Truyện ngắn

Sông nước lục bình

Cập nhật, 06:21, Chủ Nhật, 20/09/2020 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Tôi lấy làm lạ, lạ lắm! Cứ mỗi lần gió bấc già ngọn thổi rong, lục bình hợp lại lấp kín ngã ba sông, thi nhau trổ bông tim tím thì chiều nào cũng không lõi, chú Tư Thà ra ngồi trên cái rễ to của cây gừa lở nằm cặp mé nước ở ngã ba sông, mắt không rời xa sông nước với lục bình.

Trời đất! Chú nhìn cảnh vật rồi đếm sóng làm thơ? Không đâu, Tư Thà chữ nghĩa ít, văn hóa ngắn mà làm thơ cái giống gì? Hay là... Chú bị bệnh, bệnh “đàng dưới!” 

Chết thật! Nghe người ta nói, những người chết đuối ở dưới sông, vì chết oan nên linh hồn lẩn khuất không chịu tan đi, cứ tụ lại thành những đám chướng khí, vơ vẩn bay trên mặt sông, gặp ai “hạp” là trêu ghẹo, rồi hiện hình dưới đáy nước trong để tâm sự với người mình đã “kết”, lâu ngày rủ người đó “đi xuống sông” luôn!

Chắc cử hành hôn lễ à (!) Nghĩ như vậy, một cảm giác ghê rợn đến dựng tóc gáy len qua người tôi. Tôi giấu kín chuyện này chờ có dịp gặp bác Hai Ngữ- bạn thân của chú Tư Thà- nói lại.

Bẵng đi một lúc, vào một buổi sớm, sương giăng đầy đường, màn sương không còn đặc quánh như hồi hôm, nhưng cũng đủ làm cho người ta cảm thấy lạnh buốt.

Bác Hai Ngữ sang nhà tôi “chia” một chục dừa khô về làm giống trồng. Việc chia chác đã đâu vào đó, tôi đem chuyện chú Tư Thà “bỏ nhỏ” vào tai bác Hai Ngữ.

Phải mất mấy tiếng đồng hồ trò chuyện với người nông dân chân chất thật thà, nặng gánh với giồng khoai khóm lúa này, cái đầu đặc sệt gạo tiền cơm áo và dấu ấn của những điều huyền hoặc của tôi mới vỡ vạc ra đánh thức sự hiếu kỳ, buộc tôi phải để tâm đến những điều mình vừa biết.

Tối lại tôi khăn gói ra chòi vịt ngủ, để chờ nhặt trứng đem xuống chợ đếm sớm cho bạn hàng. Trời về khuya, tôi thu mình trong một góc chòi nhỏ hẹp, bên chiếc bàn con, ngọn đèn dầu leo lét. Và đang gật gù ngủ cạnh quyển lịch sử truyền thống của xã nhà mà bác Hai Ngữ vừa cho mượn.

Bên ngoài, bản hòa tấu lộn xộn của tiếng ếch nhái ộp oạp, tiếng côn trùng rả rích, tiếng thân lúa đã lên đòng, ngậm màu, nặng hạt uốn câu cọ vào nhau rin rít. Xa xa ở cuối xóm con trăng mười sáu đã ngất ngưởng trên ngọn tre.

Bỗng dưng, tôi thấy trước mắt mình mây như những quần thể thiên đàng biến động khôn lường. Lúc dịu dàng quyến rũ, khi kinh tởm sợ hãi.

Rồi trong đám mây yên tĩnh có người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, phong cách lịch lãm, đôi vai rộng, sóng mũi cao, cả khuôn mặt toát ra vẻ đẹp hài hòa, một sự nhạy cảm, tươi vui khiến cho người ta dễ mến.

Ông này giống hệt dượng Năm Ngân- người đã làm cho chú Tư Thà thờ thẫn, chiều chiều ra ngắm sông nước lục bình như lời bác Hai Ngữ nói.

- Cậu muốn biết về tôi để làm gì?

Ông ta bước ra từ đám mây trắng yên bình hỏi vậy. Song, giọng nói sao nghe phảng phất một nỗi buồn.

Tôi thật lòng trả lời:

- Biết để quan tâm, gìn giữ cội nguồn và niềm tự hào của dân tộc.

- Vậy đi theo tôi!

- Đi đâu? - Tôi hỏi và nỗi lo sợ leo lét trong lòng tôi!

- Ngược dòng thời gian, trở về với quá khứ.

Nè, lịch sử truyền thống là dòng nhựa xuyên suốt nuôi dưỡng các thế hệ. Cậu nhớ cho đó!

Ông cười mãn nguyện rồi lẩn vào trang giấy đầy chữ đã ngả màu vàng.

Tôi sực tỉnh, dụi mắt đổi tư thế ngồi, dán mắt vào từng trang trong quyển lịch sử và truyền thống. Ôi! Hình ảnh của ông, dượng Năm Ngân- một con người dũng cảm kiên trung đã ngã xuống để tên tuổi mình cắm lên đất mẹ Cù Lao, cho trên đời này có cái lẽ công bằng đạo lý đã hiện ra mồn một.

Mỹ- Diệm không tôn trọng Hiệp định Genève, tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử trong cả nước theo quy định. Chúng triển khai mạnh mẽ chính sách “tố cộng, diệt cộng”, tăng cường thêm mạng lưới gián điệp, còn cảnh sát thì đêm ngày lùng sục bắt bớ cán bộ, đảng viên và dọa dẫm chém đầu kể cả dân lành.

Chi bộ Đảng ở cù Lao tan nát, đảng viên không ít đồng chí bị sát hại, nhiều người phải đi điều lắng ở nơi khác. Đau thương tang tóc lẻn vào từng gia đình, giáng xuống đầu từng người một!

Trước tình hình đó, Huyện ủy Năm Ngân về củng cố lại Chi bộ Cù Lao. Bước đầu Năm Ngân bí mật mở cuộc họp tại vườn Tư Thà, một cơ sở trung thành với cách mạng, để tập hợp các đảng viên, lắng nghe ý kiến của từng người, rồi lên kế hoạch diệt ác hòng chặn đứng tội ác của kẻ thù.

Cuộc họp chưa đi đến kết thúc thì bọn lính quận ập tới vây bắt, vì có gián điệp báo trước. Năm Ngân sa vào tay giặc, bị tra tấn hết sức dã man, nhưng ông chỉ thừa nhận mình là cộng sản chớ nhất quyết không chịu khai báo.

Đáng trân trọng hơn thế nữa, Năm Ngân còn tranh thủ giáo dục bọn tề xã, bọn trực tiếp tra tấn mình thấy được việc làm của người cộng sản là vì quyền lợi của nhân dân trong đó có gia quyến của họ.

Ôi! Việc làm của người cộng sản đã đánh thức lương tri, hướng người lạc lối quay về với cái gốc của con người: điều thiện.

Hai Ngữ cũng là người trong bọn ác đã nghe lọt lỗ tai liền xụi lơ nấm đấm, hạ nhẹ dùi cui, chùn chân thượng gối, rồi hai mắt cay xè mòng mọng nước! Đêm xuống, Hai Ngữ lén trao cho Năm Ngân gói cơm, bao thuốc hút và một lời hứa: Quay súng chống lại bọn Mỹ- Diệm!

Vài ngày sau, tên quận trưởng cho giải Năm Ngân về quận tiếp tục tra tấn, lấy lời khai. Trên đường dẫn giải, nhân dân ra đứng đặc hai bên đường, như đưa tiễn người thân của mình bước vào hang hùm miệng sói.

Hôm đó, mưa rả rích, giọt giọt trầm buồn, rớt vào hồn người dân Cù Lao niềm xót thương vô bến bờ. Đến ngã ba sông bến đò sang chợ quận, Năm Ngân còn ngoáy lại nhắn nhủ với bà con rằng: “Đồng bào ở lại khỏe và an tâm, tôi chấp nhận hy sinh chớ không hề khai ra ai cả!”

Nén xúc động ở trong lòng, người người lớp lớp đổ xô về phía Năm Ngân. Ngọn súng giặc bắt đầu phát huy sức mạnh.

Chúng nổ súng định răn đe người dân hai sương một nắng hay dọa nạt đạo lý lương thiện trên đời này? Mặc chúng! Nhân dân Cù Lao chan nước mắt lên nhau, tràn tới như nước vỡ bờ.

Đò tách bến, cả rừng người im lặng, nghiêng mình khâm phục người cộng sản anh hùng, người con xứ sở Càng Long đã chọn Cù Lao làm quê hương thứ hai của mình, để gieo mầm cách mạng, cho thương nhớ đâm chồi.

Địch không khuất phục nổi người cộng sản gan thép. Tên quận trưởng sai “tay chân” lén lút chở Năm Ngân ra ngã ba sông, đâm chết rồi neo đá. Đêm ấy, trăng trải mênh mông ban phát hào phóng ánh sáng nuột nà lên dòng sông. Gió bấc già thổi rong ngọn ngã ba sông lềnh bềnh từng mảng lục bình trôi, chở tiếng bìm bịp nghe sầu thảm thiết!

Dượng Năm Ngân đã đi thật rồi ư? Đi thật rồi! Dượng đi như hóa thân vào tạo vật. Đắm mình trong giấc ngủ vĩnh hằng, để tiếng thơm ngàn năm người đời còn nhắc nhở.

Hay tin này, người dân Cù Lao không cầm được nước mắt, công việc làm ăn chểnh mảng suốt mấy ngày. Ai nấy đều thương tiếc người cộng sản đã đi qua cuộc đời họ nhanh như một vệt sao băng mà ấn tượng không sao mờ phai được.

 Do vậy, từng nhà thắp nén nhang thơm cắm trên bàn thờ và chưn một lọ hoa lục bình tim tím. Còn riêng chú Tư Thà hết ngồi bó gối khóc, tiếng khóc không trào ra được, cứ ùng ục trong cổ họng, rồi lại ra chòi rẫy sống lặng lẽ như một nhà tu.

Từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, hình bóng Năm Ngân lúc nào cũng gợi lên ở chú niềm nhớ thương da diết, cùng nỗi xót xa tủi buồn, vì không che chở được cho Năm Ngân. Rồi từ đây, cứ mỗi lần gió bấc già ngọn thổi rong, Tư Thà ra ngã ba sông thả hồn theo những giề lục bình nở bông tim tím, để nhớ kỷ niệm xưa và ngày kỵ cơm của bạn mình.

Gấp quyển sách lại, tôi cảm thấy mình lớn lên, bởi được nuôi dưỡng từ dòng nhựa lịch sử- truyền thống của xã mình. Bên ngoài trời đã sáng. Nắng xao xao trên những vườn cây sai trái, những liếp dưa, giàn bầu, luống bí. Ôi! Hạnh phúc đã gõ cửa quê mình, sông nước lục bình ơi!

HỒNG SƠN