Từ một bài thi kỳ lạ

Cập nhật, 14:57, Thứ Hai, 18/11/2019 (GMT+7)

 

Họa sĩ Diệp Xang (bên trái) và tác giả bài viết.
Họa sĩ Diệp Xang (bên trái) và tác giả bài viết.

Vào khoảng đầu thập niên những năm 70 của thế kỷ XX, tôi vào dạy môn Sử lớp 11AB ở Trường Trung học Bồ Đề của tỉnh Phú Yên trước giải phóng. Sau thời gian học tập, toàn trường bước vào kỳ thi lục cá nguyệt (nay là thi học kỳ).

Mỗi thầy cô giáo bộ môn các lớp đều chịu trách nhiệm ra đề thi này nhưng phải theo chương trình học tập do Bộ Giáo dục Chính phủ Sài Gòn quy định. Vậy là đề môn Sử của lớp 11AB năm ấy tôi cho thi Thế giới sử nói về sự canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng đối với nước Nhật. Sau buổi thi, tôi thu bài mang về chấm.

Thời điểm ấy, sách lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ triển khai mạnh mẽ, ở miền Nam chiến tranh gia tăng khốc liệt. Chế độ cũ cần rất nhiều thanh niên cung cấp cho chiến trường.

Học sinh chưa hẳn đã có khái niệm cố gắng học tập để sau tìm được việc làm tốt, được hưởng bổng lộc hậu hĩ; nhưng chắc chắn một điều hiện hữu- nhất là nam sinh- phải ra sức học thật giỏi ở bậc trung học đệ nhị cấp (nay là trung học phổ thông) tối thiểu mỗi năm một lớp, nếu không đủ điểm lên lớp, người đó bị buộc cầm súng đẩy ra chiến trường. Chính vậy mà điểm thi 2 học kỳ đối với học sinh năm lớp 11 hồi ấy rất quan trọng.

Tôi chấm số bài thi cả lớp, hầu hết các em đều làm được. Duy chỉ có một học sinh, tôi sững sờ khi mở bài thi của em này ra để chấm điểm, không thấy viết tí gì liên quan đến đề thi, mà trên đôi giấy manh rộng lớn em chỉ vẽ hình một quả bí ngô to tướng, ghi bên dưới một từ duy nhất là chữ “bí”, đoạn gấp trang giấy lại chờ hết giờ theo bạn nộp bài...

Công bằng mà nói học sinh này vẽ trái bí ngô khá đẹp. Những vết lõm từ cuống quả tỏa xuống rốn bí trông như các đường kinh tuyến trên quả địa cầu khá đều; rồi đánh bóng tạo bên tối bên sáng làm cho các gờ trên vỏ quả bí thêm phần sinh động. Nhìn hình quả bí ngô đẹp tôi ít nhiều thiện cảm về tác giả của nó.

Nhưng bài thi phải ra bài thi, không thể nào có điểm được. Rồi chợt nghĩ nếu cho điểm O là tôi gián tiếp góp phần cuối năm học này đẩy em phải ra mặt trận, nhất định người ta ấn vào tay em khẩu súng và làm bia đỡ đạn thay vì em được cầm cây cọ để vẽ tiếp những hoa quả xinh tươi, biết đâu trở thành họa sĩ tài năng trong tương lai... Chỉ bài thi kỳ lạ này tôi đã phải vật vã đấu tranh tư tưởng từ lúc chấm bài cho đến khi trả bài và công bố sự việc. Vì đây là điểm thi mà!

Vậy là hôm phát kết quả môn Sử ra tại lớp, tôi gọi tên học sinh của bài thi kỳ quặc đứng lên, đoạn hỏi: “Em thích tiếp tục đi học hay thích đi lính?” Miệng em chỉ ấp a ấp úng nhìn tôi rồi liếc nhìn bạn bè trong lớp như mong sự “cảm thông”.

Tôi thầm nghĩ một học sinh vui, buồn gắn bó có nhau với bạn bè lẽ nào thích sớm bỏ lại trường lớp sau lưng để bước vào chiến tranh, bước vào cõi chết? Hỏi là hỏi vậy chứ tôi đoán được câu trả lời em thích gì rồi. Thế nên lúc ấy lòng tôi đã có một quyết định không mang tính sư phạm nghiêm ngặt chút nào, nhưng cần thiết đối với một thư sinh trẻ tuổi đang “đứng giữa đôi dòng nước”…

Bây giờ thì đến lượt tôi cần sự “cảm thông” chứ không phải em ấy nữa. Tôi hướng xuống hỏi cả lớp: “Nên để bạn mình ra lính hay cho bạn cơ hội ở lại tiếp tục học tập?” Cả lớp đồng thanh “Cho bạn cơ hội ở lại học hành với chúng em, thầy ạ!” Câu trả lời lớp 11AB như chiếc phao cứu sinh cứu rỗi tình huống tôi lúc này. Không chần chừ nữa, tôi tuyên bố đặc cách người học trò kia được điểm trung bình bộ môn thi tuy chỉ là hình vẽ quả bí, rồi ghi ngay vào sổ điểm nhà trường.

Vậy là con điểm quả bí ngô ngày ấy kịp góp phần níu chân người học trò lớp 11 Trường Trung học Bồ Đề năm xưa khỏi bị đẩy vào lính ra trận mạc, để bây giờ trở thành một họa sĩ tài hoa ở thành phố quê hương.

NGUYỄN TƯỜNG VĂN