Truyện ngắn: Nắng bên sông

Cập nhật, 06:00, Chủ Nhật, 08/03/2020 (GMT+7)

Đêm lịm dần ở phía hừng đông, gió vẫn còn tạt qua những ngọn phi lao oằn oại ôm nhau trước sân.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Thằng Tí dụi mắt lồm cồm bò khỏi mùng bước ra cửa. Nó nheo mày đứng ngó ra, gió lất phất cái quần cộc, rồi lầm bầm “Trời, giông lớn khiếp”. Bỗng giọng nói từ phía sau làm nó giật mình:

- Ngủ khò hay ho gì. Cái nóc nhà còn dính cột là may phước. Đi rửa mặt đi ông trời con!

Cô Ba thở dài xoa đầu nó rồi bước ra quơ đống lá cây trước sân. Thằng Tí vẫn còn ngáy ngủ đứng dựa cửa nhìn đám lá xạc xào trôi theo từng nhát chổi má nó quét. Chợt nhớ ra điều gì, nó bật chạy vù ra gốc cây sau nhà. Cái tổ chim nó đem về từ cành cây cưa đổ ở nhà thằng Chít.

Chiếc tổ chim giờ úp ngược, lông lá tả tơi, mấy con chim con mất dấu. Nó ngồi phụp xuống tiếc nuối, mắt nó cay cay. Nó sợ cái quạnh quẽ, cô đơn. Nó thù ghét những thứ tạo ra chia cắt, nó thẫn thờ vừa đi vừa nghĩ ngợi về số phận của lũ chim con.

Thằng Tí thích cưu mang thứ gì đó, đại khái như con chó con bà hàng xóm quẳng đi vì thừa vú, hay con gà con lạc mẹ.

Thằng Bảo nói:

- Nó mồ côi cha nên thích bảo bọc.

Còn thằng Chít quả quyết:

- Nó bị bỏ.

Cuộc tranh cãi cứ diễn ra lén lút, tụi nó chẳng dám hỏi. Một nửa sợ mất nghĩa khí, một phần vì thương cho thằng Tí.

Đôi lúc chúng nghe ngóng từ xóm trên là cha thằng Tí đi buôn chết mất xác, xóm dưới thì bảo ông chồng có vợ bé nên má con thằng Tí về đây ở. Có người buộc cho má nó cái tội trắc nết nên ông chồng tống cổ bỏ luôn.

Không biết thằng Tí nghe thấy không, chỉ biết nó thường hay nổi quạu, hai mắt nó như hai viên đạn đỏ bưng ngân ngấn nước. Nhưng không biết do giỏi sự kìm nén, hay nghe lời má nó dặn hay sao mà trông nó phớt lờ đến độ dửng dưng.

Cô Ba lớn lên từ vàm sông này, con nước lớn ròng đưa đẩy những hạt phù sa, gió nơi đây mát và mềm mỗi khi cô ra bờ sông móc những giề lục bình vào bờ để cắt những cánh lá to mềm về phơi đan đồ mỹ nghệ, khúc quanh của dòng sông đẹp dịu dàng như dáng người thiếu nữ bên rặng bần tỏa nắng.

Cái Đôi chảy dài ra sông Tiền. Hai bên đầy bần và gừa, có những cây gừa già râu ria lực lưỡng trăm tuổi. Người dân lập miếu thổ thần ở gốc to nhất, thờ cúng như sự tín ngưỡng trấn giữ.

Cũng ở gốc bần, cô phải lòng người đàn ông. Không biết đến từ đâu, người đàn ông đầy vẻ phiêu lãng, nước da phong trần mang cô gái đôi mươi đi trong đêm tĩnh mịch. Hai năm sau, làng xóm thấy cô cùng đứa trẻ ẵm ngửa trên tay về nhà.

Vào tháng ba, những tán bần nhuộm nắng, phía dưới những giề lục bình bung những chùm hoa tim tím lặng lẽ trôi theo dòng trong vắt, vài con thòi lòi lằng nhằng chiếc đuôi nhảy né từng con sóng dập vào bờ.

Buổi trưa ven sông thật êm ả, chỉ có tiếng sóng thỉnh thoảng tạt vào những hốc rễ cây nghe oàm oạp, đôi lúc ẳng lên tiếng chó sủa, gió luồn vào khe tai man mát.

