Ca múa thời kháng chiến

Rất gian lao nhưng cũng rất tự hào

Cập nhật, 12:05, Thứ Bảy, 26/12/2020 (GMT+7)

 

Kịch múa “Một trận chiến đấu bình thường”. Ảnh: TRẦN LÂM
Kịch múa “Một trận chiến đấu bình thường”. Ảnh: TRẦN LÂM

Văn nghệ đã tích cực góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, văn nghệ trở thành vũ khí sắc bén thu phục lòng người và làm cho kẻ thù khiếp sợ. Múa và ca múa là một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc mang tính hiện đại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong nền văn nghệ kháng chiến.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ca múa đã có mặt như một mũi xung kích, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng. Trên nền tảng đó, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, Đoàn Văn công Cửu Long ra đời năm 1961. Hạt nhân của đoàn là đội ca múa kịch xã Mỹ Thuận gồm trên dưới 10 thành viên là thanh niên nam nữ của địa phương cùng với cán bộ, bộ đội,...

Những lời ca tiếng hát của các anh chị đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của dân một nước bị xâm lược, góp phần động viên tinh thần của quân và dân, cán bộ, đảng viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu để chiến đấu và chiến thắng.

Ở Vĩnh Long, bộ môn múa chính thức thành hình và mang tính chuyên nghiệp từ cuối năm 1964 do đồng chí Huỳnh Thanh Trang (Ba Trang) chỉ đạo. Giai đoạn này, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chuyển sang chiến tranh cục bộ. Chúng tăng cường dồn dân lập “ấp chiến lược”, đôn quân bắt lính. Cuộc chiến đấu chống quân thù của quân dân tỉnh Vĩnh Long ngày càng khốc liệt.

Trong hoàn cảnh này, sự có mặt của Đoàn Văn công tỉnh rất quan trọng, với tinh thần “lấy tiếng hát át tiếng bom”. Quân số chỉ có 30 người gồm cả lãnh đạo, nhạc sĩ, nhạc công, diễn viên... Đoàn đã sáng tác và biểu diễn rất nhiều tiết mục mới. Trong đó tiết mục múa đầu tiên mang tên “Nông dân dưới cờ Đảng”. Tiết mục được dàn dựng trên nền nhạc của nhạc sĩ Thanh Cường do Huỳnh Thanh Trang biên đạo. Đây là một kịch múa mở đầu bằng cảnh các thanh niên nam nữ cùng nhân dân hăng say sản xuất thì bọn địch tới bắt lính.

Chúng lùa những thanh niên trai tráng ra mặt trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Địch đang hùng hổ ra oai thì có một lão nông hiên ngang bước ra. Lão nông tay giương cao cờ Đảng, thể hiện niềm tin sắt đá, sức mạnh phi thường của nhân dân, kêu gọi quần chúng, tập hợp thanh niên theo Đảng đấu tranh chống lại kẻ thù.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, thanh niên nam nữ đứng lên chắc tay súng, vững tay cày, cùng tập hợp dưới cờ Đảng, anh dũng tiến lên bằng tất cả niềm tin và sức mạnh, không sợ hy sinh gian khổ, chống lại kẻ thù hung bạo, làm cho chúng khiếp sợ phải rút lui.

Kịch múa thật hoành tráng hào hùng, đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của cán bộ chiến sĩ, nhân dân qua những lần đi lưu diễn trên khắp các chiến trường trong tỉnh, trong vùng giải phóng và cả vùng kiềm “ấp chiến lược”. Kịch múa thật sự là nguồn động viên lớn lao cho đồng bào, chiến sĩ và cán bộ vượt qua mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu và chiến thắng.

Kế thừa thành công đó, trong thời gian tiếp theo và những năm dài của cuộc kháng chiến trường kỳ, do tính chất khốc liệt của cuộc kháng chiến, sự hy sinh có lúc lên đến tột cùng, nhưng nghệ sĩ, diễn viên múa đã cùng chen vai sát cánh với những cán bộ, diễn viên trong đoàn tiếp tục sáng tác và dàn dựng những tác phẩm mới thật hào hùng để phục vụ đồng bào, phục vụ cán bộ, chiến sĩ.

