Tạp bút

Cũng tại bài "Bún riêu..."!

Cập nhật, 19:25, Thứ Bảy, 07/03/2020 (GMT+7)

Có những món ăn vừa nghe tên đã thấm đầy vị ngọt. Có những bài hát dù khơi nguồn từ món ăn nhưng đâu dừng lại ở chuyện uống với ăn…

Một ngày làm việc cuối tuần, để xua đi chút uể oải đang nắm níu, anh bạn làm chung phòng bật chiếc smartphone. Anh mời tôi cùng nghe bài hát mà anh gọi gọn là bài “Bún riêu…”.

Anh bảo: “Tuổi trẻ bây giờ tài thiệt! Nghe đi, còn nhỏ xíu mà hát hay quá trời!” Em hát hay hay là em hát “đúng”. Đúng vào tim tôi, tim anh, tim của những con người vốn lớn lên cùng con ốc, con cua.

Đó là bài “Bún riêu cua đồng” của nhạc sĩ Lâm Quang Long. Cũng là món bún riêu với rau muống xanh, cua đồng. Cũng là vị mắm tôm đã làm nên hồn cốt. Nhưng, đến với “Bún riêu cua đồng” ta không chỉ biết về món ăn mà còn cảm được một nỗi niềm man mác.

Bởi, trải dài theo bài hát là tiếng lòng của một người con đối với quê hương, với người mẹ khổ cực dầm mưa, dãi nắng vì con. “Bún riêu cua đồng” vừa chân thực, thôn quê vừa thấm tình con nhớ mẹ, mẹ thương con nên quá đỗi ngọt ngào, da diết.

“Hò ơi...

Rau muống xanh buổi trưa con hái

Cơn mưa chiều mẹ lội đồng xa

Thương con không nghĩ thân mình

Mẹ dầm mưa ướt, hò ơi... mẹ dầm mưa ướt bắt từng con cua...”

Bài hát “đốn tim” tôi ngay từ điệu hò “mở màn”. “Giọng con nhà ai mà hay đến thế!” Tôi tự hỏi và tự tìm thấy mình qua từng lời hát. Ở đó có tôi của những trưa hè lẽo đẽo theo mẹ ra vườn hái rau.

Ở đó có mẹ tôi của những tháng ngày dầm mưa, dãi nắng. Và ở đó, có cả vị ngon của món bún riêu cua đồng mà mỗi lần muốn mẹ lại nấu cho tôi ăn.

Dường như khi người ta lớn lên người ta luôn cần những điểm tựa êm ái để ru mình trong những ngày trở gió, cần những phút giây tĩnh lặng để tìm lại chính mình của ngày xưa.

Không có bờ vai để gục đầu nương tựa và òa khóc như ngày còn bé, không còn những nụ cười hồn nhiên thuở xưa nên người ta thường ru mình trong những khúc dân ca.

Đó là khoảng trời cất giữ dùm ta vẹn nguyên những tháng ngày yêu dấu dẫu cho thời gian có bao xa cách, nhạc nhòa. Tôi hạnh phúc hơn rất nhiều người: Tôi vẫn còn có mẹ. Nhưng giờ tôi cũng lập nghiệp xa quê.

Giờ tôi cũng nhớ quê, nhớ mẹ nên một khúc dân ca đã khiến tôi phải chạnh lòng: “Thèm quá mẹ ơi tô bún riêu cua đồng/ Rau muống xanh xanh rờn năm nào mẹ nấu ăn/ Giờ thèm được như xưa, nằm trên chiếc võng sau hè, được nghe tiếng hát ví dầu của mẹ ru các em…”

Đã hơn mười mùa mưa nắng đi qua! Đã hơn mười mùa cây mít bên hiên nhà thay lá là cũng bấy nhiêu mùa cha mẹ tôi không còn một đứa con nào sớm hôm bên cạnh. Lần lượt, lần lượt anh em chúng tôi chọn cho mình con đường lập nghiệp xa quê.

Cha mẹ có buồn nhưng hẳn cha mẹ không hối hận bởi từ lâu ông bà đã quyết đầu tư con chữ cho con mình. Hiểu được nỗi khổ của cha mẹ, thương cha, thương mẹ chúng tôi tự nhủ phải thành người có ích cho xã hội.

Nhưng xa quê, xa nhà, xa cha mẹ thì tránh sao khỏi những phút giây chùn lòng nơi đất mới. Như chiều nay, một điệu khúc dân ca ngân nga giữa lòng phố khiến tôi thèm quá vị ngọt của quê hương.

… “Mẹ ơi... nơi quê xa khỏe không/Con phương xa phố đông quê người thèm quá mẹ ơi/Muống xanh xanh rờn/ Mắm tôm thơm nồng, một đời con không quên/ Mẹ ơi bún riêu cua đồng”…

Hay là giờ mình về quê mà òn ĩ mẹ nấu bún riêu cua đồng! Cũng tại bài “Bún riêu…”!

DIỄM KIỀU