Ngày nào thằng Tí cũng ra đây, dựa vào gốc bần có cái thân đầy vết xù xì do những chiếc ghe buộc dây neo mỗi lần ghé bến.

Nó không đến để tưởng thương cho người cha không biết tên, nó đến soi mình xuống đáy trầm ngâm, cố mường tượng cái gì đó từ vệt sáng lẻn qua tán bần xanh. Chỉ có gió và nắng. Vì lẽ rất bình thường là nơi đây yên lặng. Mùa này, lục bình ra hoa tím cả dòng, trôi mãi. Đến rồi đi.

Lâu lâu, bà Tư từ nhà xuống bến nước giặt vài bộ đồ. Tiếng tát bọt xà bông ra xa đôi khi làm cho thằng Tí giật mình. Mỗi lần như thế bà Tư nhìn nó cười khào, vừa trìu mến vừa chọc phá.

Trên vàm sông này, bà Tư có đôi mắt lạ nhất. Hình như có tia sáng nào đó ánh lên từ đôi mắt ấy, đôi mắt đầy chiêm nghiệm của một người già từng trải, từng nếm nỗi đau và đầy trắc ẩn.

Nhà bà Tư cách chỗ thằng Tí nằm chỉ chừng vài mét. Cũng vừa đủ khoảng không để quan sát nó. Có lẽ chẳng nhằm mục đích gì ngoài việc sợ thằng Tí té ngổng xuống sông vì ngủ gật.

Nhưng không lần nào nó lật tủm xuống, dù thân bần nghiêng hẳn ra sông, gốc bần như có đôi tay vô hình ôm lấy tấm thân chuột nhắt của nó. Nhiều lần bà Tư nhìn thằng Tí thật lâu như tìm kiếm ký ức đã chôn sâu trong lòng bà.

… Đêm ấy, trăng mờ ảo như ánh đèn leo lét. Trời cũng tầm khuya. Mưa rả rích rớt xuống mái nhà. Sợ lũ vịt con mà bà mới mua về từ đầu chợ ướt nhũng và lạnh, bà Tư khoác chiếc áo mưa cũ màu xám xịt ra thăm chừng.

Gió ngày hôm đó cũng lạ thường, đâu phải mùa nước lớn mà gió dưới sông cứ thổi ào ạt lạnh cả người. Ngọn gió đẩy ánh nhìn của bà về phía khoang ghe của gã đàn ông mà bà gọi “cái gã thương hồ lang bạt”. Trong cảm giác của bà Tư, gã thương hồ này là dòng xoáy đầy bí ẩn.

Hắn không giống gã nào khác bà từng gặp. Gã có ánh nhìn nảy lửa ngạo mạn nhưng bất cần. Cái bất cần của gã như hương vị lấy ra từ cuộc đời thăng trầm có quá nhiều sự nghiệt ngã và chua chát.

Giọng gã trầm đục, những câu thoại khi cần trao đổi với ai đó nghe bỡn cợt nhưng ẩn chứa một khoảng không trống rỗng và mệt nhoài.

Lần đầu tiên, bà hỏi han về gã là lần đầu bà bắt gặp được đôi mắt ánh lên một vẻ hồn nhiên và đầy say mê khi đôi mắt ấy vừa rời quyển sách ngước nhìn bà và luôn có những câu trả lời thật dễ chịu, thân thiện.

Dù hơi ngài ngại với vẻ kỳ quặc của gã thương hồ này nhưng trong thâm tâm bà thật sự mến gã, nên mỗi khi ra bờ sông giặt đồ bà cũng thường hay bắt chuyện. Những buổi trưa gã thường neo ghe bên gốc bần sau chuyến mua bán của gã và vẫn với những quyển sách, tạp chí hay tờ báo, gã như quên mọi thứ chung quanh... Có lần bà Tư hỏi:

- Trông cậu là dân có học nhỉ?

Gã cười nhã nhặn:

- Cháu chỉ là người yêu sách thôi dì.

- Quê cậu ở đâu?

- Đồng Tháp!

- Sao trôi dạt đến đây?

Có một thoáng suy tư trên nét mặt nhưng gã điềm nhiên trả lời:

- Cháu cũng không biết nữa!

Bà Tư cười khào rồi không hỏi thêm gì nhưng ngấm ngầm trong bà là những suy tưởng. Bà nghĩ gã là kẻ trôi nổi đầy thú vị.