Vỡ múa “Đô thị vùng lên”.  Ảnh: TRẦN LÂM
Vỡ múa “Đô thị vùng lên”. Ảnh: TRẦN LÂM

Những kịch múa, ca khúc hay đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm như: “Tay cày tay súng”, “Một trận chiến đấu bình thường”, “Tổ chiến đấu”, “Đô thị vùng lên”, “Hoa sen dưới cờ giải phóng”, “Tân Cương tươi đẹp”,... Tất cả những tiết mục đó đều được biểu diễn rất thành công, được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân thưởng thức hết sức nồng nhiệt.

Đặc biệt tiết mục “Con đường hạnh phúc” được xây dựng thành công ngoài mong đợi của đoàn và bản thân của từng nghệ sĩ múa. Bối cảnh của kịch múa là những cô du kích đang gài lựu đạn chuẩn bị cho một cuộc chống càn lớn thì bất ngờ giặc ập đến. Đội nữ du kích chiến đấu rất anh dũng.

Do không cân sức với kẻ thù, đội nữ du kích tạm thời rút lui. Trong đội nữ du kích ấy, có một cô du kích đứng ra cản đường giặc cho đồng đội rút lui và bị địch bắt. Diễn biến kịch múa bắt đầu. Trên sàn diễn có 3 nhân vật: cô du kích, người lính ngụy và tên cố vấn Mỹ. Tên cố vấn Mỹ trực tiếp tra tấn, hỏi cung cô du kích rất dã man, bắt cô phải khai ra đồng đội của mình.

Dù bị đánh đập hết sức tàn bạo, cô du kích không hề khuất phục, vẫn hiên ngang trước kẻ thù. Sự kiên cường và lòng dũng cảm của cô gái trước kẻ ngoại bang đã thuyết phục mạnh mẽ người lính ngụy khiến anh phải hồi tâm. Người lính ngụy phản kháng tên cố vấn. Thừa lúc tên cố vấn Mỹ sơ hở, cô du kích nhanh trí dùng chiếc khăn rằn mang hồn dân tộc của mình choàng lên cổ tên cố vấn Mỹ siết chặt.

Người lính chạy đến đẩy cô gái ra và quay súng bắn vào tên lính Mỹ. Hình ảnh cô du kích nhỏ trong cuộc chiến đấu không cân sức, nhưng đầy lòng dũng cảm của một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm, đã đánh thức người lính lầm đường lạc lối quay về với nhân dân. Người lính quyết định đi theo cách mạng.

Kịch múa đến đó, nhân vật cô du kích trở nên đăm chiêu suy nghĩ. Một bài hát đệm làm nền phát ra: “Ngày ấy qua rồi... Loài Mỹ hung tàn gây oán hờn dân miền Nam... Còn đâu chiếc khăn em tặng anh lúc xưa, giờ anh đã hiểu rồi”. Người lính chợt hiểu ra trên vai áo mình còn cái lon sĩ quan, anh liền lột xuống. Cô du kích vui mừng đón anh về với cách mạng, với nhân dân. Đó là “Con đường hạnh phúc” mà anh phải đi.

Nội dung kịch múa đã phản ánh rõ nét tinh thần bất khuất của dân tộc trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, thể hiện quan điểm đại đoàn kết trong khi làm công tác binh vận. Kịch múa thành công không chỉ có nội dung mà còn nhờ tài nghệ của các diễn viên. Vai tên cố vấn Mỹ đã thể hiện rất rõ sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược.

Anh nhập vai thành công đến mức các chiến sĩ, nhân dân đứng xem trào dâng căm phẫn và ném đất liên tục lên sân khấu, cùng với những tiếng la ó thể hiện sự căm hờn trong người xem. Vai cô gái thể hiện sự dịu hiền với đồng đội, hiên ngang trước kẻ thù và đầy lòng vị tha với người lầm đường lỡ lối. Hình ảnh ấy nói lên được bản chất của một cô gái Việt Nam. Kịch múa kết thúc trong tiếng vỗ tay reo hò vang dậy.

Từ đó về sau, khi lưu diễn kịch múa này bất cứ ở đâu, các đồng chí chỉ huy đều phải lệnh cho bộ đội lấy đạn ra khỏi súng để tránh sự quá khích, vì bức xúc và gây nguy hiểm cho diễn viên. Tâm huyết của các diễn viên, nghệ sĩ múa đã tìm được sự đồng cảm trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân qua từng kịch bản múa.

Trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù phải trải qua nhiều lần di chuyển căn cứ, địa điểm đóng quân, nhưng đi đến đâu, Đoàn Văn công tỉnh Cửu Long cũng đón nhận sự ủng hộ của nhân dân với tất cả những tình cảm cao đẹp nhất. Mọi sinh hoạt của đoàn văn công đều gắn bó với nhân dân.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời kỳ đoàn văn công đóng quân lâu nhất tại xã Mỹ Thuận và một số xã của huyện Bình Minh (nay là TX Bình Minh). Đây là vùng có đồng bào theo đạo Hòa hảo. Đồng bào ở đây hết sức yêu thương và hỗ trợ mọi mặt cho đoàn, nhất là các anh chị em trong đội múa. Có những hình ảnh đẹp mà đến nay anh chị em không thể nào quên và coi như kỷ niệm sâu sắc trong đời mình.

Do đời sống văn hóa tâm linh, nhà có đạo dành riêng chỗ nhà trên thờ cúng, phụ nữ không được phép lên nhà trên. Từ đó mọi sinh hoạt của các chị đều phải “ở nhà dưới, đi cửa sau”. Dù vậy, bà con chăm lo rất chu đáo cho từng diễn viên, từng cán bộ. Những đêm đi diễn về khuya lắc khuya lơ, bà con vẫn bảo đảm cơm nóng canh ngọt hoặc nấu cháo khuya cho các chị ăn lấy lại sức.

Những lúc nhận ra các chị mệt, bà con tổ chức ngay những bữa ăn “bồi dưỡng”. Những tình cảm nồng hậu đó lâu nay bà con chỉ dành cho những người ruột thịt! Chỉ một thời gian ngắn, bà con trong đạo coi anh chị em trong đoàn văn công như những người thân trong gia đình.

Từ đó, mọi đi lại trước sau trong nhà bình đẳng như những người trong thân tộc. Nhiều chị đến nay gặp nhau còn nhắc nhớ: “Khi mới vào đoàn, mình không hình dung được rằng tình cảm bà con đối với mình nồng hậu như thế”. Hầu như bất cứ nơi đâu: Cái Ngang, Ngãi Tứ, Trung Hiệp,... khi đoàn đến và đi đều đón nhận và để lại trong lòng nhân dân những tình cảm sâu đậm. Những tình cảm ấy đã biến thành kỷ niệm không bao giờ phai trong ký ức của những người đi làm nghệ thuật khi ấy.

Ngoài công việc biểu diễn phục vụ, cán bộ và diễn viên trong đoàn còn góp phần hỗ trợ và xây dựng các đoàn văn công, đội ca múa nhạc của nhiều huyện xã trong tỉnh như đoàn văn công huyện: Vũng Liêm, Cái Nhum, Trà Ôn, Lai Vung, Sa Đéc, Lấp Vò, Bình Minh... Đội ca múa xã Trung Hiệp, xã Ngãi Tứ... Đồng thời, Đoàn Văn công tỉnh cũng mở được nhiều lớp ca múa nhạc bồi dưỡng sáng tác, dàn dựng cho các cán bộ, diễn viên của các địa phương, cơ sở.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thành tích của Đoàn Văn công tỉnh không chỉ là những bằng khen, giấy khen... mà còn là những tình cảm sâu đậm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh dành cho đoàn, cho những vai diễn ca, múa, kịch nói trong những năm tháng chiến tranh đầy gian lao vất vả và đã trở thành niềm vinh quang tự hào của từng thành viên.

Hiện nay, đa số thành viên trong đoàn đã về hưu nhưng vẫn tiếp tục sáng tác và biên đạo nhiều ca khúc cũng như những vũ khúc tươi trẻ, sôi động ca ngợi cuộc sống và những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước. Tham gia hoạt động ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, các thành viên có nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động văn nghệ. Mỗi năm, hàng trăm tác phẩm múa được các anh chị em dàn dựng, biểu diễn và có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong và ngoài khu vực.

Một mùa xuân mới lại đến trên quê hương Vĩnh Long. Các tiết mục hát múa ca ngợi về đất nước, con người, quê hương luôn được mọi người nhiệt liệt ủng hộ. Mong rằng những tác phẩm hay của anh chị em trong đoàn sẽ tiếp tục nở rộ như những đóa hoa thơm dâng hương sắc cho đời.

HUỲNH THANH TRANG

 

Các tin khác: