ngàn cánh bướm rung lay. Nhìn hoa cát đằng, cô giáo chợt nghe lòng mình se lại. Cô nhớ thời cắp sách, những buổi tan trường thường ngẩn ngơ nhìn hoa cát đằng trong gió bay bay.

Xuồng vừa cặp vào bến, thằng Minh đã gọi vọng lên í ới:

- Tân ơi! Tân ơi! Cô tới thăm mầy nè.

Không cần phải đợi lâu, Tân từ nhà chạy xuống, vội vàng suýt vấp ngã vì cái rễ cây to nhô lên mặt đất. Nó khoanh tròn hai tay:

- Dạ, con mời cô lên nhà.

Cô giáo bước theo, hỏi:

- Mấy ngày nay sao con không đi học, Tân?

- Dạ, hổm rày anh con bệnh nhiều, ba thì hổng được khỏe, hay kêu đau nhức nên… con phải ở nhà… cô đừng giận con!

Cô giáo nhẹ nhàng xoa đầu cậu học trò nhỏ:

- Không, cô chỉ lo cho con thôi. Không ngờ con là đứa bé rất thương anh mình và hiếu thảo nữa.

Nghe khen, thằng bé lại bẽn lẽn cười rồi nhìn dáo dác khắp nhà:

- Ủa, ba con?… Ba ơi! Ba ơi!

Tiếng một người đàn ông từ nhà trong vọng ra:

- Mời cô ngồi nghỉ, nấu nước pha bình trà mời cô uống đi con!

Thằng bé dạ rồi kéo tay Minh xuống nhà bếp nhóm lửa, bắc ấm nước. Người đàn ông vừa thay xong bộ quần áo mới, tươm tất bước ra, gật đầu:

- Chào cô!

Cô giáo ngước lên, chạm cái nhìn vào đôi mắt sâu thẳm thẳm của người đàn ông khiến cô thấy lúng túng, quên cả việc chào lại chủ nhà. Còn người đàn ông, không biết anh đang nghĩ gì mà cứ đứng trân nhìn cô giáo. Năm giây… Bảy giây… Anh bóp trán suy nghĩ rồi bất chợt thảng thốt kêu lên:

- Cô giáo?… Cô?... Cô?... Ngân?...

Cô giáo tròn mắt:

- Anh?... Anh?... Huy… Anh là… là Huy phải không?

- Trời ơi! Cô!... Ngân! Đúng là Ngân rồi!

… Mấy mươi năm trước, Huy và Ngân là những cô cậu học trò tuổi mười chín đôi mươi. Huy là lớp trưởng, học giỏi và gương mẫu. Ngân- cô bé dễ khóc, thích viết nhật ký, chép nhạc, làm thơ, hay ngồi suy tư một mình nhìn mưa rơi. Không hiểu sao con gái thường dỗi hờn vô cớ. Ngân hay làm nũng, đặc biệt là với Huy khiến anh chàng lớp trưởng có chiếc sóng mũi cao cao thanh tú ấy thường phải bỏ ra hàng giờ để dỗ dành cô bạn gái cùng lớp hay giận, dễ hờn nhưng lại rất đáng yêu. Lâu dần, giữa hai người đã nảy sinh tình cảm, chưa hẳn là tình yêu nhưng rất đẹp. Tình cảm tuổi học trò rồi cũng chóng qua đi khi Ngân thi đậu vào trường sư phạm, còn Huy thì theo cha vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ. Chớp mắt đã mấy mươi năm, giờ Ngân là cô giáo đã nghỉ hưu, Huy- anh thương binh thời bình với tay cày, tay cuốc. Không ngờ hôm nay họ gặp lại nhau trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: cô giáo dạy lớp tình thương và phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Huy mời cô giáo tách trà nhưng giật mình, lúng túng chợt nhớ hai đứa nhỏ vẫn còn loay hoay với cái ấm nước chưa kịp sôi dưới bếp.

- Lúc này… Ngân khỏe không? Anh nhà và mấy cháu...

- Em khỏe… nhưng… hồi nào tới giờ vẫn… ở vậy một mình.

Huy ngẩn người, thấy mình có lỗi vì vô tình hỏi thăm một câu đáng ra không nên hỏi với một người phụ nữ độc thân. Nhưng làm sao anh biết được, đã mấy mươi năm không gặp, từ cái đêm hai người chia tay ở quán nước rồi mỗi kẻ một phương. Đêm ấy, mưa buông những sợi dài trên phố rồi dùng dằng trên mái ngói rêu phong. Quán vắng khách. Trong tiếng nhạc bolero du dương, tình tứ từ chiếc máy cát-sét cũ, hai người đã ngồi im lặng bên nhau rất lâu để chờ… cơn mưa dứt hạt. Nhưng có lẽ ông trời cũng buồn hay cố tình sắp đặt mà xui khiến cho những giọt nước li ti kia cứ ray rắc hoài không dứt. Lúc ấy, Huy chợt nhận ra hình như có giọt nước nào vừa rơi trên mắt Ngân khiến đôi mắt đen láy chợt sóng sánh tựa như giọt mưa thu.

- Còn chị nhà?

Cô giáo chợt nhớ tới hoàn cảnh gà trống nuôi con của anh nên nhìn lên bàn thờ, nơi có bức ảnh đen trắng của một cô gái trẻ thắt hai bím tóc, trên cổ choàng chiếc khăn rằn.

Huy nhìn theo, khẽ gật:

- Đó là mẹ của thằng Tân. Chúng tôi quen nhau rồi tổ chức cưới đơn giản hồi ở chiến khu.

Im lặng vài giây, đôi mày Huy nhíu lại, giãn ra rồi khẽ khàng kể tiếp:

- Sau ngày giải phóng chúng tôi mới sanh con, nhưng… đứa đầu lòng- một bé gái bị dị tật và chết vừa lúc chào đời. Cũng vì vậy mà rất lâu chúng tôi mới dám sanh thêm đứa thứ hai. Thấy con được nguyên vẹn, vợ chồng mừng lắm. Nhưng sau đó đứa bé cứ bị sốt liên miên, cơ thể bắt đầu biến dạng và ngớ ngẩn.

Huy nói mà mắt ứa nước. Cô giáo bước vào trong, chứng kiến tình cảnh của chàng thanh niên nhỏ như một đứa bé bệnh tật mà nước mắt cô chợt rơi tự lúc nào. Nó nằm trên bộ vạc tre, cái đầu to, tay chân ốm tong teo, cặp mắt thì vô hồn. Cô nhìn vào mắt Huy bằng sự cảm thông vô hạn:

- Còn thằng Tân? Nó...

- Lúc đó, chúng tôi chỉ biết buồn cho số phận chớ đâu biết đến di chứng da cam và chất độc đi-ô-xin là gì. Hơn mười năm sau, thằng Tân chào đời trong sự kỳ vọng của vợ chồng tôi. Nhờ trời, nó mạnh khỏe và bình thường cho tới bây giờ. Nhưng… mẹ nó sớm vội ra đi, không kịp nhìn thấy đứa con duy nhất được lành lặn như bao trẻ khác. Ngân ơi, anh lo quá, chất độc chắc cũng đang tiềm ẩn trong người nó, không biết rồi đây…

Không nói được, Huy nức nở.

- Anh đừng nghĩ quẩn. Thằng Tân chắc… hổng sao đâu. Em thấy nó có tư chất thông minh, vì hoàn cảnh nên phải chịu thiệt thòi hơn các bạn. Anh cứ yên tâm, từ nay chuyện học hành của nó cứ giao hết cho em.

Nghe người bạn học cũ an ủi, Huy nghe xốn xang trong lòng. Tuổi trẻ anh đã cống hiến cho đất nước, những tưởng ngày hòa bình sẽ là ngày hạnh phúc nhất. Đâu ngờ… bao nhiêu tiền bạc, ruộng vườn đã cầm cố hết đổ hết vào thằng con bệnh tật. Hàng ngày, anh phải làm thuê làm mướn nhưng cũng chẳng thấm vào đâu trước căn bệnh quái ác của đứa con mà chính vợ chồng anh- chiến tranh đã mang lại khiến nó ngớ ngẩn không bằng đứa bé lên ba.

* * *

Chiều, con nước lớn gọi gió về thì thào trên ngọn bần xanh thẫm hòa cùng tiếng bìm bịp gọi buồn như đang thổn thức một nỗi lòng thầm kín. Nhìn những tia nắng cuối ngày nhẹ nhàng trôi trên sông, lan ra tận chân trời xa rồi óng ánh như mạ bạc những con sóng, cô giáo chợt nhớ những buổi chợ khuya nhìn từ căn gác cũ kỹ của gia đình. Cô nhớ cây dương ở miễu Bà, nhớ cả con chim cú đậu ở cành cao thảng thốt kêu lẻ bạn trong màn đêm cô độc. Cô nhớ thời cắp sách thích ngồi ngắm hoa cát đằng rung lay trong gió, những chuỗi hoa dài, thon thả như dáng những nàng tiên nữ trong tranh xách lẵng đào tiên dâng lên Tây Vương Mẫu. Giờ đây, một đóa hoa ép vào quyển lưu bút cùng những lời “Tự bạch” của Huy ngày nào cô vẫn còn giữ, dẫu có phai màu nhưng mãi là kỷ niệm đẹp của cái thời “mực tím”. Nay gặp lại Huy, ở vào cái tuổi mà chuyện tình cảm trai gái gần như đã nguội lạnh nhưng không hiểu sao cô bỗng nghe lòng mình thoáng mơ mộng vẩn vơ tựa cái thuở mười lăm, mười bảy. Cô mơ màng nghĩ đến một hạnh phúc, hạnh phúc ấy chính là tình bạn bè bền vững. Cô sẽ giúp đỡ, san sẻ, động viên Huy đi tiếp quãng đời còn lại, sẽ giáo dục con trai Huy- cháu cô nên người.

* * *

Hai mươi tháng mười một năm nay, lớp học tình thương của cô giáo nhộn nhịp, rộn rã tiếng cười. Các em học trò nghèo của cô đã âm thầm mò tép, bắt ốc, bắt cá,… từ chiều hôm qua. Sáng sớm, chúng mặc quần áo mới đến nhà cô, nấu ốc, nướng cá, xuống bến hái đọt lục bình non, tai tượng nấu lẩu cá kèo,… Chúng ca hát, chúc mừng cô. Tân cũng có mặt, không còn bẽn lẽn mà vào bếp phụ nấu nướng lăng xăng cùng các bạn.

Trời nhập nhoạng, bọn trẻ đã ra về từ lâu mà căn nhà của cô giáo niềm vui như vẫn còn lẩn quẩn đâu đây. Bỗng từ bến sông có chiếc xuồng cặp bến, một người đàn ông chậm rãi bước lên, đến bên cô giáo. Cô sửng sốt: “Anh Huy!” Huy nhoẻn miệng cười, nụ cười vẫn còn duyên như thuở nào đã từng làm hồi hộp bao trái tim của các cô bạn gái cùng lớp hồi mấy mươi năm về trước. Và bây giờ, cô giáo lại chợt nghe tim mình đập mạnh và những kỷ niệm ngày xưa bỗng thức dậy, nhẹ nhàng như một cuộn phim quay chậm.

Huy bước đến bên, trân trọng trao cho cô món quà chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam- một chuỗi hoa cát đằng tím nhạt trong hoàng hôn. Cô ngập ngừng, đón nhận rồi thẹn thùng nhìn ra hàng bằng lăng cạnh dòng sông căng nước. Lúc ấy, trăng non cũng vừa hé trên rặng bần xanh thẫm.

NGUYỄN LINH