Ánh trăng đêm ấy bàng bạc lóe lên mặt sóng những vệt sáng lung linh nhưng yếu ớt. Từng ngấn sóng chênh chao. Trên sạp ghe những âm thanh cọ kẹt, giọng người đàn ông thủ thỉ.

Hơi thở nức ra từ bờ ngực chạm nắng. Môi bám vào đầu lưỡi. Đôi bàn tay nhỏ nhắn bấu chặt vào bẹ ghe.

Tiếng nước ập vào nan ghe bồng bềnh. Khoảng trời lặn vào đêm, tiếng thút thít ứa ra từ đôi môi đắm. Đôi bàn tay vạm vỡ vuốt ngược nâng nhẹ tấm lưng mỏng manh. Ghì chặt.

Ngoài trời, giọt mưa cuối cùng chưa muốn dứt. Lăn nhẹ trên tán lá bần. Những chiếc lá cuốn theo dòng, buông lơi. Gió thoảng nhẹ lướt qua hơi sương, lướt qua làn da trắng đã ủ đầy hơi ấm.

Bà Tư đứng sững sờ, đôi mắt đăm đắm. Bà ngờ ngợ điều gì hẳn đã từ lâu. Khi chiếc khung đan lục bình của cô Ba rớt ra khỏi sợi dây buộc rơi tủm xuống trước mũi ghe. Khi mái tóc của thiếu nữ vừa tròn đôi mươi vô tình vướng vào nút áo gã trung niên dặm dày sương gió.

* * *

Mới sáng sớm, cô Ba giục thằng Tí dậy sau khi lục đục với cái vali cũ dính đầy mạng nhện từ gầm giường. Vài tờ bạc xếp phẳng được lấy ra trong chiếc hộp gỗ khóa bằng cái ổ khóa rỉ sét.

Thằng Tí hay lòm chòm hỏi má về những thứ trong vali nhưng thường không có câu trả lời hay chỉ nhận được câu phản hồi từ đôi mắt rất sâu của má: “Lớn rồi biết”.

“Lớn là bao nhiêu?” nó chừng như ngờ ngợ. Những bí mật của đời mình về cha nó. Nó hình dung một cái ảnh đen đen trắng trắng của người đàn ông mà hàng xóm vẫn hay nói loáng thoáng sau lưng nó.

Người đàn ông mà má nó bỏ cả cuộc đời con gái, mặc cho những lời dị nghị trong cái xóm ven sông thưa thớt, quạnh vắng và dễ tổn thương này.

Hận và giận, nhưng cái suy nghĩ ấy đôi khi chỉ lập lòe trong nó rồi cũng vội tắt trước cái khao khát về người cha luôn xuất hiện trong giấc mơ nó. Nó thèm được ôm được hun hít như cái tụi thằng Chít, thằng Bảo vẫn thường được ba của chúng ôm hun trong vài lần bất chợt.

Những sáng này, chợ đông người ồn ào tiếng qua lại. Đông hẳn vì mấy tiếng chí chóe của lũ nhóc tiểu học như thể cả làng bưng hết ra chợ để mân mê những bộ đồ đồng phục, như thể anh lính sắp được gắn quân hàm thăng chức vào ngực áo.

Thằng Tí ghét cay ghét đắng buổi chợ thế này, đầy người và những bà thím thắp sáng môi, đỏ như ăn trầu trầm trồ nhìn nó rồi khe khẽ gõ vào tai má nói vài câu đau điếng. Rồi nó phải tìm mọi cách đánh lẻ, tách khỏi đám đông chật chội và mắt luôn trông chừng người đàn bà đẹp như tiên đang lạc giữa đám đông trần tục.

***

Thằng Tí đã vào cấp hai, lớp đầu cấp với nhiều thứ phải lo toan. Mọi thứ đều thay đổi- nhất là tính khí thằng Tí khác lạ hơn. Cô Ba hình như cũng ngờ vực điều đó dựa vào thân hình của nó.

Cái bắp cẳng cụt lẳng teo ngắt giờ đã dài ngoằng căng cứng. Thằng Tí không dám cởi tọt cái quần sau khi vùng vẫy bên bến sông cùng tụi bạn như trước nữa.

Cũng chẳng phải sợ tụi con gái trêu cái bớt đỏ au sau lưng. Dấu hiệu nó không còn là trẻ con, nó bắt đầu lớn.

Năm nay trong mùa dịch tai xanh hoành hành, cả một vùng nông thôn rộng lớn, cái xóm ven sông cũng không ngoại lệ, những cái chuồng trống không với những máng ăn lên meo lên mốc.

Thế mà dưới đôi tay khéo léo và cần mẫn, cô Ba giữ được lứa heo khá khỏe mạnh, tuy chưa vô tạ nhưng cũng phải kêu lái tung chuồng để có tiền lo nhiều thứ cho thằng Tí vào năm học mới.

Thằng Tí lớn nhanh như thổi, cái quần nó mặc đã hất lên, mấy đường chỉ cũng mòn và úa bùn. Một danh sách được cô viết ra dài như sớ táo quân. Cả buổi tối Thằng Tí thấy mẹ đờ ra, miệng lẩm nhẩm vài ba thứ như bùa chú.

Cấp học mới lạ lẫm, trường học cũng xa hơn. Thằng Tí cần cái xe để đi. Nó phải thức sớm đạp vài ba cây số trên cái đê cong quằn như con trăn. Hì hục lên mấy cái cầu. Và cả khi đoạn đường đê bị nước sông nuốt mất. Nó phải lách vòng qua đường liên xã để kịp cho đội cờ đỏ không ngắm nghía.

Thằng Tí thương cái xe lắm. Như thương bầy vịt nó chăm nom hì hục sau cái ao nhỏ mà má nó tận dụng sau nhà. Thằng Tí phải ứa nước mắt và thấy tội lỗi cả tuần khi má nói phải bán bầy vịt, đắp tiền cho chiếc xe đủ thắng đủ dên.

Mỗi lần nhìn thằng Tí đi học về, chiếc áo trắng lấm giọt mồ hôi và choàng chiếc khăn quàng đỏ tươi, cô Ba như không thể tin được thời gian lại thổi nhanh qua đời cô như vậy.

Từng mùa hoa bần trôi mãi về nơi nào phía những dòng sông. Cô còn nhớ rất rõ mùi hương ngào ngạt lặng lẽ trong đêm, ngày cô cùng người đàn ông ấy đẩy mũi ghe đi về phía lênh đênh của dòng sông. Ngày, người thiếu nữ nhìn về phía xa thẳm của bầu trời trong đôi mắt say đắm và tin tưởng.

Tình yêu của cô cũng gợn sóng như sông, xôn xao và dữ dội. Cô đã sống và yêu như thể bất cần trong những tháng ngày trôi dạt. Hạnh phúc như thứ tinh thể trong suốt được cô chắt chiu cưu mang và thừa hưởng. Hạnh phúc là sự tận hiến cho tình yêu mà không hề do dự, không hề tiếc nuối.

Cô đã cùng anh băng qua ngày tháng trơ trọi và đầy miệt thị, chỉ có dòng sông là nơi cưu mang một tình yêu nghiệt ngã. Nghiệt ngã của xã hội và tuổi tác.

Câu nói vẫn còn in sâu trong cô “anh sẽ phải chết trước em những hai mươi năm” khi anh choàng ôm và đặt đôi môi lên bụng cô: “ Em vẫn còn con”.

Từng ngày trôi qua như thể lẫn vào khoảng không gian của ánh sáng. Đến rồi đi, đau buồn và hạnh phúc cũng chỉ là thứ vật thể mong manh giữa cuộc đời trầy trụa. Khi định mệnh đầy dã tâm và ác liệt.

Cơn bão đã đi qua cuộc đời cô, cuốn đi tất cả những gì thuộc về lẽ vô thường và trong đó có người đàn ông của cô, khi cô đã có đủ can đảm đương đầu.

Tình yêu của cô, anh, và cả đứa bé đang cọ quậy trong bụng cô như đang phấn khích và lạ lẫm với hình hài lớn dần của nó. Thằng bé có bết son phía sau lưng đỏ ửng.

Hơn mười năm cưu mang và nâng niu, lặng lẽ yêu thương để vượt qua những khó khăn và khắc nghiệt của cuộc sống.

Giờ nó đang ngồi trước cô, gọi: “Má ơi! Cơm má nấu ngon”. Nó nhìn cô âu yếm và nói thật hồn nhiên: “Má là người đẹp nhất”. Cô chợt thấy một làn gió ấm áp như vòng tay từ tán bần đang lóa nắng thấp thoáng bên sông.

HOA GIÓ